Ảnh: TL

 
Minh Hồng Thứ Ba | 15/10/2019 15:34

Vicostone hưởng lợi từ thương chiến

Đối diện ít áp lực cạnh tranh, triển vọng xuất khẩu của Vicostone tại thị trường Bắc Mỹ ngày càng thuận lợi.

Với khoảng 98% doanh thu đến từ hoạt động xuất khẩu, trong đó trọng yếu nhất là thị trường Bắc Mỹ, Công ty Cổ phần Vicostone (mã VCS) đang bắt đà thuận lợi để gia tăng thị phần với thị trường ngoại. Trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Vicostone dường như đang nắm trong tay lợi thế cạnh tranh hiếm gặp vì giá sản phẩm đá thạch anh Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần do bị áp thuế. Ngoài ra, các nhà sản xuất Ấn Độ cũng đối diện nguy cơ bị áp thuế do vướng tranh chấp pháp lý với doanh nghiệp Mỹ. Về cung cầu thị trường, Vicostone cũng được cho là đang hưởng lợi kích cầu từ thị trường vốn dễ dàng của Mỹ, đặc biệt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục có động thái hạ lãi suất.

Theo Globe Newswire, Minneapolis (Mỹ), Công ty Cambria, thương hiệu sản xuất đá thạch anh hàng đầu Mỹ, đã đệ đơn thỉnh cầu Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ xem xét việc sản phẩm Ấn Độ bán phá giá. Biên độ bán phá giá cáo buộc lên đến 323,12%. Vào tháng 6.2019, Bộ Thương mại Mỹ đã đồng ý để điều tra vào vụ kiện. Dự kiến nhà chức trách Mỹ sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng trong tháng 10.2019.

 

Nếu sản phẩm Ấn Độ bị áp thuế, đây có thể là cơ hội thuận lợi cho Vicostone mở rộng sự hiện diện của mình tại Mỹ. “Nếu nhà sản xuất của Ấn Độ bị áp thuế phá giá/trợ cấp với mức cao, nhiều khả năng Vicostone sẽ có sự bùng nổ mạnh mẽ trong năm 2020”, báo cáo phân tích của Dainam Securities đánh giá.

Trước đó, ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ - Trung, sản phẩm đá tấm thạch anh Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá 265,81-336,69% và thuế chống trợ cấp 45,32-190,99%. Hiện tại, đá tấm thạch anh Trung Quốc có giá lên đến 280 USD/m2. Mức giá này cao gấp 3 lần so với thời điểm trước khi căng thẳng thương mại bùng nổ.

Thị trường xuất khẩu đóng góp chủ yếu vào doanh thu của doanh nghiệp ngành đá ốp như Vicostone. Theo Phu Hung Securities, Vicostone hiện cung cấp ra thị trường 1 triệu m2 mỗi năm, với hơn 98% doanh thu đến từ xuất khẩu. Ba thị trường chủ lực ở khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và Úc chiếm tỉ trọng hơn 90% doanh thu bán hàng.

Theo số liệu của Ủy ban Thương mại Mỹ, nhập khẩu đá tấm thạch anh của Việt Nam vào thị trường Mỹ có xu hướng tăng mạnh và duy trì tốc độ tăng trưởng kể từ tháng 11.2018. Điều này thể hiện lỗ hổng thị phần mà sản phẩm Trung Quốc để lại đang được lấp đầy bởi các sản phẩm của Việt Nam và các quốc gia khác. Từ tháng 9.2018, tỉ trọng nhập khẩu đá ốp lát Vicostone sang Mỹ đã tăng gấp 5 lần. Theo số liệu của Trademap, tính riêng tháng 7 năm nay, tổng giá trị sản phẩm đá thạch anh Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng vọt từ 14 triệu USD tháng trước lên 23,3 triệu USD.

Một tích lũy giá trị khác của Vicostone là mặt bằng lãi suất thấp. Dưới sự nới lỏng định lượng của FED, lãi suất vay cơ bản (FED Funds Rate) hiện dao động quanh mục tiêu 1,75-2%. Đây là lần thứ 2 FED giảm lãi suất kể từ hồi tháng 7. Theo thông lệ, lãi suất cơ bản được dùng để định hình nên các loại lãi suất khác, ví dụ như lãi suất thế chấp nhà, thẻ tín dụng...

Với môi trường thanh khoản dồi dào, thị trường nhà ở và ngành công nghiệp xây dựng được cho là sẽ kích cầu. Theo Phu Hung Securities, số liệu lãi suất Bankrate chỉ ra bình quân lãi suất thế chấp 30 năm đã trên đà giảm mạnh sau khi lập đỉnh từ cuối năm 2018 đang ủng hộ cho một xu hướng tăng trưởng xây dựng nhà ở sớm trở lại tại Mỹ. Với lãi suất thế chấp nhà ở kỳ hạn 30 năm tiếp tục duy trì ở mức thấp, kỳ vọng ngành xây dựng trong lĩnh vực dân cư tại Mỹ tích cực hơn tạo ra dư địa cho các sản phẩm vật liệu đá ốp lát tăng trưởng.

 

Số liệu nghiên cứu cũng cho thấy triển vọng của ngành xây dựng tại Mỹ đang khả quan với tốc độ tăng trưởng bình quân của lĩnh vực xây dựng dân dụng sẽ cải thiện lên mức 2,5%/năm trong giai đoạn 2019-2023 sau đợt sụt giảm trước đó trong giai đoạn 2015-2018. Theo nhận định của Dainam Securities, doanh thu thuần năm 2019 của Vicostone có thể đạt 5.139 tỉ đồng, với lợi nhuận sau thuế 1.244 tỉ đồng.

Theo ý kiến chuyên gia, rủi ro điều chỉnh giá của cổ phiếu VCS có thể đến từ các yếu tố: 1) khoản phải thu chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu tài sản; 2) chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có những diễn biến khó lường; 3) áp lực cạnh tranh gay gắt không chỉ từ nhà sản xuất đá thạch anh, mà còn với các ngành vật liệu thay thế khác.
Nhìn nhận về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vicostone, xác định việc các sản phẩm Trung Quốc không còn lợi thế cạnh tranh tại thị trường Mỹ sau khi bị áp thuế là một cơ hội với sản phẩm của Việt Nam. Nhưng vẫn sẽ có những thách thức và Vicostone phải luôn ý thức để không trở thành đối tượng bị áp thuế chống bán phá giá.