Viện Kiểm Sát đề nghị Vietinbank trả 1.000 tỷ Huyền Như chiếm đoạt
Ngày 24/12, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm về hành vi chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng của các cá nhân, công ty và ngân hàng bước sang phần tranh luận.
Phát biểu quan điểm về vụ án, kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Thế Thành - Phó Viện phúc thẩm 3 - đánh giá xâu chuỗi các hành vi của bị cáo Như. Theo đó, Như đã lợi dụng nhiệm vụ được lãnh đạo Ngân hàng Vietinbank giao cho quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ để thực hiện các hành vi gian dối, giả mạo chữ ký, con dấu làm các lệnh chi giả chiếm đoạt tiền của khách hàng.
"Nguyên nhân dẫn đến việc Như chiếm đoạt số tiền không phải là lỗi của khách hàng mà là sự lợi dụng chức vụ quyền hạn của Như và sự buông lỏng trong quản lý của Vietinbank. Hành vi lợi dụng chức vụ chỉ được thực hiện sau khi tiền của khách hàng chuyển vào tài khoản hợp pháp của họ tại Vietinbank", kiểm sát viên nhận định.
5 đơn vị được xác định là đã mở tài khoản hợp pháp, đúng quy trình và đã được lãnh đạo của Vietinbank là bà Nguyễn Thị Minh Hương, ông Trương Minh Hoàng (Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP HCM) phê duyệt gồm: Công ty Cổ phần chứng khoán Phương Đông, Công ty Hưng Yên, Công ty Cổ phần chứng khoán SaigonBank Berjara (SBBS), Công ty Bảo Hiểm Toàn Cầu, Công ty An Lộc.
VKS đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại đối với Như và những người có liên quan về tội Tham ô tài sản; xem xét lại tư cách tham gia tố tụng của những đơn vị trên. Theo đó, những công ty này là khách hàng hợp pháp của Vietinbank, song ngân hàng này đã không quản lý tài sản của khách mà để nhân viên của mình chiếm đoạt thì phải có trách nhiệm.
"Những đơn vị này chỉ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, còn Vietinbank mới chính là bị hại. Do vậy, Vietinbank phải có trách nhiệm trả lại khoản tiền Như chiếm đoạt và có quyền yêu cầu Như trả lại", kiểm sát viên phát biểu.
Theo VKS, số tiền hơn 718 tỷ đồng mà Như chiếm đoạt của Ngân hàng ACB xuất phát từ việc bị cáo đã móc nối với Huỳnh Bảo Ngọc (nguyên phó phòng quản lý rủi ro của ACB) để huy động tiền từ ngân hàng này. Việc 19 nhân viên ACB đem tiền đi gửi là có chủ trương của lãnh đạo ACB và việc này là trái quy định. Mặt khác, Bảo Ngọc - người được ACB giao trách nhiệm quản lý số tiền gửi - lại được Như “lót tay” số tiền rất lớn.
“Vì lợi ích cá nhân mà Ngọc đã quên đi trách nhiệm quản lý tài sản, giao phó cho Như tự ý làm giả hồ sơ và lệnh chi dẫn đến bị chiếm đoạt. Bản thân ACB là ngân hàng thương mại, hiểu rõ quy định của pháp luật nhưng chỉ vì lợi ích cục bộ đem tiền sang Vietinbank gửi để lấy lãi suất làm rối loạn thị trường tài chính. Chính ACB đã tự đặt mình vào hoàn cảnh này và thực hiện hành vi trái pháp luật nên sẽ không được pháp luật bảo vệ”, VKS nêu quan điểm.
Viện cho biết không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của ACB này cũng như 19 nhân viên của ngân hàng này về việc buộc Vietinbank phải trả số tiền Như chiếm đoạt, bởi cho rằng "trong trường hợp này Vietinbank không có lỗi". Ngoài ra, VKS cũng kiến nghị cơ quan điều tra truy tố Bảo Ngọc về hành vi giúp sức cho Như trong việc chiếm đoạt tiền của ACB như nội dung mà TAND Tối cao tại Hà Nội đã kiến nghị trong phiên tòa xét xử Bầu Kiên.
Tương tự, kháng cáo của Navibank cũng bị VKS đề nghị "không chấp nhận". Theo Viện, bị cáo Như có ý thức chiếm đoạt số tiền của ngân hàng này từ trước nên đã móc nối với Đoàn Đăng Luật (nguyên Trưởng phòng nguồn vốn Navibank) để huy động hơn 1.000 tỷ đồng thông qua hợp đồng tiền gửi do 14 nhân viên của ngân hàng này đứng tên. Sau khi tất toán Như còn chiếm đoạt 200 tỷ thông qua các hợp đồng tiền gửi với 4 nhân viên Navibank.
