Việt Nam chỉ nên có 5 ngân hàng lớn
Đây là chia sẻ của ông Keit Pogson – lãnh đạo cao cấp dịch vụ tài chính ngân hàng công ty Ernst & Young (E&Y) khu vực kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương tại buổi hội nghị ngân hàng “Vận hội mới đổi mới để thành công” diễn ra chiều nay.
Cụ thể, theo ông Keit Pogson, nếu nhìn ra các nước trên thế giới thì sau quá trình sắp xếp lại mỗi quốc gia chỉ có từ 2 – 5 ngân hàng. Còn ở Việt Nam thì hiện đang quá nhiều các ngân hàng.
“Một số nước lân cận như Singapore, Malaysia đã trải qua quá trình làn sóng sáp nhập. Cách đây 20 năm Malaysia có khoảng 40 ngân hàng nhưng đến nay họ chỉ còn 10 ngân hàng. Với quyết tâm của NHNN về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thì bài học Malaysia cũng đáng để Việt Nam học tập” – Ông Keit Pogson nói.
Trong 5 đến 10 năm tới nhu cầu về vốn đầu tư của Việt Nam là rất lớn do đó Việt Nam cần có những ngân hàng quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu này. Vì theo thống kê, để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 6%/năm thì tín dụng cần phải đạt tốc độ gấp 1,5 – 2 lần, tương đương khoảng 9 – 15%/năm.
Do đó, với quy mô thị trường, Việt Nam chỉ cần có 5 ngân hàng trụ cột quốc gia và vẫn cần một số ngân hàng khác phục vụ thị trường ngách, thị trường chuyên biệt.
Ông Keit Pogson cũng lưu ý, theo lộ trình đến 2020 Việt Nam phải mở cửa hoàn toàn ngành ngân hàng, như vậy sẽ còn thời gian 5 năm nữa để Việt Nam chuẩn bị có được những ngân hàng lớn, đủ tầm cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới.
Quá trình mua bán sáp nhập (M&A) ngân hàng hiện nay tại Việt Nam được hãng E&Y đánh giá là NHNN đang có những bước đi thận trọng và cần thiết để có được một hệ thống ngân hàng phát triển là lành mạnh hơn trong tương lại.
Trả lời câu hỏi, chỉ còn mấy tháng nữa là giai đoạn 1 của Đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ kết thúc, liệu có quá gấp rút và ảnh hưởng đến chất lượng không? Đại diện của E&Y cho rằng, nếu chỉ giải quyết vấn đề về sở hữu chéo thì sẽ không mất nhiều thời gian nhưng để giải quyết các vấn đề khác nữa thì cần thời gian ít nhất từ 1 – 2 năm mới đảm bảo được chất lượng cho các cuộc sáp nhập.
Nguồn CafeF/Trí Thức Trẻ