Thứ Ba | 19/07/2016 12:30

Vicem ngổn ngang trước IPO

Tổng nợ của Vicem đã xấp xỉ gấp 4 lần so với vốn chủ sở hữu, nằm trong tốp các doanh nghiệp nhà nước có hệ số nợ cao nhất.

Một trong những Tổng công ty lâu đời nhất của Việt Nam là Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) sẽ tiến hành cổ phần hóa (IPO) vào quý IV năm nay. Theo kế hoạch IPO, Nhà nước sẽ giảm mạnh tỉ lệ nắm giữ cổ phần tại Vicem, có thể chỉ còn 51%.

Được thành lập vào năm 1980, Vicem hiện sở hữu 8 công ty thành viên, đang đứng đầu thị trường với 34% thị phần, công suất 20 triệu tấn/năm. Có thể kể đến một số cái tên nổi bật trong hệ thống của Vicem là Xi măng Hà Tiên 1 đang dẫn dầu thị trường cả nước với 9%, riêng ở phía Nam lên tới 28,5% thị phần. Các thành viên đáng chú ý khác trong hệ thống Vicem là Xi măng Bỉm Sơn, Xi măng Bút Sơn.

Sau nhiều năm khó khăn, khá nhiều doanh nghiệp xi măng đã được hưởng lợi nhờ thị trường xây dựng và bất động sản phục hồi kể từ năm 2015. Kết thúc năm 2015 doanh thu của Vicem đạt hơn 32.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.381 tỉ đồng, gấp 2 lần năm 2014 và là mức cao nhất từ trước tới nay.

Giá cổ phiếu của Xi măng Hà Tiên 1 đã tăng hơn 50% trong 1 năm gần đây, trong khi mức tăng của Xi măng Bỉm Sơn vào khoảng 20%. Trong cùng giai đoạn, chỉ số VN-Index tăng khoảng 17%. Rõ ràng, việc Vicem thực hiện IPO vào thời điểm này dường như khá thuận lợi. Và đã có một số nhà đầu tư đến từ Thái Lan và Indonesia thể hiện sự quan tâm đến cổ phần của Vicem.

Tuy Vicem sở hữu quy mô tài sản lớn với nhiều tài sản hấp dẫn, thương hiệu phổ biến, điều kiện thị trường đang thuận lợi, nhưng cũng có không ít hoài nghi về khả năng thành công của đợt phát hành lần này do một số thách thức mà tập đoàn này đang đối mặt.

Có thể thấy, áp lực cạnh tranh trên thị trường xi măng Việt Nam vẫn hết sức khốc liệt. Việc các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường ngày càng nhiều như Xuân Thành, Công Thanh, The Vissai bên cạnh các doanh nghiệp nước ngoài ớn như Semen (Indonesia), SCG (Thái Lan) hay LafargeHolcim khiến cho thị phần của Vicem giảm khá nhanh, từ mức 40% các năm trước xuống còn chỉ 34%.

Vicem ngon ngang truoc IPO
Nhà máy Xi măng Bút Sơn thuộc Vicem. Ảnh: ximangviet.com

Bên cạnh đó, mặc dù sức tiêu thụ tăng khá mạnh trong năm qua, nhưng nguồn cung trong nước vẫn đang vượt so với cầu (khoảng 60 triệu tấn so với công suất sản xuất 81 triệu tấn). Nếu không có chính sách cho phép xuất khẩu clinker và các sản phẩm xi măng của Chính phủ thì tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành e rằng sẽ còn chịu áp lực hơn gấp bội.

Chính vì áp lực thừa cung này mà trong năm 2015, Tập đoàn Semen đã tạm dừng kế hoạch mở rộng tại Việt Nam, trong đó có việc thâu tóm thêm một công ty tư nhân có thị phần khoảng 4%.

Nhưng một thách thức lớn hơn đang dần hiện diện. Đó là rủi ro từ các sản phẩm xi măng của Trung Quốc. Đối mặt với nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước đang đi xuống, hiện công suất dư thừa của các công ty xi măng Trung Quốc lên đến 670 triệu tấn - một con số quá lớn, cao hơn nhiều so với cả tổng công suất của các nhà máy Việt Nam gộp lại.

Giống như thép, xi măng Trung Quốc đang khiến các chuyên gia lo ngại sẽ tràn ngập thị trường trong khu vực. Hiện tại, ở thị trường nước ngoài, giá xuất khẩu của các sản phẩm xi măng Việt Nam đã bắt đầu kém cạnh tranh về giá so với các đối thủ Trung Quốc, khoảng vài USD mỗi tấn, thậm chí khoảng cách này có thời điểm lên đến 10 USD/tấn. Cạnh tranh với các đối thủ ngoại sẽ không hề dễ dàng cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Đáng lẽ Vicem đã thực hiện cổ phần hóa vào năm 2015 nhưng kế hoạch này bị lùi sang cuối năm nay, khi Vicem bất ngờ tiếp nhận 2 công ty đang thua lỗ lớn hàng ngàn tỉ đồng là Xi Măng Sông Thao và Xi măng Hạ Long. Việc tái cấu trúc các thành viên này là điều bắt buộc trước khi tiến hành cổ phần hóa, nhưng sẽ gây sức ép đáng kể đến năng lực tài chính, vốn chưa dư dả nhiều của Vicem.

Đặc điểm chung của các công ty xi măng là gánh nặng nợ rất lớn bởi chi phí vốn đầu tư vào các nhà máy. Một nghiên cứu của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam 2013 cho thấy tổng nợ của Vicem đã xấp xỉ gấp 4 lần so với vốn chủ sở hữu, nằm trong tốp các doanh nghiệp nhà nước có hệ số nợ cao nhất.

Hiện trên thị trường đã xuất hiện nguồn tin cho rằng LafargeHolcim sẽ chuyển giao toàn bộ phần vốn góp trong liên doanh Công ty Xi măng Holcim Việt Nam cho Vicem, nằm trong chiến lược tái cấu trúc toàn bộ hệ thống của Tập đoàn trên thế giới sau khi hợp nhất.

Trên thực tế, hồi tháng 3.2016, đại diện Tập đoàn LafargeHolcim đã làm việc với ban lãnh đạo Vicem về chủ trương và kế hoạch thoái vốn của Tập đoàn tại Holcim Việt Nam. Hai bên đã thống nhất lộ trình thoái vốn của LafargeHolcim, dự kiến đến cuối tháng 7 này sẽ công bố đối tác tiếp quản và tiến hành ký sơ bộ. Hiện Vicem đang cân nhắc các đề nghị mua lại phần vốn này.

Bên cạnh nguồn vốn cần để tiến hành M&A, Vicem sẽ cần một lượng tiền không nhỏ để nâng cấp công nghệ cho các nhà máy. Cuộc khảo sát của các chuyên gia nước ngoài năm 2014 cho thấy, nhiều nhà máy của Vicem gặp phải những nút thắt về mặt công nghệ, khiến chi phí hoạt động vẫn còn cao. Ngoài ra, khi so sánh chỉ tiêu phát thải của các nhà máy này so với Trung Quốc thì các nhà máy Việt Nam sẽ cần phải cải tiến hơn nữa trong thời gian tới để đảm bảo tính thân thiện hơn với môi trường.

Dù còn nhiều thách thức, nhưng một tin vui là trong nửa đầu năm nay, tình hình tiêu thụ xi măng có dấu hiệu tăng tốc. Báo cáo của Bộ Xây Dựng cho biết, doanh số bán của ngành là 38,7 triệu tấn, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Viễn cảnh của các doanh nghiệp xi măng vì thế được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong năm nay.

Sơn Nguyễn