Việt Nam cần chuẩn bị đối phó “cú sốc” từ thế giới
Ngân hàng Thế giới dự báo, Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm lại ở mức 5,2% trong năm 2013, 5,5% ở năm 2014 do các biện pháp bình ổn. Tuy nhiên nhờ tiếp tục được hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng nên tăng trưởng GDP đến năm 2015 dự báo sẽ đạt mức 6%.
Theo Báo cáo, bốn năm sau khi bùng nổ khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế thế giới vẫn còn rất mong manh và tăng trưởng kinh tế ở các nước thu nhập cao còn rất yếu ớt.
Vì vậy, các nước đang phát triển triển cần tập trung nâng cao tiềm năng tăng trưởng các nền kinh tế của mình đồng thời tăng cường các vùng đệm để đối phó với rủi ro từ khu vực động Euro và chính sách tài khóa Mỹ.
Bên cạnh đó Báo cáo cũng đưa ra khuyến cáo xây dựng vùng đệm để đối phó với các cú sốc trong tương lai vẫn là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, Lào và các quốc đảo Thái Bình Dương, nơi mà những tiến bộ trong hội nhập toàn cầu và khu vực mang lại lợi ích cho tăng trưởng song cũng làm cho các nền kinh tế này trở nên dễ bị tổn thương hơn, trước các chu kỳ kinh tế của khu vực và thế giới.
"Bởi mức độ mở cửa và hội nhập làm cho khu vực Đông Á, Thái Bình Dương sẽ bị tác động ảnh hưởng từ những biến cố, bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng GDP năm 2013 của khu vực này có thể bị giảm 1% nếu rủi ro khủng hoảng của khu vực đồng Euro trở thành hiện thực.
Bên cạnh đó, nếu Mỹ không giải quyết được vấn đề trần nợ công và vách đá tài khóa thì GDP của khu vực cũng sẽ bị giảm 1,1% trong năm 2013," báo cáo phân tích.
Triển vọng tăng trưởng của khu vực còn phụ thuộc và sự sụt giảm tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, bắt nguồn từ rủi ro giảm tỷ lệ đầu tư cao của nền kinh tế này, đặc biệt nếu điều này diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu nhìn chung yếu kém.
Tăng trưởng đầu tư giảm mạnh 5 điểm phần trăm có thể làm cho GDP của Trung Quốc giảm 1,4% và nhập khẩu giảm 6% đồng thời làm GDP của các đối tác thương mại của Trung Quốc trong khu vực giảm 0,6%.
Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng khu vực dễ bị tổn thương trước những diễn biến liên quan đến dòng vốn không ổn định, bong bóng tài sản, tăng trưởng tín dụng cao và rủi ro luồng vốn đột ngột rút đi.
Mặc dù ổn định tài khóa ở hầu hết các nước đang phát triển không phải là vấn đề gây quan ngại, song thâm hụt ngân sách và mức nợ công hiện nay cao hơn nhiều so với năm 2007.
Do đó, ông Kaushik Basu, Phó Chủ tịch, chuyên gia Kinh tế Trưởng Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh, trong khi chính phủ các nước phát triển có thu nhập cao đang phải vật lộn để làm cho chính sách tài khóa bền vững hơn, các nước đang phát triển không nên cố gắng đoán trước mọi biến động ở các nước phát triển. Thay vào đó, họ nên đảm bảo sao cho chính sách tài khóa và tiền tệ của mình vững mạnh và đáp ứng được tình hình trong nước.
Về triển vọng kinh tế toàn cầu, Ngân hàng thế giới cho rằng, nhìn chung thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu lại được dự báo sẽ tăng tốc và đạt 6,0% năm 2013 và 7,0% năm 2015 đồng thời dự báo tăng trưởng toàn cầu nhìn chung sẽ giữ mức 2,4% trong năm 2013, dần dần mạnh lên để đạt 3,1% vào năm 2014 và 3,3 % trong năm 2015.
Cụ thể trong năm 2013, GDP các nước đang phát triển dự báo sẽ tăng lên 5,5% trong năm 2013. Tăng trưởng ở các nước thu nhập cao đã bị hạ thấp hơn so với các dự báo trước, ở mức 1,3% 2013. Nhưng đáng chú ý, khu vực đồng Euro lại được dự báo tăng trưởng âm 0,1%.
(Theo Vietnam+)