Mô hình nhà ga hành khách phía sau sân đậu máy bay Long Thành. Nguồn: Báo Giao thông

 
Hải Vân Thứ Sáu | 19/07/2019 10:26

Viễn cảnh giải ngân bắt kịp tiến độ triển khai Luật Đầu tư công 2019

Với “cơ chế mới”, những khó khăn của Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được tháo gỡ.

Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục ảm đạm trong bối cảnh Luật Đầu tư công năm 2014 sắp hết hiệu lực để chuyển sang thực hiện các quy định của Luật Đầu tư công 2019 Quốc hội vừa thông qua. 

Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Vương Đình Huệ, tại Hội nghị Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hôm 18.7, nhận định, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục chậm trở thành điểm nghẽn của phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019.

Giải ngân chậm

Kế hoạch vốn năm 2019 của các Bộ ngành và địa phương được triển khai chậm. Thành phố Hải Phòng có hai dự án ODA đang thực hiện với số vốn còn thiếu là 1.350 tỷ đồng, ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết.

Phó Chủ tịch Hải Phòng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tham mưu cho Chính phủ sớm bố trí vốn ODA cho các dự án sẽ kết thúc hiệp định trong hai năm 2019-2020. Ông cũng đề nghị Bộ KHĐT sớm ban hành Hướng dẫn Luật Đầu tư công sửa đổi để kịp thời xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Theo báo cáo của KHĐT, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định giao vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước năm 2019 cho các bộ, ngành và địa phương với tổng số vốn là 367.394 tỷ đồng, đạt 85,5% kế hoạch Quốc hội quyết định.

Thế nhưng, trong 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 119 nghìn tỷ đồng, bằng 32,41% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ (33,85%).

Hiện tại, có 6 bộ, ngành và 13 địa phương có số giải ngân đạt trên 50%, nhưng có  tới 35 Bộ, ngành và 16 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%,  trong đó có 15 Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%.

Tâm lý chủ quan của một số địa phương về việc được kéo dài thời hạn giải ngân vốn đầu tư công trong 2 năm, cùng những vấn đề liên quan đến ký kết, gia hạn hiệp định và thỏa thuận vay của nhiều dự án sử dụng nguồn vốn ODA… tiếp tục là những lý do khiến giải ngân đầu tư công chậm tiến độ trong nửa đầu năm nay.

Bộ trưởng Bộ KHĐT, ông Nguyễn Chí Dũng, cho biết, để đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2019, Bộ đã rà soát trên cả 3 miền Bắc – Trung - Nam, tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ giao vốn cho các dự án đủ điều kiện theo quy định.

Đối với các dự án chưa đủ điều kiện giao vốn, Bộ đã đề nghị Chính phủ thu hồi hết số vốn không đủ điều kiện để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước, xem xét điều chuyển vốn từ đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp sang địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Những nỗ lực cho giải ngân vốn đầu tư công đang diễn ra, nhưng để giải ngân được hết kế hoạch vốn năm 2019, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Huỳnh Quang Hải, cho rằng: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần kiến nghị Thủ tướng sớm xem xét thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA”.

Theo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài được điều chỉnh theo nghị quyết của Quốc hội là 360.000 tỷ đồng. Đến hết năm 2019, tổng số đã giao là 244.300 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi từ năm 2016 đến nay đều không đạt dự toán. Số đã giải ngân, lũy kế từ năm 2016 đến tháng 5/2019 chỉ hơn 133.000 tỷ đồng, mới đạt xấp xỉ 37% so với kế hoạch đã điều chỉnh.  

Thậm chí, đến thời điểm này, ông Hải nói có 26 khoảng vay vốn ODA, với tổng trị giá 3 tỷ 463 triệu USD ký mới từ năm 2016 đến nay có nhu cầu giải ngân, nhưng chưa được đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Thủ tục, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chậm giải ngân vốn ODA. Chủ trương đầu tư buộc phải điều chỉnh ngay cả với những thay đổi nhỏ trong các dự án, như bổ sung phạm vi, gia hạn khoản vay trong 6 tháng... Trong khi chờ giải quyết thủ tục, các hoạt động, thanh toán đều bị tạm dừng. 

Việc giải ngân chậm, Chính phủ phải trả phí cam kết cao hơn, chậm trễ, thậm chí dẫn tới tranh chấp hợp đồng với nhà thầu, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam. Thứ trưởng Tài chính cho đây là việc cần khẩn trương để đáp ứng các cam kết với các nhà tài trợ cũng như tranh thủ được nguồn lực cho phát triển của nền kinh tế.

Lượng lớn công việc

Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2020. Bộ trưởng Bộ KHĐT kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, tạo điều kiện khơi thông nguồn vốn cho đầu tư phát triển của cả nhà nước và khu vực tư nhân.

Ông Dũng cho biết, Bộ KHĐT đang tập trung nguồn lực và phối hợp với các bộ ngành, địa phương triển khai xây dựng và bổ sung các nghị định, trình Chính phủ xem xét kịp thời với tiến độ triển khai Luật này.

Vien canh giai ngan bat kip tien do trien khai Luat Dau tu cong 2019
 

Cụ thể, với việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục giải ngân “Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành”, Bộ KHĐT sẽ chủ trì sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thủ tục thẩm định và phê duyệt dự toán; lập và thẩm định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn quy trình, thủ tục thực hiện thanh toán vốn đầu tư đối với “Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành”.

Đối với những khó khăn của các dự án ODA, các địa phương báo cáo chi tiết khó khăn vướng mắc về giải ngân vốn ODA của từng dự án gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ KHĐT và Bộ Tài chính để tổng hợp theo từng nhóm vấn đề, xử lý theo thẩm quyền trách nhiệm từng cơ quan hoặc báo cáo cấp cáo thẩm quyền xem xét, xử lý.

Hiện tại, theo ông Dũng, Bộ KHĐT đã nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành chỉ thị xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo hướng: Tập trung đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm từ đầu tư công giai đoạn 2016-2020.

Để tạo ra bước tiến mới cho vấn đề giải ngân đầu tư công, theo Bộ trưởng Bộ KHĐT, toàn bộ thời gian lập, thẩm định, quyết định và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025 sẽ được thực hiện theo các quy định mới.

Trong Kế hoạch này, Bộ KHĐT sẽ tổng hợp nhu cầu đầu tư công phù hợp với những định hướng lớn về phát triển kinh tế xã hội giai đoạn tới, phù hợp với đề án cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến 2025 đã được Chính phủ phê duyệt.