Nhà máy thức ăn Vĩnh Hoàn 1 có trụ sở ở Đồng Tháp, là nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản lớn thứ tư tại Việt Nam với công suất 130.000 tấn mỗi năm, chủ yếu là thức ăn dành cho cá tra. Vốn điều lệ của công ty là 100 tỷ đồng. Giá chuyển nhượng của thương vụ là 414 tỷ đồng (tương đương 19,6 triệu USD).
Trong buổi gặp gỡ với nhà đầu tư ngày 12/8, lãnh đạo Vĩnh Hoàn cho biết thương vụ bán nhà máy thức ăn cho đối tác Pilmico International của Philippines đã hoàn tất trong tháng 7/2014 với việc hoàn thành bán 70% cổ phần, 30% còn lại sẽ được thanh toán trong vòng 5 năm. Giá chuyển nhượng của thương vụ là 414 tỷ đồng (tương đương 19,6 triệu USD).
Tiền thu được từ việc chuyển nhượng cổ phần công ty con sẽ được ghi nhận trong kết quả kinh doanh quý 2 và quý 3. Trong quý 2, lợi nhuận từ hoạt động tài chính là 172 tỷ đồng, trong đó 170 tỷ đồng là cổ tức đột biến từ công ty con VHF, tăng đáng kể so với mức 12,3 tỷ đồng cùng kỳ. Do đó mức lợi nhuận sau thuế quý 2/2012 tăng 5 lần so với cùng kỳ đạt 237 tỷ đồng.
Theo giải thích của bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh HoànVĩnh Hoàn, việc bán nhà máy chế biến thức ăn nhằm mục đích tập trung vào ngành kinh doanh chính là nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra cộng với tập trung đầu tư cho dự án collagen, một dự án đã được công ty đầu tư 6 năm nay và nhà máy sản xuất sẽ đi vào hoạt động trong năm 2015.
Sản xuất collagen từ phụ phẩm cá tra được kỳ vọng giúp Vĩnh Hoàn tối ưu hóa giá trị, gia tăng doanh thu và lợi nhuận bởi giá trị xuất khẩu của sản phẩm này cao gấp 8-10 lần so với cá tra.
Vĩnh Hoàn đặt ra mục tiêu có lợi nhuận ngay trong năm đầu tiên sau khi nhà máy Collagen đi vào hoạt động trong năm nay. Nếu thành công, bắt đầu quý IV năm nay, Vĩnh Hoàn có thể thu được lợi nhuận. Theo dự kiến, năm 2015 nhà máy sẽ hoạt động 30% công suất, thu lợi nhuận 28 tỉ đồng. Sang năm 2016 nhà máy sẽ nâng công suất hoạt động lên 50% và lợi nhuận thu về khoảng 62 tỉ đồng và sẽ tăng lên 100 tỉ đồng vào năm 2017.
Trở lại với nhà máy chế biến thức ăn cá tra, Vĩnh Hoàn kỳ vọng giá mua thức ăn từ đối tác nhận chuyển nhượng sẽ thấp hơn và chất lượng hơn do đối tác mới có khả năng tập trung vào R&D để cải tiến công thức chế biến thức ăn.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, giám đốc kinh doanh CTCP Vĩnh Hoàn cho biết đặc trưng của ngành chế biến thức ăn chăn nuôi là khả năng đàm phán để mua nguyên liệu đầu vào với giá thấp của nhà sản xuất. Hai nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn cho cá tra là đậu nành và bột cá.
Pilmico International là một doanh nghiệp lớn, do đó sức mạnh để đàm phán giá cả với nhà cung cấp sẽ tốt hơn. "Vĩnh Hoàn kỳ vọng sẽ mua được nguyên liệu thức ăn với giá rẻ hơn và chất lượng tốt hơn từ đối tác chuyển nhượng", bà Tâm nói.
Giá vốn đầu tư của VHC vào VHF chỉ vỏn vẹn 70 tỷ đồng nhưng được bán với giá 19,6 triệu USD (412 tỷ đồng). Bà Khanh lý giải việc bán được giá VHF cao do thương hiệu thức ăn cá tra của Vĩnh Hoàn đã tạo được uy tín đối với nông dân nuôi cá tra, đối tác mua nhà máy thức ăn sẽ sử dụng thương hiệu của Vĩnh Hoàn để bán cho hộ nông dân và Vĩnh Hoàn đảm bảo việc bao tiêu lượng cá tra của nông dân sử dụng thức ăn đó.
Nguồn Theo DVO