Việt Nam càng phát triển, ODA cho nông nghiệp càng tăng
- Có thể nói, từ trước tới nay, đầu tư của các doanh nghiệp nói chung vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là ít, nhưng vốn ODA dành cho nông nghiệp thì không ít, trái lại rất nhiều. Tỷ trọng vốn không hoàn lại trong lĩnh vực này tương đối cao trong tổng nguồn vốn ODA huy động được, khoảng 350-400 triệu USD/năm. Tuy nhiên, do lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thường xuyên đối mặt với khó khăn, rủi ro do thiên tai, địch họa, thị trường bấp bênh nên hiệu quả của việc đầu tư chưa đem lại như mong đợi.
Vậy khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thì đầu tư vốn ODA cho nông nghiệp, nông thôn sẽ thay đổi như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Nếu như trước đây, vốn ODA cho nông thôn là vốn không hoàn lại, vốn vay lãi suất thấp thì tới đây, vốn ODA lãi suất cao cũng sẽ được đầu tư cho nông thôn. Bởi nông thôn là vùng khó khăn, nếu Chính phủ không quan tâm đầu tư thì sẽ rất khó thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư.
Vốn ODA cho nông thôn tới đây sẽ tập trung vào các dự án tốt, có khả năng thu hồi vốn, sẽ không chỉ vào xóa đói giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng, mà còn là y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường và các phúc lợi khác... Rất nhiều mảng của kinh tế nông thôn các nhà tài trợ rất quan tâm, đặc biệt là ở những vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số. Chính phủ cũng sẽ cân đối để ODA cho nông nghiệp, nông thôn tăng lên tới đây. Rồi chúng ta sẽ được chứng kiến những điều này trở thành hiện thực.
Vốn ODA đã giúp Việt Nam thành công trong xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn, song thực tế tình trạng tái nghèo, kém phát triển vẫn tồn tại. Thưa Bộ trưởng tới đây, việc đầu tư vốn ODA cho nông thôn sẽ phải thay đổi theo cách thức nào để thực sự mang lại hiệu quả?
- Những năm qua, Việt Nam đã sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi, ODA không hoàn lại để thực hiện xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh ngân sách “cho không” khổng lồ của Nhà nước là vốn không hoàn lại, hay Chính phủ vay ODA rồi cấp không cho các dự án giảm nghèo và Chính phủ trả nợ thay.
Trong bối cảnh mới, để xóa đói giảm nghèo hiệu quả thì chúng ta sẽ không thể “cho không mãi”. Người nghèo cũng phải có “vốn đối ứng” 10-15% trong các dự án ODA sau này để buộc họ phải cân nhắc khi vay vốn làm ăn, xóa nghèo hiệu quả. Chuẩn nghèo cũng phải được nâng lên do người nghèo có kiến thức hơn nên họ phải làm được các dự án hiệu quả hơn cho mình.
Chúng ta phải chuyển được tư duy từ “cho con cá sang cho cần câu” thì việc vay và sử dụng vốn ODA vào nông nghiệp, nông thôn sẽ hiệu quả hơn. Việt Nam đã là một nước có thu nhập trung bình nên định hướng xóa đói giảm nghèo tới đây sẽ phải có các giải pháp khác, không thể “cào bằng” trong chính sách giảm nghèo.
Nói gì thì nói, nông thôn Việt Nam vẫn còn kém phát triển so với mặt bằng chung. Vậy giải pháp nào để có thể thu hút được vốn ODA vào khu vực này khi nguồn vốn vay ODA ngày một khó với Việt Nam, thưa Bộ trưởng?
- Kinh tế Việt Nam đã được cải thiện. Chúng ta đã đứng vào nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp nên các nhà tài trợ sẽ giảm dần cho vay ODA ưu đãi, ODA không hoàn lại. Do vậy, Việt Nam cần sử dụng nguồn vốn này thực sự có hiệu quả. ODA cho phát triển nông nghiệp phải phù hợp với đề án tái cơ cấu ngành, với chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Theo đó, Việt Nam sẽ ưu tiên thu hút vốn cho xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên các dự án quản lý rủi ro thiên tai, các dự án nông nghiệp thông minh, phát triển xanh, phát triển bền vững. Chính phủ cũng ưu tiên các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và tính cạnh tranh của nông-lâm-thủy sản.
Cuối tháng 12 vừa qua, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 210 thay thế cho Nghị định 61 về ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đây chính là cơ sở quan trọng để kêu gọi đầu tư của các thành phần kinh tế, từ FDI, các doanh nghiệp trong nước và thu hút vốn ODA vào nông nghiệp nhiều hơn.
Nguồn Dân việt