Ảnh: Thiên Ân

 
Nguyên Đức Thứ Hai | 08/03/2021 08:00

Việt Nam cần bao nhiêu sân bay?

Hàng loạt địa phương “xin” sân bay có thể phá vỡ quy hoạch tổng thể.

Không hẹn mà gặp, thời gian qua, một số địa phương đồng loạt xin bổ sung vào Quy hoạch các sân bay trên địa bàn như Bắc Giang, Hà Giang, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Trà Vinh, Ninh Thuận. Nơi thì đề xuất chuyển sân bay quân sự thành sân bay lưỡng dụng, nơi đã có sân bay đề xuất chuyển sân bay nội địa thành sân bay quốc tế... Dù nhu cầu thế nào, việc hàng loạt địa phương “xin” sân bay cũng khiến dư luận quan tâm.

Trong Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất, đến năm 2030, cả nước sẽ có 26 cảng hàng không (14 cảng hàng không quốc tế, 12 cảng hàng không nội địa). Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, với quy hoạch nói trên, đến năm 2030, tỉ lệ dân số Việt Nam tiếp cận cảng hàng không trong bán kính 100 km là khoảng 95,94%, cao hơn mức bình quân thế giới (75%).

 

Thực tế, đến năm 2019 cả nước có 23 cảng hàng không đang khai thác vận chuyển thương mại, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cần Thơ, Cam Ranh, Phú Bài, Cát Bi, Vân Đồn). Riêng khu vực miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, gồm 14 địa phương) đã có 9 sân bay. Thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng liên tục đạt 2 con số, trung bình đạt 15,8%/năm. Thông thường, tăng trưởng hàng không gắn liền với tăng trưởng về du lịch, kinh tế xã hội, giúp các địa phương thúc đẩy du lịch, giao thương, tăng trưởng kinh tế.

Ảnh: Quý Hòa.
Ảnh: Quý Hòa.

Mật độ của 22 cảng hàng không đang khai thác trên diện tích cả nước đạt khoảng 16.000 km2/cảng hàng không. So sánh với số lượng và mật độ cảng hàng không của một số nước trong khu vực thì thấy tuy trình độ phát triển kinh tế có khác nhau nhưng mật độ quy hoạch xây dựng và số lượng các cảng hàng không tại Việt Nam ở mức trung bình. Một số quốc gia như Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Malaysia có mật độ cao hơn rất nhiều, chỉ khoảng 5.000-7.000 km2 có một cảng hàng không (Nhật 93 cảng hàng không/377.973 km2; Hàn Quốc 28 cảng hàng không/100.363 km2, Thái Lan 38 cảng hàng không/513.120 km2; Philippines 70 cảng hàng không).

Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng thêm sân bay ở các tỉnh thành là rất cần thiết, đồng thời cũng cần mở rộng, nâng công suất ở những sân bay lớn. Mỗi tỉnh thành có thể có nhiều sân bay với các mục đích dân dụng, du lịch... phục vụ các mục đích, nhu cầu khác nhau. Tuy nhiên, các địa phương đua nhau xây sân bay dễ khiến xảy ra tình trạng “lạm phát” sân bay ở Việt Nam nếu không được xây dựng và khai thác hợp lý. Đây là bài học có thật từ nhiều địa phương khi phát triển ồ ạt khu công nghiệp, cảng biển, sân golf... với rất nhiều hệ lụy xấu về sau.

Tỉnh nào cũng muốn có sân bay hoành tráng trong khi chưa tính toán khoa học về lưu lượng khách, cũng như khả năng hoàn vốn. Trong khi đó, tình trạng lỗ của các sân bay vẫn kéo dài, trong số 22 sân bay đang được khai thác trên cả nước, chỉ 6 sân bay có lãi. Khi nhiều địa phương đua nhau đề xuất xây sân bay dễ dẫn tới nguy cơ phá vỡ quy hoạch mạng lưới hàng không. Đặc biệt, những đề xuất này còn có thể sẽ tạo gánh nặng cho các sân bay đầu mối đang hoạt động hiện nay. Đó là chưa tính đến cần xoay xở lượng vốn khổng lồ để đầu tư xây dựng sân bay, rất khó khăn trong tình hình nợ công và hoạt động hàng không đang bị giảm sút trầm trọng vì đại dịch.

Bộ Giao thông Vận tải ước tính chi phí đầu tư thực hiện quy hoạch giai đoạn 2020-2030 khoảng 365.100 tỉ đồng; giai đoạn 2030-2050 khoảng 866.360 tỉ đồng. Ông Nguyễn Bách Tùng, nguyên Giám đốc Công ty Tư vấn Xây dựng Hàng không, cho biết: “Ngoài việc cần một lượng kinh phí rất lớn, lên tới hàng trăm triệu USD, diện tích đất chiếm dụng 200-500 ha để xây 1 sân bay có quy mô 2-3 triệu lượt hành khách/năm, trong trường hợp công trình được đưa vào quy hoạch đầu tư sau 20-30 năm nữa, thì cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân vùng dự án sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển quyền sử dụng đất hoặc việc xây dựng các công trình kiên cố sẽ bị đóng băng”.

 

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không Đại học Bách khoa TP.HCM, nhận xét những đề xuất xây sân bay nói trên thể hiện cái nhìn mang tính cục bộ của các địa phương. Để xây một sân bay cần có cơ sở khoa học, trong đó đầu tiên cần đánh giá về mặt nhu cầu: Khu vực dân cư nào sẽ sử dụng sân bay đó? Quy mô dân số như thế nào? Thu nhập bình quân bao nhiêu?... Ngoài ra, cần nhìn tổng thể để thấy được sự gia tăng của nhu cầu đối với các sân bay hiện hữu.