Việt Nam có thể sẽ phải mở cửa thị trường xăng dầu sớm hơn kế hoạch
Thông tin về Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 lên kế hoạch tham gia vào thị trường xăng dầu Việt Nam với mục tiêu phân phối các sản phẩm dầu khí, đang được kỳ vọng sẽ làm tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng và có lợi hơn cho người tiêu dùng nội địa. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đây có thể là "bước đệm" để Việt Nam tiến tới mở cửa thị trường xăng dầu sớm hơn dự định.
Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 được thành lập dựa trên Liên doanh giữa Tập đoàn Idemitsu Kosan của Nhật Bản và Công ty dầu khí quốc tế Kuwait KPI. Công ty này tham gia đầu tư Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hoá) cùng đối tác Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Đồng thời, sẽ có quyền tham gia phân phối xăng dầu khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động năm 2017, với công suất 8,4 triệu tấn dầu thô/năm trong giai đoạn đầu của dự án và nâng cấp lên 10 triệu tấn/năm giai đoạn sau đó.
Theo đại diện Bộ Công Thương, từ trước đến nay, Việt Nam chưa từng có doanh nghiệp nước ngoài nào tham gia thị trường xăng dầu tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp nước ngoài được phép tham gia bán lẻ xăng dầu, nằm trong nội dung cam kết của Chính phủ với nhà đầu tư khi thực hiện dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn – Thanh Hoá. Theo đó, phía đối tác sẽ được phân phối bán buôn bán lẻ xăng dầu tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, đại diện Bộ này cũng cho biết, việc cấp phép địa điểm phân phối là chưa có. Vì thế, các doanh nghiệp nước ngoài muốn tham gia vào thị trường sẽ phải dựa vào hệ thống phân phối có sẵn của doanh nghiệp trong nước.
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho hay: “Việt Nam và các nước mới chỉ có các cam kết liên quan đến việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu. Khi dòng thuế này về 0% hoàn toàn vào năm 2024 thì nghiễm nhiên, chúng ta phải mở cửa thị trường xăng dầu. Nhưng nhiều khả năng chúng ta phải mở cửa sớm hơn. Bởi lẽ bắt đầu từ năm 2017, khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ thực hiện bán xăng dầu tại Việt Nam.
Đây có thể là bước đệm trước khi chúng ta chính thức mở cửa thị trường. Do vậy, nhà nước phải có kế hoạch, chuẩn bị chiến lược mở cửa thị trường một cách cụ thể. Trước hết, có thể bằng việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp như Lọc hoá dầu Bình Sơn, Nghi Sơn về chênh lệch thuế nhập khẩu cùng các cơ chế hỗ trợ khác..."
Ông Ruệ đề xuất, có thể giảm thuế nhập khẩu xuống còn 10% đối với xăng và 0% đối với các mặt hàng dầu trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Bởi, mức thuế nhập khẩu thấp nhất theo các cam kết của Việt Nam với quốc tế là 10% đối với xăng và 0% với dầu. Trong khi mức áp dụng để tính giá cơ sở là 18,35% với xăng và 2,32% với dầu diesel.
Theo Hiệp định thương mại WTO năm 2006, Việt Nam không có chủ trương mở cửa thị trường mà vẫn giữ lại quyền kinh doanh xăng dầu. Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài không được quyền kinh doanh, phân phối, xuất, nhập khẩu xăng dầu.
Nhưng đối với thông tin các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ được bán xăng dầu tại Việt Nam, ông Ruệ cũng lý giải, Chính phủ cũng có những ngoại lệ về mở cửa thị trường với các nhà đầu tư tại các dự án lọc hoá dầu. Khi cấp phép đầu tư cho dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn, Chính phủ đã đồng ý cho các nhà đầu tư có quyền phân phối sản phẩm do họ đầu tư sản xuất ra tại thị trường nội địa. Do vậy, Công ty Idemitsu Q8 được thành lập là để chuẩn bị cho lộ trình bán hàng của dự án Nghi Sơn từ năm 2017 tới.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, để thị trường xăng dầu phát triển cạnh tranh hơn, đem lại chất lượng và giá cả tốt hơn cho người tiêu dùng, nhà nước có thể nghiên cứu để sớm cho các doanh nghiệp nước ngoài vào tham gia.
Việc các doanh nghiêp Nhật Bản bán xăng tại Việt Nam vào năm 2017 theo dự kiến sẽ là tiền đề tốt để thực hiện việc mở cửa thị trường. Khi thị trường mở cửa, sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu hơn, hàng hoá và giá cả cũng sẽ ổn định, sát với giá thế giới hơn, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng nội địa.../.
Nguồn BNews/TTXVN