Ảnh: Quý Hòa
Viễn cảnh 100 tỉ USD của dệt may
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tuần trước đã thay đổi thời gian tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập chỉ một ngày trước lịch trình nhằm phù hợp với lịch làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tại sự kiện, Thủ tướng đã đưa ra cách giải quyết đối với 6 vấn đề của ngành dệt may, có thể khiến doanh nghiệp mất dần các thị trường xuất khẩu quan trọng.
Trong khi đó, mục tiêu xuất khẩu 100 tỉ USD mà Thủ tướng kỳ vọng ngành dệt may sẽ đạt được vào năm 2030 đã vượt xa con số 80 tỉ USD của Vitas đề ra, trong bối cảnh ngành này vẫn mỏi mòn chờ đợi một chiến lược phát triển mới được ban hành để cải thiện tình hình nguyên liệu đang căng thẳng.
Toàn cầu hóa thực sự đã giúp ngành dệt may Việt Nam hưởng lợi lớn. Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 ước đạt 39 tỉ USD, tăng trên 22 lần so với 1,75 tỉ USD năm 1999. Chính phủ cũng đã ký các hiệp định thương mại tự do đa phương như CPTPP và EVFTA, có khả năng sẽ là cú hích cho giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tận dụng cơ hội này không hề dễ dàng khi 86% vải được nhập khẩu để phục vụ sản xuất và xuất khẩu, theo thống kê của Vitas.
Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3 trên bản đồ dệt may thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang làm cạnh tranh gay gắt hơn giữa các cường quốc xuất khẩu dệt may. Trong kinh doanh hiện nay, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, quyền quyết định thuộc về các nhà mua hàng và không còn câu chuyện nhà mua đưa mẫu và doanh nghiệp chỉ việc gia công. Ông cho biết các nhà mua hàng bây giờ đòi hỏi cao hơn, đưa ra nhiều yêu cầu hơn, từ phát triển mẫu, giá tốt, nguồn nguyên phụ liệu có sẵn, cho đến việc đánh giá doanh nghiệp dựa trên nhiều yếu tố, như môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động.
Kinh tế thế giới năm nay cũng không thuận lợi, buộc các nhà mua hàng phải tính toán nhiều hơn, so sánh giá sản phẩm dệt may của Việt Nam với các nước khác như Bangladesh hay Myanmar, nhằm đảm bảo doanh số bền vững ngay cả khi lợi ích vẫn còn ở dạng tiềm năng. Ông Salman A Rahman, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất dệt Bangladesh (BTMA), vào cuối tháng 9 đã bay tới Việt Nam. Ông Salman đã chia sẻ với Chủ tịch Vitas về những khó khăn hiện tại của ngành công nghiệp dệt may Bangladesh. Áp lực về giá cả và việc các nhà đầu tư Trung Quốc đang tìm cách đầu tư, mua nhiều nhà máy dệt may lớn của Bangladesh đã làm cho 22 nhà máy phải ngừng hoạt động và đóng cửa. Đặt vấn đề hợp tác cùng phát triển, song ông muốn đảm bảo rằng phía Việt Nam không giảm giá các đơn hàng xuất khẩu dệt may xuống mức thấp. Trong khi đó, với giá nhân công bình quân là 350-400 USD/người/tháng, doanh nghiệp Việt Nam không thể bán hàng với giá thấp hơn Bangladesh.
Áp lực về khan hiếm đơn hàng năm 2020 vẫn còn, chỉ bớt nóng vào các tháng cuối năm 2019. Giá nhân công tăng nhanh và không còn rẻ đang làm cho doanh nghiệp khó cạnh tranh. Trong khi đó, Bangladesh vẫn giữ lợi thế về lao động giá rẻ, giá nhân công chỉ 110-150 USD/người/tháng. Dòng vốn FDI chảy vào dệt may chủ yếu đến từ các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Anh và Đức, chiếm 22-24%, còn lại là doanh nghiệp trong nước. Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2018 đạt 49 tỉ USD, thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Đức, Anh, Canada, Úc và New Zealand. Năng lực sản xuất vải đạt 120%, đáp ứng 100% nhu cầu trong nước và 20% phục vụ xuất khẩu.
Thực ra, thách thức không phải bây giờ mới nổi lên, ngành dệt may bên cạnh đà tăng trưởng về xuất khẩu, luôn đứng trước 2 mối lo lớn. Thứ nhất, nguồn cung cấp tại chỗ nguyên phụ liệu, như bông, xơ, xợi, vải chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu xuất nhập khẩu của ngành dệt may. Thứ 2, dù sử dụng hình thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm hay gia công, thì hiệu quả lợi nhuận phải đạt trên 25% vốn hoạt động, mới đảm bảo tái đầu tư, nâng cấp thiết bị, đưa năng suất tăng 20%, đảm bảo lương bình quân cho lao động tương ứng với mặt bằng lương thu nhập bình quân trên cả nước là 3.000 USD/người/năm.
Dệt may Việt Nam đang trong top đầu của cuộc đua toàn cầu trong bối cảnh thời trang nhanh, thời trang công nghệ kỹ thuật số, tính bền vững đã là những thuật ngữ rất sôi động trên thế giới bán lẻ. Thực tế này đòi hỏi Chính phủ sớm định hướng ngành dệt may Việt Nam nằm ở đâu trong chuỗi sản xuất, cung ứng dệt may toàn cầu. Nếu chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm cơ hội mở cửa thị trường, thông qua cắt, giảm thuế quan thì lợi thế này sẽ mất dần theo thời gian khi các nước cũng tham gia những hiệp định thương mại tự do với các đối tác của Việt Nam. Do đó, cần có định hướng cụ thể từ Nhà nước và doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội, lợi thế về cắt giảm thuế quan của các hiệp định thương mại để thúc đẩy xuất khẩu.