“Việc nhỏ cũng xin ý kiến Thủ tướng là không bình thường”
Thảo luận tại tổ về Luật Tổ chức Chính phủ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình với dự thảo luật phải quy định rõ trách nhiệm của các Bộ trưởng và cơ quan ngang Bộ để tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng.
Bộ, ngành và chính quyền đâu?
Theo Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), qua thực tế tổng kết các luật tổ chức, nổi lên là vấn đề trách nhiệm. Nếu Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương không qui định rõ được trách nhiệm trong từng vị trí công vụ thì phải có Luật Công vụ. Ở các nước, chỉ vài tiếng sau khi xảy ra những vụ việc như sập cầu, tai nạn, bệnh viện làm chết người… người ta có thể qui trách nhiệm được cho ông A, B, C ngay, chứ không phải xác định trách nhiệm liên đới, ông này trực tiếp, ông kia gián tiếp.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền phát biểu trong một cuộc họp tổ (Ảnh: Thảo Nguyên)
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, Luật Tổ chức Chính phủ phải làm rõ chế độ trách nhiệm và đây cũng là điều khiến ông trăn trở qua 2 khóa Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cũng bày tỏ ngạc nhiên về những vụ việc rất nhỏ, nhưng phải lên đến Thủ tướng xử lý, như vụ việc ở Tiên Lãng (Hải Phòng), hay việc cho mua sắm tài sản liên quan đến các tập đoàn kinh tế cũng phải xin ý kiến Thủ tướng, là điều không bình thường. “Vậy 3 cấp chính quyền địa phương đâu, các bộ, ngành đâu? Tôi thấy chỉ có duy nhất ở Việt Nam là Thủ tướng đi điều hành các việc này thôi, còn các nước, Thủ tướng chỉ chịu trách nhiệm điều hành nội các”, Đại biểu Nguyễn Đình Quyền nói.
Có nên duy trì Văn phòng Chính phủ hay thành lập Văn phòng Thủ tướng?
Cũng theo Đại biểu Nguyễn Đình Quyền, “chẳng ai nói ra nhưng cứ lầm rầm rằng Văn phòng Chính phủ (VPCP) là cơ quan siêu quyền lực, các Bộ, ngành trình lên mà Vụ chuyên ngành của VPCP chưa trình thì cũng chưa đến tay Thủ tướng”, vì vậy, cần phải nghiên cứu kỹ việc có nên tiếp tục duy trì VPCP nữa không.
Thực ra, để quản lý từng lĩnh vực, đã có các Bộ, ngành và các bộ, ngành đã có văn phòng của bộ, ngành. Còn ở Chính phủ, để giúp việc Thủ tướng trước đây có Văn phòng Thủ tướng. Do đó, theo Đại biểu Nguyễn Đình Quyền, cần phải phân định trách nhiệm giữa VPCP và các bộ ngành khác nhau như thế nào vì thực tế phát sinh nhiều vấn đề liên quan.
Đồng quan điểm, Đại biểu Trịnh Văn Thạch (Hà Nội) cho rằng, nên thành lập Văn phòng Thủ tướng, còn trưởng VPCP chỉ là Thứ trưởng. Theo ĐB Trịnh Văn Thạch, hiện nay VPCP chẳng khác gì siêu Bộ. Trong khi đó, Bộ giúp việc cho Thủ tướng, chứ không phải giúp việc cho Bộ trưởng, nên Bộ không thể làm lại việc của VPCP.
Đại biểu Trịnh Văn Thạch cũng cho rằng, Dự luật cần làm rõ Bộ trưởng và Thủ tướng không phải người quản lý mà là người lãnh đạo, nhưng gần đây Bộ trưởng chẳng khác gì người quản lý, quản lý quá chi tiết mà quên mất chức năng quan trọng là định hướng chiến lược. Trong khi đó, người quản lý là người cầm tay chỉ việc mà Thứ trưởng là cao nhất.
Cần có quy định trần về số lượng Thứ trưởng
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Hà Nội) lại góp ý cần qui định số lượng Thứ trưởng tối đa ngay trong luật, để đảm bảo tinh gọn bộ máy. Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cũng đề nghị cần làm rõ VPCP có được gọi là Bộ hay cơ quan ngang bộ hay không vì trong luật qui định chưa rõ nét.
Còn theo Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội): “không thể gọi là Bộ trưởng VPCP, còn nếu gọi là Bộ trưởng thì phải gọi là Bộ trưởng giúp việc? Không nên qui định người đứng đầu VPCP là thành viên CP, mà chỉ nên là người giúp việc Thủ tướng, còn các Bộ là người giúp việc Chính phủ. Đồng thời, nên qui định mức trần số lượng thứ trưởng, chỉ nên từ 3 đến 5, chứ không thể 9, 10 thứ trưởng”.
Nguồn VOV