Thứ Hai | 04/02/2013 13:56

Việt Nam chưa đạt mức đô thị hóa trung bình của thế giới

Việt Nam đứng thứ 9 trong 10 nước ASEAN về mức độ đô thị hóa, chỉ xếp trên Campuchia.
Theo báo cáo của Standard Chartered đánh giá về các nền kinh tế ASEAN, tổ chức này dự báo GDP của khu vực tăng 5,3% trong năm 2013, cao hơn mức tăng trưởng ước tính 5,2% năm 2012 và cao hơn ước tính 3,6% của IMF.

Đi cùng với việc tăng trưởng GDP là quá trình đô thị hóa. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thế giới đã đạt tỷ lệ đô thị hóa 50% vào năm 2007, tuy nhiên 6 nước ASEAN vẫn chưa đạt mốc này (tính đến năm 2012) gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Indonesia cũng mới chỉ đạt mức trung bình, 51,4%. Singapore, Malaysia và Brunei đã đô thị hóa với tỷ lệ cao.

Những rào cản thấp cho tăng trưởng cũng có thể thấy trong GDP bình quân đầu người ở các nước ASEAN. Chỉ có 2 nước là Singapore và Brunei vượt mức trung bình 10.000 USD năm 2011 của thế giới (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới). Malaysia gần như đạt mức trung bình, nhưng Thái Lan, nước đứng kế tiếp, lại mới chỉ đạt khoảng một nửa mức toàn cầu.

Tỷ lệ đô thị hóa Việt Nam

Do vậy, Standard Chartered tiến hành nghiên cứu để xác định mức GDP bình quân đầu người của ASEAN khi khu vực được đô thị hóa mạnh hơn nữa.

Ngân hàng này phân chia ASEAN thành 3 nhóm: Nhóm 1 (khoảng 75% đô thị hóa) gồm 3 nước là Singapore (100% đô thị hóa), Brunei và Malaysia. Nhóm 2 (khoảng 50% đô thị hóa) gồm Indonesia và Philippines và nhóm 3 (khoảng 20-25% đô thị hóa) gồm Lào, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam và Campuchia.

Mức đô thị hóa Việt nam

Theo biểu đồ, Việt Nam đứng thứ 9 trong 10 nước ASEAN về mức độ đô thị hóa năm 2011, chỉ đứng trên Campuchia.

Dựa trên giả định GDP bình quân đầu người của Singapore, Brunei và Myanmar không thay đổi, kết quả nghiên cứu cho thấy, GDP bình quân đầu người của ASEAN sẽ tăng gấp 3 lần, đạt mức 10.290 USD từ mức 3.509 USD của năm 2011.

Ngoài ra, tăng trưởng GDP của khu vưc có thể đạt mức trung bình 6% trong giai đoạn 2012-209, cao hơn mức tăng trung bình 5,3% của giai đoạn 2000-11.

Trước đó, báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2012-2013 cũng cho biết, Campuchia và Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn phát triển kinh tế cơ bản nhất. Myanmar và Lào không được nhắc đến trong báo cáo nhưng cũng có thể đưa vào nhóm này. Brunei và Philippines đang trong giai đoạn chuyển dịch sang nền kinh tế lấy hiệu quả làm động lực. Thái Lan và Indonesia hiện đã ở trong giai đoạn này.

Nguồn Khampha


Sự kiện