Ảnh: baomoi.com

 
Trực Thanh Thứ Hai | 09/03/2020 14:00

Việt Nam chọn là công xưởng hay trung tâm R&D?

Thúc đẩy R&D giúp Việt Nam cạnh tranh trong vai trò là nhà sản xuất công nghệ cao hơn là thay thế vai trò công xưởng giá rẻ từ Trung Quốc.

Samsung Việt Nam vừa công bố kế hoạch xây dựng Trung tâm R&D mới với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Khu Đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội). Trung tâm này có vốn đầu tư khoảng 220 triệu USD dự kiến được hoàn thành vào cuối năm 2022. Đây là tòa nhà đầu tiên được Samsung Electronics xây dựng ở nước ngoài nhằm phục vụ hoạt động R&D của Tập đoàn. Đây cũng là Trung tâm R&D được xây dựng với quy mô lớn nhất trong số các trung tâm R&D của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. “Việc triển khai xây dựng Trung tâm R&D mới là một dấu mốc chiến lược trong lịch sử đầu tư của Samsung tại Việt Nam”, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, cho biết.

Thực tế, không nhiều người biết rằng, các ứng dụng S Pen, S Note, Knox, Smart Switch... đều có dấu ấn của các kỹ sư Việt Nam. Tuy nhiên, dấu ấn R&D của người Việt sẽ rõ ràng hơn tại trung tâm R&D này, không chỉ trong lĩnh vực phát triển sản phẩm mà còn ở các lĩnh vực nghiên cứu đang là xu hướng của thế giới như trí tuệ nhân tạo (A.I), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), mạng 5G...

 

Samsung đã đổ số vốn hơn 17 tỉ USD vào Việt Nam với các nhà máy sản xuất điện thoại, sản xuất hàng gia dụng và TV. Trung tâm R&D của Samsung ngoài số vốn khổng lồ còn cho thấy tiềm năng nhân lực R&D tại Việt Nam về dài hạn.

Dù đang dần trở thành công xưởng của thế giới, với sự xuất hiện ngày càng mạnh mẽ của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Intel, Samsung, LG, Microsoft, Panasonic..., nhưng Việt Nam chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư cho R&D. Năm 2006, nhà máy kiểm thử của Intel tại TP.HCM trở thành lực hút các tập đoàn công nghệ cao toàn cầu tới Việt Nam. Ở vai trò và quy mô tương tự, Trung tâm R&D của Samsung cũng được kỳ vọng tạo ra lực đẩy mới cho hoạt động đầu tư R&D tại Việt Nam.

Gần đây, Việt Nam đón nhận nhiều thông tin tích cực về hoạt động R&D từ các tập đoàn công nghệ lớn khác như Qualcomm, Grab, Fujitsu, SAP, Google... Sự bùng phát của dịch COVID-19 chỉ củng cố thêm quyết tâm dịch chuyển cơ sở sản xuất tại Trung Quốc của các tập đoàn công nghệ. Trong xu hướng này, Việt Nam là một lựa chọn với những ưu thế về thị trường, nhân lực và giờ đây là cả tiềm năng về R&D.

Trong đó, Google dự kiến bắt đầu sản xuất smartphone giá rẻ mới nhất, dự kiến có tên Pixel 4A, với các đối tác ở phía Bắc Việt Nam ngay trong tháng 4.2020. Google cũng lên kế hoạch sản xuất smartphone thế hệ kế tiếp Pixel 5 trong nửa sau năm 2020 ở Việt Nam, theo nguồn tin thân cận từ Nikkei. Qualcomm cũng chia sẻ kế hoạch đầu tư vào R&D tại Việt Nam để hợp tác với các doanh nghiệp nội địa sản xuất các thiết bị 5G và IoT đón đầu xu hướng 5G tại Việt Nam.

“Việt Nam đã trở thành công xưởng lớn sản xuất thiết bị di động. Tôi hy vọng trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành trung tâm thiết kế, trung tâm R&D của thế giới”, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia, chia sẻ. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định Việt Nam có thể là công xưởng bên cạnh một số công xưởng khác chứ không thể nào thay thế Trung Quốc do Việt Nam có địa bàn hẹp, lực lượng lao động ít hơn.

 

Trong khi đã gọi là công xưởng thế giới, đòi hỏi phải phát triển trên quy mô chiều rộng. Vì vậy, Việt Nam cần nghiên cứu thu hút và phát triển theo chiều sâu chứ không nên là chiều rộng như Trung Quốc trong thời gian qua. Việt Nam chỉ có thể thoát được “cái áo” gia công dịch vụ khi hàm lượng R&D trong sản phẩm thật sự tăng. Trước đây, các nước trong khu vực, thậm chí các nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Nhật cũng đi làm thuê cho các nước khác nhưng đã biết đầu tư cho R&D để bứt phá khi vươn ra thị trường quốc tế.

Tiến sĩ Carlo Bonura của Oxford Analytica nhận định, xu hướng trong khu vực cũng cho thấy Thái Lan hay Malaysia thiên về ngành sản xuất công nghệ cao hơn là muốn trở thành công xưởng giá rẻ của thế giới. Chỉ có hoạt động R&D mạnh mẽ mới giúp Việt Nam cạnh tranh trong vai trò trở thành nước sản xuất công nghệ cao hơn là thay thế vai trò công xưởng giá rẻ từ Trung Quốc.