Cơ quan công tố cho rằng, Đoàn Đăng Luật sau khi nhận được khoản tiền chênh lệch ngoài hợp đồng đã để mặc cho Như thực hiện các hành vi gian dối, chiếm đoạt tiền của ngân hàng này. Hành vi trái pháp luật của lãnh đạo Navibank trong việc mang tiền từ ngân hàng mình sang gửi tại Vietinbank để lấy lãi là do lỗi của ngân hàng này.
Đối với bà Giã Thị Mai Hiên - người cho Huyền Như vay số tiền hàng nghìn tỷ đồng - kháng cáo yêu cầu giám định lại hợp đồng ủy thác đầu tư mà bà đã ký với Như với danh nghĩa cán bộ của Vietinbank, VKS cho rằng, tại tòa Như khai hợp đồng ủy thác đầu tư ký với bà Hiên là do Như làm giả. Mọi giao dịch của bà với Như đều không thực hiện tại trụ sở ngân hàng và không thông qua lãnh đạo Vietinbank. "Do vậy không có căn cứ giám định lại hợp đồng ủy thác mà bà Hiên ký với Như. Bản án sơ thẩm xác định Như đã chiếm đoạt số tiền 274 tỷ đồng của bà, trách nhiệm này thuộc về cá nhân Như chứ không phải của Vietinbank", đại diện VKS nêu.
Với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, kêu oan của nhóm các bị cáo là cán bộ Ngân hàng Vietinbank, VIB, hầu hết đều bị VKS bác bỏ vì cho rằng không có cơ sở. Riêng bị cáo Tống Nguyên Dũng, Lê Thị Ngọc Lợi, Huỳnh Trung Chí được Viện đề nghị giảm từ 6 tháng đến 12 tháng tù vì gia đình có công với cách mạng.
Do số tiền thiệt hại liên quan đến hành vi đồng phạm giúp sức cho Như chiếm đoạt được xác định lại nên VKS đã rút kháng nghị tăng hình phạt, đồng thời bác kháng cáo xin giảm án đối với Võ Anh Tuấn (nguyên phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè). Bị cáo Đào Thị Tuyết Dung bị đề nghị tăng lên thành 13-14 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thay vì 10 năm như cấp sơ thẩm áp dụng.
Do được xác định phạm tội trong thời gian mang thai nên Huỳnh Mỹ Hạnh (chị gái Như) được VKS đề nghị giảm một năm tù. Phạm Anh Tuấn (nguyên Tổng giám đốc Công ty Thái Bình Dương) cũng được đề nghị giảm án một năm về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đối với nhóm bị cáo phạm tội Cho vay lãi nặng gồm Nguyễn Thị Lành, Nguyễn Thiên Lý, Phạm Văn Chí, VKS đề nghị xem xét điều tra lại về số tiền thu lợi bất chính của cả những bị cáo kháng cáo và bị cáo không kháng cáo.
Theo Viện, kết quả xác định của cơ quan điều tra về tài sản thu nhập bất chính của các bị cáo này là có cơ sở. Trong đó, bị cáo Lành thu lợi bất chính hơn 1.200 tỷ, Lý 735 tỷ, Chí là 5,9 tỷ đồng. Nhưng tòa sơ thẩm lại căn cứ vào lời khai của các bị cáo tuyên số tiền thu nhập bất chính thấp hơn nhiều hoặc bỏ qua. "Không hiểu vì lý do gì tòa sơ thẩm lại tuyên con số mâu thuẫn về khoản tiền thu nhập bất chính của các bị cáo. Đây là một thiếu sót lớn của tòa cấp sơ thẩm cần phải xem xét lại và những tài sản này phải tịch thu sung quỹ nhà nước", đại diện VKS nêu quan điểm.
Hầu hết các kháng cáo của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đều bị bác. Theo viện, tài sản mà những người này có liên quan cần phải được tiếp tục kê biên để đảm bảo cho việc thi hành án.
Liên quan căn biệt thự có giá 43 tỷ đồng thuộc dự án The Nam Hải tại Quảng Nam mà Huyền Như và mẹ Nguyễn Thị Lang xin lại, VKS cho rằng, tại cơ quan điều tra bà Lang khai căn nhà này do Như mua và cho bà đứng tên. Nguồn gốc số tiền mua căn biệt thự này do Như đi vay của ngân hàng và cá nhân khác nên cần phải được tiếp tục kê biên để bảo đảm cho việc thi hành án.
Ngoài ra, Viện phúc thẩm cũng giữ nguyên những kiến nghị của tòa sơ thẩm về việc cơ quan điều tra cần điều tra, xử lý trách nhiệm của ông Trương Minh Hoàng, bà Nguyễn Thị Minh Hương (nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP HCM); làm rõ trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Sẻ (nguyên Giám đốc Vietinbank chi nhánh TP HCM) về hành vi đồng phạm với Như.
Nguồn VnExpress