Việt Nam áp thuế chống bán phá giá thép nhập khẩu
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 2398/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ hai việc áp dụng biện pháp chống bán phá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ thị trường Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan…
Theo đó, mức thuế chống bán phá giá mới được áp dụng từ ngày 20.7.2018 đến 20.6.2019 gần như không có gì thay đổi so với mức thuế được áp dụng trước đó từ 14.5.2016 đến 19.7.2018.
Cụ thể, sản phẩm thép không gỉ cán nguội của Trung Quốc tiếp tục chịu mức thuế chống bán phá giá là 25,35% (riêng Công ty Shanxi Taigang Stainless Steel được hưởng mức thuế 17,47%). Sản phẩm thép của các doanh nghiệp Malaysia chịu mức thuế 9,31%; của Indonesia chịu mức thuế 13,03%; của Đài Loan là 13,79%.
Duy có sản phẩm của Công ty PT Jindal Stainless thuộc Indonesia được hưởng mức thuế chống bán phá giá thấp hơn so với trước, từ 13,03% xuống còn 6,64%. Công ty Yuan Long Stainless Steel Corp của Đài Loan chịu mức thuế cao hơn các nhà sản xuất khác là 37,29%.
Bên cạnh đó, căn cứ kết luận rà soát và ý kiến của các Bộ ngành liên quan, Bộ Công Thương xác định có một số sản phẩm thép không gỉ mà hiện tại ngành sản xuất trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng không đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật. Do vậy, Bộ Công Thương thực hiện miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm.
Thép không gỉ dạng tấm đã gia công quá mức cán nguội được tạo hoa văn chìm trên bề mặt và có keo phủ bảo vệ; thép không gỉ dạng tấm đã gia công quá mức cán nguội được tạo hoa văn nổi trên bề mặt và có keo phủ bảo vệ; và thép không gỉ dạng tấm đã gia công quá mức cán nguội được tạo hoa văn trên bề mặt bằng phương pháp in lazer và có keo phủ bảo vệ.
Diễn biến lượng và giá thép xuất khẩu của Việt Nam |
Cụ thể, có 5 sản phẩm được miễn trừ biện pháp chống bán phá giá, bao gồm, thép không gỉ dạng tấm đã gia công quá mức cán nguội được đánh bóng gương (độ bóng No.8 hoặc Super Mirror) và có keo phủ bảo vệ; thép không gỉ dạng tấm đã gia công quá mức cán nguội được tạo màu sắc khác nhau trên bề mặt bằng công nghệ phủ màu chân không PVD, hóa chất, điện phân hoặc công nghệ tương tương và có keo phủ bảo vệ.
Bộ Công Thương cho biết, sẽ có quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá căn cứ trên Hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá của các công ty trực tiếp sử dụng các mặt hàng thép không gỉ nêu trên.
Đây là một động thái được Bộ Công thương đưa ra sau khi nhiều sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường và bị các nước áp thuế chống bán phá giá do nghi ngờ thép Trung Quốc đội lốt. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, chia sẻ: “Trong số 78 vụ điều tra chống bán phá giá của các nước lên Việt Nam thì có 37 vụ là liên quan đến sắt thép, chiếm gần 1/2 các loại hàng hóa. Điều tra chống trợ cấp còn hơn thế, gần 3/4 các vụ kiện là liên quan đến mặt hàng sắt thép”.
Trong số 17 vụ kiện chống lẩn tránh thuế có 16 vụ các nguyên đơn nghi ngờ là hàng hóa từ Trung Quốc (đang bị áp thuế chống bán phá giá cao) được hợp thức hóa qua các cơ sở tại Việt Nam để lẩn tránh thuế trước khi xuất đi. Nguyên đơn cho rằng hàng hóa sản xuất tại Việt Nam thực ra là sản xuất từ nước khác, đang bị đánh thuế cao hơn, hợp thức hóa qua Việt Nam để đi đến nước thứ ba nhằm lợi dụng nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam tránh thuế cao.
Ngược lại, Việt Nam mới chỉ là nguyên đơn 3 vụ kiện chống bán phá giá cũng là kiện các sản phẩm thép có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Đài Loan. Đã có 3 biện pháp áp thuế cao cho các vụ kiện này.