Quý Hòa
Việc áp thuế của Mỹ có thể thúc đẩy ngành thép Việt Nam phát triển
Lượng thép xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ là không đáng kể
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong năm 2017, Việt Nam chỉ xuất khẩu 567.000 tấn thép sang Mỹ (giảm 42,8%); bằng 12,1% tổng lượng thép xuất khẩu. Xuất khẩu thép của Việt Nam vào Mỹ giảm mạnh là do Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn mạ vào năm ngoái. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu tôn, ống thép và thép cuộn được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp.
Việt Nam cũng chỉ mới đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ trong khoảng vài năm trở lại đây. Do vậy, quyết định áp thuế của Mỹ mặc dù sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu thép tại Việt Nam, thì mức độ ảnh hưởng đối với từng doanh nghiệp là không giống nhau. Thuế nhập khẩu đối với thép là 25% nhưng tác động đối với các doanh nghiệp thép niêm yết là không hoàn toàn giống nhau.
Giá trị xuất khẩu thép của các nước vào Mỹ. Ảnh: CNN Money |
Theo HSC, lượng thép xuất khẩu của HPG sang Mỹ không đáng kể. NKG và HSG sẽ chịu tác động lớn hơn vì HSC ước tính lượng thép xuất khẩu của 2 doanh nghiệp này sang Mỹ năm ngoái chiếm 5-10% tổng lượng thép xuất khẩu của mỗi công ty. Tôn Đông Á chiếm hơn 50% tổng lượng tôn xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ.
Sản lượng tôn của toàn ngành xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2017 là khoảng trên 200.000 tấn. Mỹ đánh thuế thép nhập từ Việt Nam là do thép Trung Quốc được chuyển đến Việt Nam trước khi xuất sang Mỹ - Tổng thống Trump lo ngại Trung Quốc chuyển sản phẩm thép sang một nước thứ ba rồi sau đó xuất khẩu vào Mỹ. Điều này đã được nhắc đến khi ông Trump phản bác thông tin trên truyền thông cho rằng xuất khẩu thép từ Trung Quốc vào Mỹ chỉ chiếm 2%. Tuy nhiên, Mỹ cũng đã có hành động đối phó với vấn đề này trước đây.
Kể từ năm ngoái, Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá khoảng 265% đối với tôn mạ nhập từ Việt Nam mà sử dụng HRC nhập từ Trung Quốc làm đầu vào. Động thái này nhằm ngăn chặn việc chuyển hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam rồi xuất vào Mỹ. HSC được biết những doanh nghiệp xuất khẩu tôn lớn nhất là Tôn Đông Á, Hoa Sen và NKG thường nhập thép cán nóng (HRC) đầu vào từ các quốc gia khác không phải Trung Quốc để sản xuất tôn xuất sang Mỹ. Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng đang tăng cường mua HRC từ nhà máy thép Formosa tại Việt Nam để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản xuất.
Ngoài ra, tác động đối với các doanh nghiệp là không giống nhau và chưa rõ ràng. Thông tin áp thuế như công bố sẽ không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu hay lợi nhuận năm 2018 của các doanh nghiệp thép Việt Nam. Thị trường thép trong nước vẫn khá khả quan và xuất khẩu sang thị trường Mỹ không thực sự quá quan trọng.
Mỹ đánh thuế nhập khẩu là tin vui và động lực của ngành thép Việt Nam
Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng có cùng quan điểm rằng việc áp thuế nếu xảy ra sẽ không ảnh hưởng quá tiêu cực lên các nhà xuất khẩu thép niêm yết. Thậm chí, việc Mỹ đánh thuế nhập khẩu cho thép Trung Quốc có thể là tin vui và là động lực cho sự phát triển theo chiều sâu của ngành thép nội địa.
Theo VDSC, thị trường Mỹ không chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp thép. Theo ước tính, cả Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Thép Nam Kim (NKG), hai doanh nghiệp tiên phong trong việc xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2016 đều tiêu thụ không quá 5% tổng sản lượng tại thị trường này. Các doanh nghiệp cho biết do quy mô đơn đặt hàng, chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng không có lợi nên xuất khẩu sang Mỹ chỉ nhằm mục đích tìm hiểu thị trường và hỗ trợ đẩy sản lượng tiêu thụ.
Nguồn: Rồng Việt |
Quan trọng hơn, thị trường Mỹ không phải mục tiêu của hầu hết các doanh nghiệp mạnh về xuất khẩu tôn mạ, bởi hoạt động xuất khẩu trong khu vực ASEAN vẫn đang sôi động. Theo số liệu cập nhật 11 tháng năm 2017, Việt Nam xuất khẩu 2,4 triệu tấn thép vào các nước khối ASEAN, chiếm 59% tổng lượng xuất khẩu thép. Xuất khẩu sang Mỹ chỉ dừng ở mức 470.000 tấn, chiếm chưa tới 11% tổng lượng xuất khẩu.
Như vậy, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp xuất khẩu tôn thép của Việt Nam nếu mất thị trường Mỹ sẽ gần như không gặp khó khăn gì, khi lực cầu nội địa và nội khối ASEAN vẫn mang lại dư địa tăng trưởng khả quan.
VDSC cho rằng các doanh nghiệp thép Việt vẫn còn nhiều cách tiếp cận thị trường Mỹ, bởi mục tiêu của chính phủ nước này là chặn các mặt hàng có nguồn gốc Trung Quốc được gia công hoặc tạm nhập tại các nước khác để né thuế. Bằng việc sản xuất từ thượng nguồn hoặc sử dụng bán thành phẩm được sản xuất trong nước, các doanh nghiệp vẫn có thể chứng minh xuất xứ Việt Nam để bán hàng tại thị trường khắt khe như Mỹ, khối EU và Úc.
Trước đây, Việt Nam xuất khẩu thép cán nguội và tôn mạ vào thị trường Mỹ trong khi ngành sản xuất nội địa không hề có khả năng cung ứng thép cán nóng, đều phải nhập khẩu (phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc). Đây chính là lý do các nhà máy tôn mạ Việt Nam nằm trong danh sách xem xét áp thuế của Mỹ. Sang năm 2017, ngành thép nội địa Việt Nam đã sản xuất gần 10 triệu tấn thép thô và gần 1,3 triệu tấn thép cán nóng -HRC, đều là những sản phẩm phù hợp quy định về xuất xứ của Mỹ.
Dự kiến trong năm 2019, các lò cao mới của Formosa Hà Tĩnh và HPG đi vào hoạt động nâng tổng công suất thép cán nóng của thị trường nội địa lên khoảng gần 10 triệu tấn/năm. VDSC đánh giá đây là nguồn cung bán thành phẩm dồi dào cho các doanh nghiệp tôn mạ như HSG và NKG, đồng thời là nhân tố quan trọng để “hoá giải” các quy định khắt khe về xuất xứ.
Ngay trong lúc các nhà đầu tư tỏ ra quan ngại về khả năng chính phủ của tổng thống Trump áp thuế nhập khẩu lên tôn thép Việt Nam, Hòa Phát (HPG) cho biết đã nhận đơn hàng xuất khẩu 15.000 tấn thép sang Mỹ trong ngày đầu tiên hoạt động sau kỳ nghỉ Tết. Hiện đang sở hữu chuỗi sản xuất hơn 2 triệu tấn thép xây dựng từ thượng nguồn và đang xây dựng nhà máy sản xuất thép cán nóng, HPG đang góp phần chứng minh tiềm năng xuất khẩu của thép Việt vẫn còn rất dồi dào.