Việt Nam có 110 người siêu giàu
Hầu hết những quan ngại về tăng bất bình đẳng tập trung vào khoảng cách giữa những người giàu với số đông người dân Việt Nam. WB dẫn số liệu của Knight Frank Research (2014) cho biết, cứ khoảng 1 triệu người Việt Nam thì có một người siêu giàu với tài sản từ 30 triệu USD trở lên. Việt Nam hiện ước tính có 110 người siêu giàu vào năm 2013, tăng từ mức 34 người siêu giàu năm 2003.
Một sự phân biệt có thể thấy rõ trên sàn chứng khoán, tài sản của người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam cũng lên tới 20 nghìn tỷ VND, gấp 6 lần mức trung bình của những người xếp từ 2 đến 10 và gần 50 lần mức trung bình của những người xếp từ 11 đến 100.
Số người siêu giàu ở Việt Nam tương đương với các quốc gia khác cùng mức thu nhập như Việt Nam, WB cho biết.
WB đã đo lường mức "chia sẻ thịnh vượng" bằng tỷ lệ tăng trưởng mức thu nhập bình quân của nhóm 40% dân số nghèo nhất. Tại Việt Nam từ năm 1993 đến 2012, thu nhập bình quân của nhóm 40% có thu nhập thấp nhất tăng 9% mỗi năm. Đây là một trong các tỷ lệ tăng cao nhất về thu nhập của nhóm 40% có thu nhập thấp nhất thế giới.
WB cho rằng quan ngại chung và nhu cầu về phản ứng chính sách đối với bất bình đẳng có xu hướng tăng lên theo thời gian khi ngày càng nghiều người dân Việt Nam chuyển đến các thành phố và các khu vực có thể thấy được sự khác biệt dễ thấy về phúc lợi.
Bất bình đẳng về cơ hội đối với trẻ em vẫn là một quan ngại ở Việt Nam. Trẻ em nghèo ở Việt Nam, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số có ít cơ hội hơn so với trẻ em trong các gia đình khá giả.
Khảo sát của WB và Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho thấy 8 trong 10 người dân đô thị cho biết họ quan ngại về bất bình đẳng mức sống tại Việt Nam. Phần lớn người trả lời cho rằng bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo phần nào do tài năng và sự chăm chỉ. Quan ngại về bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo tại Việt Nam trở nên lớn hơn khi người ta cho rằng bất bình đẳng là do những hành vi thiếu chính đáng.
Nguồn Theo DVO