Việt Nam có & không TPP: Nếu TPP không có Mỹ?
Trong một thế giới bất ổn, Việt Nam cần có sẵn những kịch bản đối phó với rủi ro chính sách đến từ các tình huống bất ngờ như kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ hay khả năng Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Cho đến nay, việc ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ vẫn được nhìn nhận là tín hiệu tiêu cực đối với kinh tế thế giới. Bởi sẽ có những ảnh hưởng xấu nếu ông Trump thực hiện đúng những cam kết trước tranh cử về thay đổi các chính sách kinh tế. Chẳng hạn, ông tuyên bố ngay từ ngày đầu tiên, sau khi nhậm chức, sẽ thông báo “ý định thương lượng lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA)” và rút khỏi TPP. Ông Trump hứa thúc đẩy chương trình kinh tế thiên về đối nội “Người Mỹ trước tiên” nhằm tạo ra 25 triệu việc làm trong vòng 10 năm, đặc biệt nhờ việc giảm mạnh thuế cho giới trung lưu và các doanh nghiệp, với mục tiêu nâng tốc độ tăng trưởng lên đến 4%/năm, tức gấp đôi so với hiện nay.
Theo AFP, trong thời gian tranh cử, tỉ phú 70 tuổi hứa hẹn sẽ có 100 ngày quyết liệt, với 28 biện pháp, nhằm “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, chấn hưng nền kinh tế và bảo vệ nước Mỹ, với bản hợp đồng được gọi là “cách mạng” mà ông cam kết với cử tri. Nhiều nhà quan sát lo ngại, cương lĩnh cầm quyền của ông Trump có thể sẽ làm gia tăng làn sóng bảo hộ thương mại, gây khó khăn cho quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, trong đó có nước Mỹ.
Hiện Mỹ là thị trường có thặng dư thương mại rất lớn của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu sang nước này chiếm khoảng 20% tổng thương mại xuất khẩu. Vì vậy, nếu Mỹ thay đổi chính sách kinh tế, thương mại, điều đó sẽ tác động đến Việt Nam và xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ khó khăn hơn.
Kinh tế Việt Nam khởi sắc được trong vài năm qua một phần nhờ vào kỳ vọng TPP sẽ được thông qua. Tâm lý kỳ vọng này ảnh hưởng cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. TPP không chỉ tác động trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ mà còn kéo theo làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để đón đầu TPP. Nếu Mỹ rút khỏi TPP, làn sóng đón đầu TPP vào Việt Nam có thể bị ảnh hưởng, hoặc giảm sút hoặc đảo chiều và kéo theo nhiều hệ lụy. Trước mắt, về ngắn hạn, cán cân thanh toán sẽ bị tác động mạnh, bởi cán cân thanh toán của Việt Nam hiện nay chủ yếu được cân bằng bởi đầu tư nước ngoài.
Tân Tổng thống Mỹ có xu hướng theo trường phái bảo hộ thương mại. Đó là tin xấu đối với các nước xuất khẩu vào thị trường Mỹ như Việt Nam. Chưa nói đến việc Mỹ rút khỏi TPP, chỉ cần Mỹ có những thay đổi nhỏ về chính sách thuế hay dựng lên những hàng rào bảo hộ kỹ thuật thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu của Việt Nam. Chẳng hạn, thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chủ yếu nhờ lợi thế sản xuất với giá nhân công rẻ. Trong khi đó, ngành thủy sản của Mỹ cũng phát triển mạnh. Vì vậy, đây là một trong những mặt hàng đầu tiên của Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp nếu Mỹ thay đổi chính sách thương mại.
Chương trình kinh tế của ông Donald Trump nói chung hiện vẫn được đánh giá còn khá mơ hồ, nhưng chính sách bảo hộ của Mỹ có thể sẽ được tăng cường là rủi ro thấy trước. Bảo hộ thương mại thường thông qua việc tăng thuế suất. Chẳng hạn, nếu thuế đang ở mức 5% được tăng lên 10%, giá hàng hóa cũng sẽ đội lên thêm 5%. Trong cạnh tranh thương mại quốc tế, mức 5% là rất lớn. Bảo hộ thương mại cũng có thể bằng việc dựng các hàng rào kỹ thuật. Đây là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam, bởi sản xuất trong nước thường bị cho là không tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ. Ngoài tăng thuế, dựng hàng rào kỹ thuật, họ cũng có thể nâng chuẩn hàng hóa hoặc kiểm tra chặt hơn. Khi đó, hàng hóa Việt Nam cũng rất khó vào được thị trường Mỹ. Không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chịu thiệt thòi mà hệ lụy của nó còn rất lớn, khó lường được hết.
Điểm thuận lợi là Quốc hội Nhật thông qua TPP và còn gần 3 tháng nữa, tân Tổng thống Mỹ mới chính thức nắm quyền. Một số người kỳ vọng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua TPP trước khi tân Tổng thống lên điều hành đất nước. Ngoài ra, ông Donald Trump có thể đưa vào nội các đội ngũ cố vấn kinh tế nhiều kinh nghiệm và nếu Quốc hội Mỹ nhận ra những điểm tích cực mà TPP đem lại cho nền kinh tế Mỹ trong lâu dài, hiệp định này vẫn có hy vọng được thông qua.
Nhưng cũng cần đặt ra giả định về một TPP không có Mỹ. Việt Nam là nước nhỏ, không đóng vai trò quyết định mà phụ thuộc nhiều vào Mỹ và Nhật. Việc ông Donald Trump làm Tổng thống có thể khiến TPP không được thông qua. Trong khi đó, các thành viên tham gia TPP là vì ở đó có Mỹ, một thị trường lớn của họ. Do đó, nếu TPP không có Mỹ, rất có thể một số nước thành viên khác cũng rút khỏi TPP. Khi ấy, hiệp định thương mại đa phương TPP có thể chuyển thành các hiệp định song phương. Ví dụ, Việt Nam có thể ký riêng với Nhật, hoặc các thành viên khác, một hiệp định thương mại song phương mới mà vẫn bao phủ những điều khoản như trong TPP nhưng với quy mô nhỏ hơn.
Người ta cũng đặt ra những động thái thích ứng của Việt Nam trong bối cảnh Mỹ có thể thay đổi chính sách kinh tế hay rút khỏi TPP. Theo đó, trong nền kinh tế toàn cầu hội nhập như hiện nay, Việt Nam phải có những cái kịch bản chính sách phù hợp không chỉ với kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ hay Mỹ rút khỏi TPP mà còn với những sự kiện khác. Nguyên tắc của chúng ta là phải chủ động trong mọi tình huống, để phòng chống rủi ro cũng như giảm thiểu tác động.
TPP là một trong những hiệp định thương mại tự do Việt Nam có thể hưởng lợi nhưng không phải là duy nhất. Việt Nam có thể được hưởng lợi từ các hiệp định khác, nhưng điều quan trọng là phải tăng được sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế cả về chất lượng sản phẩm lẫn về giá. Tuy nhiên, TPP có đòi hỏi rất cao, nên tạo cả động lực và áp lực để cho Việt Nam thúc đẩy cải cách kinh tế sâu rộng hơn. Vì thế, điều quan tâm là nếu không có TPP, Việt Nam cũng không nên trì hoãn các cải cách theo cam kết TPP.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Thế Anh
Phó Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý
(Hải Vân ghi)