Vì sao việc xóa đói giảm nghèo càng ngày càng khó?
Trong vài thập kỷ qua, có một điều kỳ diệu đã xảy ra trên toàn thế giới: tỷ lệ và số lượng người cực nghèo đã giảm xuống rất nhanh (theo định nghĩa, người cực nghèo là người có mức chi tiêu dưới 1,9 USD/ngày tính theo sức mua tương đương).
Tuy nhiên, đà giảm này sẽ rất khó được lặp lại trong thời gian tới. Điều gì đã xảy ra?
Theo Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, vào năm 1981 thế giới có 1,9 tỷ người cực nghèo, chiếm 42% dân số thế giới. Năm 2013, thế giới chỉ còn 767 triệu người nghèo, chiếm chưa tới 11% dân số.
Nguyên nhân lớn nhất cho hiện tượng này chính là Trung Quốc. Năm 1981, có tới 88% người dân Trung Quốc (bao gồm 96% dân nông thôn của nước này) sống dưới ngưỡng nghèo khổ. Đến năm 2013, chỉ còn 2% người Trung Quốc thuộc diện cực nghèo. Trong nay mai, Trung Quốc sẽ sớm xóa nạn cực nghèo. Tại Đông Nam Á, Indonesia và Việt Nam cũng là những nước rất thành công trong việc cắt giảm đói nghèo.
Như vậy, nhóm người nghèo hiện nay của thế giới hiện tập trung chủ yếu ở Nam Á và đặc biệt là vùng Hạ Sahara ở châu Phi. Năm 2013 đánh dấu lần đầu tiên có hơn một nửa số người nghèo trên thế giới là người châu Phi. Tại những khu vực này, việc triệt tiêu nạn nghèo đói khá là khó khăn.
Các nước Nam Á như Bangladesh và Ấn Độ có tăng trưởng kinh tế khá tốt nhưng lại có hệ thống phúc lợi yếu kém. Châu Phi thậm chí còn không có được vế đầu tiên (tăng trưởng kinh tế), trong khi dân số châu lục này vẫn gia tăng nhanh chóng. Bên cạnh đó, nhiều người nghèo tại châu Phi còn xa mới đạt được mức thu nhập 1,9 USD/ngày. Ngay cả những nước châu Phi đang phát triển khá tốt như Ethiopia và Rwanda cũng sẽ có một lượng lớn người nghèo trong nhiều năm nữa, dù thu nhập bình quân của những nước này đang gia tăng.
Hậu quả rõ ràng nhất nhưng ít quan trọng nhất của sự thay đổi này là thế giới có thể sẽ bỏ lỡ mục tiêu giảm đói nghèo. Trong "các mục tiêu phát triển bền vững" mà Liên Hiệp Quốc đề ra, đầu tiên là phải cắt giảm đói nghèo xuống còn 3% vào năm 2030. Điều này có thể sẽ không hoàn thành được, và khi đó nó dẫn tới hậu quả lớn hơn là sẽ làm đánh mất niềm tin. Một khi cuộc chiến chống đói nghèo, vốn đã diễn ra rất tốt trong những năm qua, bất ngờ bị chậm lại thì nó sẽ dẫn đến một cú sốc lớn.
Nhưng ít ra thì tình trạng đói nghèo tột độ đã bị chặn đứng lại. Nó cũng không còn là một vấn nạn toàn cầu mà chỉ nằm chủ yếu ở Nam Á và châu Phi. Đây là một điều đáng được khích lệ.
Trường Văn
Nguồn The Economist