VIAC: Tranh chấp có yếu tố nước ngoài tăng nhanh
Phiên tòa giải quyết tranh chấp hợp đồng liên doanh giữa Công ty CP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam và Công ty CP Tạp phẩm và Bảo hộ lao động (Sunprotexim) được đưa ra xét xử lần đầu tiên vào ngày 21.4.2016. Như vậy, phải sau 8 năm, từ năm 2008 đến năm 2016, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội mới hoàn thiện thủ tục tố tụng và đưa vụ án ra xét xử.
Chuyện vụ kiện với thời gian xử lý dài như trên giờ đây không là hữu. Tỷ lệ tranh chấp nội địa có xu hướng gia tăng, một mặt cho thấy tính phức tạp, bất cập của môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, nhưng mặt khác lại khẳng định xu hướng gia tăng sử dụng phương thức trọng tài để xử lý các tranh chấp.
Số liệu từ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho thấy, các tranh chấp có yếu tố nước ngoài được giải quyết tại VIAC tăng nhanh trong năm 2017, chiếm 51% tổng số tranh chấp tại trung tâm, các tranh chấp FDI chiếm 28,48%.
Chỉ tính riêng lĩnh vực đầu tư, những vướng mắc về thuế và quyền sử dụng đất, về các quy định trong Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh… đang những nguyên nhân chính làm gia tăng các vụ tranh chấp.
Đang có 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có doanh nghiệp có tranh chấp được giải quyết tại VIAC. Trung Quốc, Hoa Kỳ, Singapore là những quốc gia có số doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp nhiều nhất.
Trong khi đó, hệ thống tòa án dường như đã quá tải, hiện nay các cơ quan Trung ương chỉ tiếp nhận trung bình mỗi tuần một vụ vướng mắc, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư cả năm 2014 cũng chỉ xử lý được khoảng 72 vụ.
VIAC đã nỗ lực để trở thành địa chỉ tin cậy, giúp các doanh nghiệp bảo toàn các dòng vốn đầu tư khỏi các rủi ro pháp lý luôn có thể gặp phải trong hoạt động làm ăn kinh doanh tại Việt Nam. Thế nhưng, mục tiêu này không phải VIAC muốn là làm được.
Luật sư Ngô Thanh Tùng, thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF), cho biết, việc sử dụng phương thức trọng tài để xử lý tranh chấp là có khó khăn, do cơ chế trọng tài độc lập chưa hoàn toàn được doanh nghiệp đón nhận và “văn hóa tòa án” vẫn được duy trì ở hầu hết doanh nghiệp trong nước.
Với giới kinh doanh doanh nước ngoài, dù đã quen với phương thức trọng tài, nhưng ông Tùng nói, họ vẫn “đắn đo” khi lựa chọn trọng tài và trung tâm trọng tài của Việt Nam, Singapore hay Hồng Kong, để xử lý những tranh chấp tại Việt Nam.
Theo Luật sư Tùng, chỉ khi “doanh nghiệp thay đổi nhận thức”, trọng tài mới có thể được xem là một kênh để giảm bớt gánh nặng cho tòa án trong những lĩnh vực thương mại. Và chỉ khi đó, hệ thống tòa án có thêm thời gian tập trung vào vụ kiện mang tính chuyên sâu.
Với kinh nghiệm lâu năm, vị luật sư này cho rằng, “trọng tài giải quyết vụ việc nhanh hơn tòa án” do chỉ một cấp xét xử và phán quyết trọng tài cũng được thi hành như phán quyết của tòa án. Ông cũng nói “sự linh hoạt” trong sử dụng phương thức trọng tài là nhiều hơn so với tòa án.
Hai điểm quan trọng được Luật sư Tùng lưu ý là “sự can thiệp vào phán quyết trọng tài của tòa án phải hết sức thận trọng”, cũng như “việc thi hành của tòa án phải mang lại hiệu quả”. Theo ông, không thể tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư, nếu việc thi hành phán quyết, của cả trọng tài và tòa án, không được thực thi hiệu quả.
Để môi trường kinh doanh tốt hơn, Luật sư Tùng cho rằng, trọng tài chỉ là một công cụ, còn rất nhiều yếu tố khác như hệ thống pháp luật, sự minh bạch, thái độ của cơ quan công quyền đối với doanh nghiệp, thái độ hỗ trợ của các cơ quan quản lý, cơ quan cấp phép đối với các doanh nghiệp, kể cả văn hóa kinh doanh của người Việt.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), yếu tố quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Tính đến tháng 12.2017, cả nước có 24.748 dự án, với tổng số vốn đăng ký 318,72 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện 172,35 tỷ USD.
Theo quan sát của ông Kevin Kim, Phó Chủ tịch Tòa Trọng tài ICC, những tranh chấp liên quan đến nhà đấu tư nước ngoài đang tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở các quốc gia mới nổi, thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài như Việt Nam.
“Việt Nam là thị trường tiềm năng” cho phương thức trọng tài và đó là lý do từ 5 năm trở lại đây ICC thường xuyên đến Việt Nam, Phó Chủ tịch Toà Trọng tài ICC nói thẳng mục tiêu của mình tại Việt Nam.