Thứ Sáu | 22/11/2013 16:01

VIB trong 9 tháng đầu năm 2012 và 2013: Những hình ảnh trái ngược

VIB đang phải chấp nhận chọn con đường thận trọng: báo lỗ 155 tỷ đồng trong quý III/2013, lợi nhuận 9 tháng đầu chưa bằng 1/10 năm trước.
Năm 2012, lãnh đạo của VIB đã từng khẳng định về chiến lược kinh doanh thận trọng mà VIB chủ động theo đuổi, giảm tốc để tối thiểu hóa những ảnh hưởng tiêu cực cho giá trị bền vững của ngân hàng trong bối cảnh kinh tế hết sức ảm đạm với rất nhiều bất trắc.

Sang đến năm 2013, chiến lược trên vẫn không có gì thay đổi khi bối cảnh kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng còn khó khăn. Tuy nhiên, bức tranh về hiệu quả kinh doanh của VIB trong 9 tháng đầu của năm 2013 lại kém đi đáng kể so với năm 2012.

Quý III lỗ 155 tỷ đồng, 9 tháng lãi chưa bằng 1/10 cùng kỳ năm ngoái
Tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro củaVIB trong quý 3 là 117 tỷ đồng và 9 tháng đạt 801 tỷ. So với cùng kỳ năm ngoái,mức giảm lần lượt là 41,5% và 33,4%.

Báo cáo hợp nhất quý III/2013 của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho thấy, riêng trong quý III, VIB đã lỗ sau thuế hơn 155 tỷ đồng. Tuy kết quả kinh doanh của 2 quý trước đó đã kéo về mức lãi lũy kế 9 tháng đạt 26 tỷ đồng nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, mức lợi nhuận trên chỉ gần bằng 7% số liệu của cùng kỳ năm 2012. Nói cách khác, lợi nhuận sau thuế của VIB trong 9 tháng qua đã giảm hơn 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2012, ngân hàng VIB cũng theo đuổi chiến lược chiến lược kinh doanh thận trọng như 3 quý vừa qua nhưng số liệu lũy kế 9 tháng đầu năm 2012 vẫn đạt mức lãi sau thuế hơn 371 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của VIB không đạt được những mục tiêu đề ra đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trước hết, hoạt động cho vay giảm, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,72% và nguồn thu từ lãi cho vay giảm 23% so với cùng kỳ. Từ đó kéo theo thu nhập lãi thuần chỉ đạt 440 tỷ đồng trong quý III, giảm 23,5% so với cùng kỳ năm 2012 và thậm chí, còn giảm thêm 12% nữa đối với số liệu lũy kế 9 tháng. VIB lý giải việc giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng này do từ bỏ các phân khúc khách hàng rủi ro cao và cơ cấu lại phân khúc khách hàng.

Bên cạnh đó, một hoạt động kinh doanh khác cũng không thuận lợi, đó là mua bán chứng khoán đầu tư. Số liệu trong quý III cho thấy hoạt động này đã khiến cho VIB lỗ gần 20 tỷ đồng. Dù lũy kế 9 tháng đạt lãi 160 tỷ đồng, nhưng vẫn gấp hơn 20 lần so với cùng kỳ năm 2012.

Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ngoại hối gần như chỉ đến trong quý III, khi đem về đến 21 tỷ đồng lợi nhuận, trong khi 6 tháng đầu năm con số đó chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng vẫn thấp hơn 40% so với cùng kỳ.

Điểm sáng trong các hoạt động của VIB đến từ dịch vụ, lĩnh vực này đem về 109 tỷ đồng lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm, tăng nhẹ gần 1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Trích lập dự phòng rủi ro 1153 tỷ đồng

9 tháng đầu năm 2013 con số trích lập dự phòng rủi ro của VIB lên tới 1.153 tỷ đồng, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tiếp tục ghi nhận 775 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2012.

VIB sẽ không phải chịu khoản lỗ trước thuế 202 tỷ đồng trong quý III, bởinếu không có chi phí trích lập dự phòng rủi ro, hoạt động kinh doanh của VIB trong quý 3 vẫn lãi 117 tỷ đồng(thể hiện qua lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng). Thậm chí trong điều kiện như vậy, lợi nhuận trong 9 tháng vẫn đạt 801 tỷ, gấp hơn 30 lần lợi nhuận sau khi trích lập (tổng lợi nhuận trước thuế).

Nếu không đặt khoản trích lập dự phòng lớn, lợi nhuận của VIB thể hiện khá sáng sủa.
Lợi nhuận và chi phí dự phòng rủi ro của VIB trong quý III và lũy kế từ đầu năm đến nay


Trong 9 tháng qua VIB cũng giảm những danh mục tài sản có độ rủi ro cao hoặc khả năng sinh lời thấp. Cụ thể, tại thời điểm 30/9/2013, VIB giảm số dư trái phiếu doanh nghiệp xuống rất thấp 1.686 tỷ đồng.

Một loạt các hoạt động trên được xem đều là then chốt trong công tác quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống vẫn được VIB đặt lên hàng đầu, như Loic Faussier, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Khối quản trị rủi ro VIB đã từng khẳng định.

Bên cạnh việc đã trực tiếp biến kết quả trong quý III từ lãi thành lỗ, việc trích lập dự phòng rủi ro nói riêng cũng như quản trị rủi ro nói chung của VIB cũng mang đến nhiều điểm tích cực.

VIB có chỉ số trích lập dự phòng cao (tăng gấp 10 lần so với năm 2008), tăng an toàn vốn lên mức cao nhất trong ngành ngân hàng (hệ số CAR), nợ xấu luôn đảm bảo dưới mức 3%.
Tỷ lệ nợ xấu dưới 3% có an toàn?

Tổng nợ xấu của VIB tăng nhẹ từ 934 tỷ đồng (1/1/2013) lên 986 tỷ đồng (30/9/2013), chiếm 2,86% trên tổng dư nợ. Tuy nhiên việc tỷ lệ nằm dưới mức 3% có thực sự đem lại an toàn cho VIB hay chưa thì còn cần xem xét.

Đặc biệt, trong số nợ xấu kể trên, nhóm nợ nguy hiểm nhất - nợ có khả năng mất vốn lại chiếm đa số.

Cụ thể, tổng nợ nhóm này là 516 tỷ đồng, chiếm 52,4% tổng nợ xấu. Đối với nhóm nợ trên, theo Quyết định 493 và Quyết định 18 của NHNN, ngân hàng phải trích lập tỷ lệ dự phòng 100% khoản nợ xấu sau khi đã trừ giá trị tài sản đảm bảo.

Chính vì khoản nợ bắt buộc phải trích lập dự phòng 100% chiếm quá lớn trong cơ cấu nợ xấu đã khiến cho con số trích lập dự phòng cũng như chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao trong quý III cũng như 9 tháng đầu năm, qua đó là nguyên nhân chính khiến cho kết quả kinh doanh quý III lỗ sau thuế 155 tỷ đồng và lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm 2013 giảm xuống chưa bằng 1/10 so với cùng kỳ năm ngoái.

Sang quý IV/2013, VIB cho biết Ngân hàng dự kiến tập trung nguồn lực thúc đẩy hoạt động kinh doanh và hy vọng kết quả kinh doanh sẽ khả quan, tránh để thua lỗ kéo dài sang quý thứ hai liên tiếp.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện