“Việt Nam cần tạo ra một nền kinh tế tư nhân mạnh mẽ”
Sáng 28/7, Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2015 chủ đề: “Kinh tế Việt Nam- Hội nhập và phát triển bền vững” đã chính thức được khai mạc tại Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn (Thanh Hoá).
Diễn đàn lần này chỉ diễn ra trong 1 ngày duy nhất với 2 trình bày đễ dẫn từ đại diện Bộ Công thương và Ngân hàng Thế giới (WB), sau đó các chuyên gia, đại biểu sẽ thảo luận xung quanh 2 bài trình bày nêu trên.
Mô hình phát triển khác biệt Hàn Quốc
Ông Sandeep Mahajan đã đánh giá cao việc Việt Nam khai thác các cơ hội tăng trưởng bằng cách hội nhập kinh tế sâu hơn bao gồm cả việc việc thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do với các nước ASEAN và các đối tác lớn khác ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Theo ông Sandeep Mahajan, là một nền kinh tế thương mại quy mô nhỏ và ngày càng mở cửa, Việt Nam sẽ đạt được nhiều lợi ích từ tự do hóa thương mại, ước tính ban đầu cho thấy Hiệp định TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng thêm tới 8%.
Vị chuyên gia đến từ WB cũng cho biết, Việt Nam đã chủ động ứng dụng các hiệp định thương mại bao gồm cả việc gia nhập WTO như một cách định hướng và ràng buộc quá trình cải cách chính sách thương mại trong nước.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng, còn nhiều vấn đề cần xử lý trong các lĩnh vực như dịch vụ và đầu tư, cả hai đều quan trọng để tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn.
"Mặc dù Việt Nam đã nhận được dòng vốn FDI chảy vào khá đáng kể trong những năm qua, trong môi trường kinh doanh vẫn tồn tại tình trạng không rõ ràng, có thể ngăn cản ít nhất là một vài hoạt động có lợi. Việt Nam đã thực hiện tự do hóa thuế quan đối với hàng hóa sau khi gia nhập WTO nhưng từ đó đến nay đã có những bước lùi", ông Sandeep Mahajan nêu nhận định.
Đánh giá việc Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, ông Sandeep Mahajan cho biết, sự linh hoạt của việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu mang lại cả thách thức và cơ hội cho triển vọng phát triển của Việt Nam.
So sánh với Hàn Quốc, vị chuyên gia cho rằng, mô hình phát triển của Việt Nam khác biệt so với Hàn Quốc vì ở Hàn Quốc những tập đoàn kinh tế lớn đóng vai trò quan trọng trong việc tập trung và phối hợp hoạt động trên các ngành bao gồm điện tử dân dụng và thiết bị vận tải.
Trong khi đó, tại Việt Nam trọng tâm không phải là phát triển toàn diện chuỗi cung ứng của quốc gia mà là phát triển năng lực ở những khâu cụ thể tạo thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu với các công việc khác nhau thực hiện ở những địa điểm khác nhau.
"Đằng sau hiện trạng này, sự phát triển của Việt Nam ngụ ý bước đầu tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, một thủ tục đã được triển khai khá tốt trong nhiều ngành sau đó “dịch chuyển lên” trong chuỗi cung ứng toàn cầu để thực hiện những hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn", ông Sandeep Mahajan phân tích.
Ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới
Từ những phân tích trên, theo ông Sandeep Mahajan, vấn đề Việt Nam hiện đang đối mặt không phải lựa chọn đúng doanh nghiệp hay ngành cho 20 năm tới mà là sắp đặt đúng vị trí cấu trúc, thể chế và hạ tầng để tạo nên nền kinh tế tư nhân mạnh mẽ. Trong đó, các nguồn lực có thể dịch chuyển nhanh chóng về phía những doanh nghiệp có sức cạnh tranh.
"Trong bối cảnh toàn cầu, với việc Việt Nam đang trải qua một quá trình tăng trưởng dồn ép, thách thức chính sách là cần nhận diện những sự can thiệp chiến lược để hỗ trợ và củng cố hoạt động của cơ chế thị trường", ông kiến nghị.
FDI vận hành "khép kín"
Đánh giá về hoạt động thương mại của Việt Nam gần đây, ông Sandeep Mahajan cho biết, trong thời gian dài hơn, không chỉ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mà cấu trúc hàng xuất khẩu cũng quan trọng và đặc biệt là mức độ công nghệ mà chúng bao hàm.
Điều này được chứng minh thông qua các con số từ năm 2008 đến năm 2013, xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao trong tổng hàng hóa xuất khẩu sản xuất theo phương pháp công nghiệp tăng từ 5% lên 28%, tương đương với Trung Quốc và cao hơn mức trung bình của khối ASEAN.
Đồng thời, vị chuyên gia này cũng cho biết, mặc dù có xuất phát điểm thấp, ngành công nghệ hiện đang bùng nổ, một phần là nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáng kể từ các công ty công nghệ.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, phần lớn vốn FDI vào Việt Nam có xu hướng vận hành một cách khép kín, tạo ra ít hy vọng chuyển giao công nghệ hoặc hiệu ứng lan tỏa xuôi dòng tới các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo phân tích của ông Sandeep Mahajan cách thức FDI ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và năng suất của doanh nghiệp địa phương phụ thuộc vào các chính sách cũng như môi trường kinh doanh và trình độ công nghệ của doanh nghiệp.
"Điều kiện cơ bản để có hiệu ứng lan tỏa từ FDI là sự tồn tại của khoảng cách công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài", ông Sandeep Mahajan nói.
Cũng theo ông ông Sandeep Mahajan Việt Nam đang trải qua một làn sóng công nghiệp hóa và thay đổi về cấu trúc chưa từng có, đất nước đang bước vào giai đoạn “phát triển dồn ép”, tạo ra những thách thức mới cho các nhà hoạch định chính sách.
Nguồn Bizlive