Thứ Tư | 28/05/2014 11:23

Việt Nam chi bao nhiêu cho quốc phòng?

Theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, chi ngân sách quốc phòng hiện nay của Việt Nam là hoàn toàn thỏa đáng.
Việt Nam chi cho lĩnh vực quốc phòng bao nhiêu? Liệu có bảo đảm tuyệt đối trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hay không?" là câu hỏi được Báo Đầu tư đầu tư - Baodautu.vn đặt ra với ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trước sự kiện Biển Đông, đang là chủ đề nóng trên các diễn đàn trong nước, khu vực và thế giới.

Chỉ cần đọc báo, vào mạng, người dân hoàn toàn có thể biết chắc chắn, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… chi cho quốc phòng hàng năm là bao nhiêu. Còn ở Việt Nam, ngân sách chi cho quốc phòng vẫn là tuyệt mật?

Chẳng có gì tuyệt mật cả! Cụ thể, năm nay, Quốc hội đồng ý chi cho lĩnh vực sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính 704.400 tỷ đồng. Còn năm 2013, theo dự toán, lĩnh vực này được phân bổ 674.440 tỷ đồng, nhưng cuối cùng, chi 694.300 tỷ đồng, tăng 2,9% so với dự toán.

Nhưng vấn đề là, người dân muốn biết cụ thể là chi cho quốc phòng bao nhiêu? Chúng ta đã mua được những vũ khí, khí tài gì để bảo vệ đất nước?

Không phải ngẫu nhiên mà ngân sách ghép phần chi cho sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính vào làm một nhóm, bởi 4 nhóm này có quan hệ mật thiết với nhau, không thể tách rời nhau, nên không thể trả lời cụ thể con số chi cho quốc phòng là bao nhiêu.

Đơn cử, trong khoản chi này có khoản chi lương, không thể tách phần chi lương cho lực lượng quốc phòng riêng ra được. Hơn nữa, nhiều khoản chi gián tiếp khác cho quốc phòng, nhưng lại liên quan trực tiếp đến chi không phải quốc phòng cũng không thể tách ra để tính vào chi cho quốc phòng được.

Cho dù chi cụ thể cho quốc phòng không thể tính toán bằng con số, nhưng các khoản chi này rất minh bạch và người dân hoàn toàn có thể biết. Cụ thể, chúng ta mua 6 tàu ngầm Kilo, giá mua thế nào, thời hạn bàn giao ra sao…, thậm chí các thông số kỹ thuật cơ bản của 6 tàu ngầm này, so sánh sức mạnh 6 tàu ngầm Kilo của ta với các nước trong khu vực, người dân cũng đều biết được qua báo chí, tức là không có gì bí mật.

Tương tự, chúng ta mua thêm bao nhiêu máy bay chiến đấu, đóng mới, mua thêm bao nhiêu tàu cho hải quân, cảnh sát biển, mọi người cũng đều có thể biết qua các phương tiện thông tin đại chúng. Chúng ta không hề giấu giếm, mà muốn giấu cũng chẳng được, vì mua bằng tiền thuế của dân và bản thân nước bán vũ khí, khí tài cho Việt Nam họ cũng công bố công khai hết.

Ông nói rằng, việc không thể công bố cụ thể con số ngân sách chi cho quốc phòng là do có nhiều khoản chi không thể tính vào được?

Đúng vậy. Như khoản chi từ nguồn trái phiếu chính phủ để làm đường tuần tra biên giới chẳng hạn, hay khoản ngân sách chi để làm những con đường chiến lược vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ quốc phòng ở những địa bàn trọng yếu, thì không thể tách ra là quốc phòng bao nhiêu, kinh tế - xã hội bao nhiêu.

Ngoài ra, chúng ta có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt trong vùng biển nước ta. Ngư dân ra khơi vừa làm giàu cho mình, vừa tạo ra của cải cho xã hội và họ cũng chính là cột mốc chủ quyền sống trên biển. Ở khía cạnh nào đó, ngư dân cũng như những người lính hải quân đang ngày đêm canh giữ vùng biển của Tổ quốc.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện thêm nhiều chính sách giúp ngư dân ra khơi xa như cho vay vốn ưu đãi đóng tàu công suất lớn, hoán cải tàu gỗ thành tàu vỏ sắt… giúp ngư dân khai thác hải sản hiệu quả hơn, đồng thời tăng cường bảo vệ biển đảo quê hương. Những khoản chi này được tính cho sự nghiệp kinh tế hay quốc phòng? Rất khó phân định, nên không thể đưa ra con số chính xác là chi cho quốc phòng bao nhiêu.

Tình hình phức tạp đang diễn ra trên Biển Đông, nên đã có câu hỏi đặt ra là, liệu chúng ta chi cho quốc phòng đã thỏa đáng chưa, thưa ông?

So với nhiều nước trên thế giới, thì chúng ta chi cho quốc phòng chưa nhiều, nhưng trả lời câu hỏi thỏa đáng chưa, thì tôi khẳng định là thỏa đáng, ngân sách đã cố gắng hết sức.

Cụ thể, năm nay, ngân sách chi cho lĩnh vực sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính 704.400 tỷ đồng trong tổng số chi 1.006.700 tỷ đồng, chiếm 70%; năm 2013 chi cho những lĩnh vực này chiếm hơn 68% tổng chi (694.300 tỷ đồng/1.017.500 tỷ đồng).

Chính phủ vẫn trình Quốc hội đề xuất nâng mức bội chi năm 2013 từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP. Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm đồng ý với đề xuất của Chính phủ, nhưng yêu cầu giảm một số khoản chi khác để tăng chi cho an ninh, quốc phòng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Chính phủ đề xuất nâng mức bội chi lên 190.500 tỷ đồng (tương đương 5,3% GDP), còn quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách là chỉ nâng mức bội chi lên 5,15% GDP, giảm gần 5.400 tỷ đồng so với đề xuất của Chính phủ. Mặc dù mức bội chi mà Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề xuất thấp hơn của Chính phủ, nhưng chúng tôi vẫn kiến nghị bổ sung kinh phí bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Vấn đề này sẽ được Quốc hội thảo luận vào ngày 2/6 tới. Nếu thấy cần thiết, Quốc hội sẽ giữ mức bội chi như đề xuất của Chính phủ và toàn bộ phần tăng thêm so với đề xuất của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (gần 5.400 tỷ đồng) sẽ được dành cho lĩnh vực quốc phòng.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện