Thứ Hai | 15/08/2016 12:30

Việt Nam chưa có nền kinh tế thể thao

Tỉ lệ đầu tư dành cho thể thao của Việt Nam chỉ chiếm 0,18% chi tiêu ngân sách, thấp hơn so với các nước trong nhóm 20 nước dẫn đầu Olympic.

Từ lâu, cùng với ngành du lịch thì thể thao tại một số quốc gia phát triển như Mỹ, Úc, Canada hay các nước Bắc Âu được Chính phủ hoạch định như một ngành “công nghiệp không khói” chiếm tỉ trọng không nhỏ trong GDP của những nước này. Hằng năm, nhân loại chi ra từ 450-620 tỉ USD cho các hoạt động liên quan đến ngành thể thao toàn cầu, trong đó doanh thu thế giới chỉ tính riêng năm 2015 đạt quy mô gần 146 tỉ USD.

Tại Thế vận hội mùa hè 2016 Rio de Janeiro ở Brazil, với phát súng đạt tổng điểm 202,5 ở chung kết, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã cùng lúc tạo cú “bắn kép” vào lịch sử khi trở thành vận động viên đầu tiên của Việt Nam giành Huy chương vàng Olympic và đồng thời thiết lập nên kỷ lục Olympic mới ở nội dung 10 m súng ngắn hơi nam. Từ đây, nền thể thao Việt Nam có quyền hy vọng vào bước đột phát mới: vươn mình trở thành một nền kinh tế thể thao tầm cỡ châu lục.

Thực tế, để đo lường sự phát triển ngành thể thao một quốc gia là sự tổng hòa của nhiều dữ liệu đa dạng. Không giống như thống kê tăng trưởng của ngành công nghiệp nặng, dệt may hay bất động sản, ngoài số lượng các công trình thể thao được xây dựng mới hay tu bổ, số lượng các sự kiện thể thao quốc gia và quốc tế được tổ chức mỗi năm thì một trong những thước đo quan trọng chính là nguồn chi ngân sách quốc gia hằng năm đầu tư cho lĩnh vực thể thao.

Không phải ngẫu nhiên mà ngành thể thao toàn cầu mỗi năm tổ chức hàng trăm nghìn sự kiện thể thao lớn nhỏ kéo theo sự chạy đua quyền đăng cai tổ chức của các quốc gia. Ẩn số lớn nhất đằng sau sự gia tăng các khoản đầu tư cho lĩnh vực thể thao chính là nằm ở doanh thu và lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động giao dịch bản quyền truyền thông, đặc biệt đến từ các môn thể thao chiếm phân khúc quan trọng như bóng đá, tennis, đua xe F1 hay bóng rổ.

Chẳng hạn, bản quyền truyền thông thể thao đã tăng trưởng từ mức 60 tỉ USD năm 2014 lên mức dự báo 73,5 tỉ USD chỉ tính riêng thị trường Bắc Mỹ. Mới đây, Trung Quốc cũng đặt tham vọng đẩy mạnh luồng tiền đầu tư cho nền thể thao nước này đạt giá trị 750 tỉ USD vào năm 2025.

Khắp nơi từ giải bóng đá vô địch châu Âu tại Paris đến Olympic Rio de Janeiro ở Brazil, những sáng kiến truyền thông áp dụng công nghệ số đã biến nền tảng dữ liệu số trong ngành thể thao thành loại tài sản mới mang lại tỉ suất sinh lợi cao, theo báo cáo mới nhất của PwC. Điều này tạo nên những cuộc chiến khốc liệt giữa các đài truyền hình, các nhà tài trợ, các công ty khai thác bản quyền khi thời hạn hợp đồng giao dịch ngày càng được rút ngắn lại và điều kiện ngày càng nghiêm ngặt. Tại Việt Nam, cuộc chiến ngầm cũng không kém phần khốc liệt với sự ra đời rất nhiều kênh nội dung liên quan tới thể thao và sự ganh đua đấu thầu bản quyền truyền hình trực tiếp các giải thi đấu quốc tế.

Hãy quay trở lại mức ngân sách quốc gia đầu tư mỗi năm cho ngành thể thao, từ đó mới thấy Việt Nam đang bị bỏ xa trên cuộc đua với các nước trong khu vực trong một tương lai “công nghiệp hóa ngành thể thao”. Năm ngoái, tổng dự toán ngân sách quốc gia chi cho thể thao ước đạt 2.450 tỉ đồng, tức chỉ bằng doanh thu của một chi nhánh ngân hàng quốc doanh. Sang năm nay, ước tính dự toán sẽ tăng lên thêm 370 tỉ đồng lên mức 2.820 tỉ đồng cho cả năm 2016. Tỉ lệ đầu tư dành cho thể thao mới chỉ chiếm 0,18% chi tiêu ngân sách, thấp hơn so với các nước có mặt trong nhóm 20 nước dẫn đầu Olympic. Ngay cả Cuba cũng đã duy trì mức đầu tư ổn định những năm qua là khoảng 2% tổng ngân sách.

Khi chứng kiến những giọt mồ hôi của vận động viên bơi lội Ánh Viên trên đường đua xanh, những giọt nước mắt mừng chiến thắng của Hoàng Xuân Vinh trên sàn đấu súng hay sự hụt hẫng tiếc nuối của kiếm thủ Vũ Thành An, thì ít ai để tâm rằng tổng số tiền mà đoàn thể thao Việt Nam được đầu tư để thực hiện “giấc mơ vàng Olympic” với trọng trách làm rạng danh “màu cơ sắc áo Việt” chỉ vỏn vẹn 40 tỉ đồng! Còn nhớ 10 năm trước, tổng chi phí đầu tư cho nền thể thao nước nhà mới đạt 50 tỉ đồng.

Trong khi đó, cùng giai đoạn này, Trung Quốc tăng giá trị đầu tư cho “nền kinh tế thể thao Trung Hoa” từ mức 1,8 tỉ USD năm 2005 lên mức 33 tỉ USD năm 2010. Theo thống kê của Liên đoàn Thể thao Mỹ, quốc gia này cần đầu tư trung bình 700.000-800.000 USD cho một chiếc huy chương Olympic.

Đầu năm nay, ngành thể thao kỷ niệm 70 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất thì là lúc thống kê điều tra cho ra kết quả đáng giật mình. Mặc dù các trường từ cấp tiểu học đến đại học đều đảm bảo chương trình giáo dục thể chất đạt tỉ lệ 100% thì thực tế chỉ có tỉ lệ người dân tập luyện thể thao thường xuyên đạt 28,3%, tỉ lệ gia đình tập thể thao thường xuyên đạt 20,1%. Rõ ràng, để biến “ngành thể thao” trở thành “nền kinh tế thể thao” thì ngoài khó khăn về nguồn ngân sách đầu tư, Việt Nam còn đối mặt với việc tìm kiếm, bồi dưỡng và đào tạo lớp thế hệ kế cận.

Theo thông tin từ Tổng cục Trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Vương Bích Thắng, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chính thức nhận quyền đăng cai 22 trong tổng số 30 môn thi đấu tại SEA Games 21 năm 2021, kéo theo băn khoăn lớn nhất của các vận động viên thi đấu chuyên nghiệp. Trong số gần 2.000 tỉ đồng chi phí tổ chức, sẽ có bao nhiêu ngân sách được giải ngân cho vấn đề đào tạo và tập huấn các vận động viên kế cận.

Nguyệt Nguyễn