Việc NHNN mua bán vàng phi SJC: Ngân hàng trữ vàng thắng lớn
Trong số các đơn vị nắm giữ vàng phi SJC thì già nửa là các NHTM như: Sacombank, ACB, Agribank, Eximbank... Một chuyên gia trong lĩnh vực vàng cho rằng, dù năm 2012 ACB lỗ nghìn tỷ vì vàng nhưng kinh doanh vàng vẫn là lĩnh vực nhiều lợi nhuận.
Điều này được chứng minh, sau quy định mới về điều kiện kinh doanh vàng miếng có hiệu lực từ ngày 10/1/2013, có trên 20 NHTM xin đăng ký kinh doanh vàng miếng.
Theo quy định của NHNN việc cân bằng trạng thái vàng phải hoàn thành vào ngày 25/11/2012, song gần đến thời điểm đó, nhiều NHTM chưa thể tất toán xong.
Dù NHNN đã gia hạn thêm đến tháng 6/2013 nhưng đến thời điểm này chắc chắn NHTM vẫn chưa có đủ số lượng vàng phải có để trả cho dân, do trước đó đã huy động để bán. Hàng loạt các biện pháp NHNN đưa ra như đấu thầu vàng, tạm nhập tái xuất, sẽ mua bán vàng phi SJC là những động thái nhằm cứu các ngân hàng khi thời gian tất toán chẳng còn lâu.
Hiện số lượng vàng phi SJC trong NHTM lên đến hàng nghìn lượng. Các NHTM gom cả những thương hiệu phi SJC không phải do mình sản xuất để chờ chuyển đổi, hợp thức hóa thành vàng SJC.
Việc này không chỉ mang lại nguồn cung vàng SJC cho các NHTM mà còn mang lại một khoản lợi nhuận kếch xù từ tiền chênh giữa giá vàng SJC và phi SJC từ 3-4 triệu đồng/lượng.
Phó giám đốc doanh nghiệp kinh doanh vàng của một NHTM thừa nhận: “Những hỗ trợ của NHNN kể trên bù lại khoản đáng kể của ngân hàng trước đây đã đầu tư cho hệ thống máy móc trang thiết bị sản xuất thương hiệu vàng của NH, nay phải đóng cửa vì không được sản xuất nữa”.
Tiệm vàng ngậm ngùi
Nhiều tiệm vàng sau 3 tháng ngừng kinh doanh vàng miếng vì không đủ điều kiện, hiện đang rơi vào trạng thái hoang mang không biết duy trì hoạt động kinh doanh ra sao.
Anh N.A, chủ tiệm vàng Bắc Á số 110 Tuệ Tĩnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Trước đây, tiệm tôi buôn bán một ngày cũng lên đến vài chục cây vàng miếng SJC. Vì là tiệm vàng nhỏ lẻ nên chúng tôi nhập cả những miếng vàng loại 1- 2 chỉ và bán rất chạy. Từ ngày không được kinh doanh vàng miếng, nguồn thu sụt giảm hẳn”.
Những tưởng, các tiệm vàng lớn như Bảo Tín Minh Châu, Phương Nam sẽ vui mừng khi vàng thương hiệu của mình được NHNN đồng ý mua.
Tuy nhiên, phó giám đốc một doanh nghiệp sở hữu thương hiệu vàng phi SJC cho biết, hiện toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chỉ với vàng SJC chứ vàng thương hiệu của chính mình sản xuất không giữ quá 5%, bởi không biết có được chuyển đổi không?
Theo vị phó giám đốc này, nếu như NHNN quyết định mua bán vàng phi SJC sớm hơn thì doanh nghiệp tránh được khoản lỗ lớn khi bán tháo chính vàng do mình sản xuất ra cho các NHTM, bởi tâm lý lo ngại không được kinh doanh vàng phi SJC nữa.
“Số lượng vàng thương hiệu của doanh nghiệp tôi chủ yếu bán cho NHTM bởi họ có nhu cầu và được phép chuyển đổi. Riêng một NHTM có thời điểm mua gom đến 1.000 lượng mỗi ngày, còn người dân bây giờ đa số đến bán vàng miếng thương hiệu phi SJC”, ông này nói.
NHNN sẽ ngừng giao dịch nếu có biến động giá
Cuối ngày 18-3, NHNN ban hành quy trình mua bán vàng miếng. Theo đó, đối với mua, bán vàng miếng theo hình thức trực tiếp, quy trình cụ thể trình tự, nội dung, thời hạn thực hiện các bước: Thông báo mua, bán vàng miếng; tổ chức tín dụng, doanh nghiệp chuyển tiền đặt cọc; kiểm tra tư cách tham gia giao dịch của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp.
Thông báo giá mua, bán vàng miếng; tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nộp đơn đăng ký. Ngoài ra NHNN sẽ thông báo ngừng giao dịch mua, bán vàng miếng trong trường hợp giá vàng biến động vượt quá mức biến động giá trong phương án mua, bán vàng miếng đã được phê duyệt.
(Theo Tienphong Online)