Thứ Ba | 05/06/2012 19:36

Việt Nam cần chủ động trong các vụ kiện chống bán phá giá của Mỹ

Tính đến nay, Mỹ đã thực hiện hơn 10 vụ điều tra chống bán phá giá và trợ cấp đối với 7 nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tất cả các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đều có nguy cơ bị kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Ông Huỳnh cho biết, các mặt hàng này đều rơi vào các nhóm: những mặt hàng có khả năng cạnh tranh với hàng hóa của Mỹ, những mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ với số lượng lớn hoặc giá cả quá thấp, những mặt hàng tương tự với hàng của Trung Quốc đang xuất khẩu sang Mỹ và đang bị Mỹ kiện bán chống phá giá.

Cần phải nói thêm rằng, khi đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam phải chấp nhận quy chế NME (nước có nền kinh tế phi thị trường) trong các vụ điều tra phòng vệ thương mại đến hết ngày 31/12/2018. Theo đó, trong các vụ điều tra, Mỹ đã sử dụng phương pháp “nước thứ ba thay thế”, tức là, trong điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, Mỹ sử dụng giá của một nước thứ ba, thay vì lấy giá thực tế của doanh nghiệp Việt Nam để tính toán biên độ phá giá. Do vậy, biên độ phá giá/trợ cấp bị “đội lên” rất nhiều, hàng hóa Việt Nam từ đó dễ bị kết luận là bán phá giá.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, một trở ngại nữa là, doanh nghiệp Việt Nam chưa quen với xu hướng bảo hộ và sử dụng luật chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ như một công cụ để bảo hộ hàng trong nước. Với hệ thống luật hết sức phức tạp và tinh vi, được hình thành từ hàng trăm năm nay, Mỹ rất dễ lợi dụng luật này để kiện doanh nghiệp xuất khẩu từ các nước khác. Trong những vụ kiện như thế, doanh nghiệp Việt Nam thường phải thuê luật sư nước ngoài.

Từ thực tế đó, khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận các vụ kiện và cần chủ động đối phó. Tuy nhiên, để thành công trong những vụ kiện như vậy, theo Luật sư William H.Barringer, cố vấn pháp lý cho các doanh nghiệp tôm trong vụ kiện chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ, các nước nên đưa các vấn đề mang tính chất hệ thống lên WTO để WTO xem xét, chứ không viện dẫn những vấn đề mang tính chất dữ kiện thực tế.

Đối với vụ kiện tại Mỹ, mặc dù hệ thống pháp luật tốt, luật chống phá giá và chống trợ cấp rất chi tiết, nhưng nhiều vấn đề vẫn không phù hợp với các quy định của WTO hoặc chỉ có thể giải quyết tại WTO. Trong trường hợp các nước có hệ thống pháp luật chưa phát triển, hoặc tòa án có ít kinh nghiệm về vấn đề thương mại quốc tế, thì WTO là nơi duy nhất có thể giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp.

Cũng theo ông Barringer, doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện các thủ tục kiện tại WTO. Do đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt những dữ kiện cũng như các cơ sở pháp lý để đưa vào hồ sơ làm cơ sở khiếu kiện.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện