Thứ Ba | 28/05/2013 14:02

Vì sao vàng không thể là tài sản chống lạm phát?

Nới lỏng định lượng trong thời gian dài có thể lạm phát tăng nhưng giá vàng vẫn giảm.
Nhiều nước phương Tây ra sức nới lỏng định lượng những năm gần đây để kích thích kinh tế - động thái mà theo giới phân tích có thể dẫn đến lạm phát trong tương lai.

Nhà đầu tư từ lâu có ý niệm găm giữ vàng để ngăn ảnh hưởng của lạm phát bởi cho rằng vàng có thể lưu trữ giá trị. Tuy nhiên, theo trưởng bộ phận nghiên cứu của Boost ETP, Viktor Nossek, nhận thức này là sai lầm. Ông này cho rằng, vàng phát huy tác dụng tốt hơn ở môi trường giảm phát.

“Trước kia chúng ta chưa từng nới lỏng tiền tệ như hiện nay và lịch sử của vàng với chức năng tài sản ngừa lạm phát chỉ dựa vào những gì xảy ra những năm 70 và 80 khi có hai cú sốc về giá do nguồn cung dầu giảm”, ông Nossek nói.

“Cú sốc thứ nhất xảy ra vào thời điểm cấm vận dầu mỏ OPEC những năm 70 và cú sốc thứ 2 là cách mạng ở Iran năm 1980. Hai cú sốc này khiến giá vàng tăng mạnh do giá dầu tăng được phản ánh vào CPI. Đó là khi chúng ta mới xóa bỏ bản vị vàng, chính sách của ngân hàng trung ương chuyển theo một hướng mới và tiền tệ được thả nổi thay vì được ấn định như trước đó. Cũng kể từ đó không có giai đoạn nào lạm phát quá cao”, ông Nossek dẫn chứng thêm.

s

Bất chấp chính sách nới lỏng tiền tệ của các nước phát triển, giá vàng giảm mạnh những tháng gần đây, cụ thể giảm gần 12% kể từ đầu năm. Tính chung 3 năm trở lại đây, giá vàng vẫn tăng 11,62% nhưng giảm 22,2% so với mức đỉnh thiết lập tháng 9/2011.

Dựa vào biến động giá vàng trong quá khứ, ông Nossek cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục giảm. Thực tế, tháng 1/1980, giá vàng đạt đỉnh 800 USD/oz, nhưng giảm 70% giá trị trong 2 năm sau đó. Lần giá vàng đạt đỉnh gần đây nhất là hôm 5/9/2011 khi giá vàng lên 1.900 USD/oz và hiện còn 1.300-1.400 USD/oz. Nếu điều chỉnh lạm phát thì giá vàng đã giảm 30%, và có thể tiếp tục giảm thêm.

Ông Nossek cảnh báo, giá vàng mất 14% chỉ trong 1 tuần của tháng 4, giá phục hồi sau đó nhưng sức phục hồi yếu và sắp hết. Các yếu tố chính chi phối giá vàng 2 năm qua như nhu cầu của nhà đầu tư tổ chức có xu hướng giảm khi họ bán dần cổ phần trong các quỹ đầu tư vàng. Trong khi đó nhu cầu vàng vật chất từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn tăng nhưng không hỗ trợ nhiều cho giá vàng.

Chuyên gia phân tích Nossek thậm chí cho rằng, các chương trình nới lỏng định lượng kéo dài sẽ khiến giá vàng giảm bởi nó làm giảm biến động trên thị trường vốn ảnh hưởng đến giá vàng. Theo ông, nhà đầu tư nên quan tâm hơn về giảm phát bởi nó có thể khiến giá vàng tăng bởi khi đó lo ngại về nền kinh tế sẽ tăng và khiến nhà đầu tư trú ẩn vào vàng.

Cổ phiếu chống lạm phát tốt hơn vàng?

s

Trước đó, nghiên cứu các chuyên gia kinh tế tại ngân hàng lớn trên thế giới cũng cho rằng, vàng không thể là tài sản chống lạm phát đáng tin cậy do giá vàng quá biến động.

Theo chuyên gia thuộc Ngân hàng Credit Suisse và Đại học Kinh doanh London của Anh, mặc dù lạm phát không làm giảm giá trị thực của vàng, song dùng vàng như là nguồn dự trữ không đem lại lợi nhuận cũng như không tăng được thu nhập từ tài sản này.

Trong dài hạn, vàng cho lợi nhuận thấp hơn rất nhiều so với cổ phiếu. Ví dụ, trong giai đoạn từ năm 1900, vàng chỉ cho lợi nhuận thực 1,1% tính theo bảng Anh, mặc dù giá vàng luôn dao động lớn.

Trong khi đó, ngay từ đầu thế kỷ 20, các cổ phiếu toàn cầu đã sinh lợi nhuận hàng năm lên tới 5,4% bất chấp lạm phát trong thời gian dài. Tuy nhiên, trong danh mục các tài sản chống lạm phát hiệu quả, vàng được các nhà nghiên cứu xếp vị trí thứ 2 sau cổ phiếu, trên cả kỳ phiếu, nhà ở và trái phiếu kho bạc.

Nghiên cứu cũng khẳng định cổ phiếu là tài sản tốt nhất để chống lạm phát, bởi trong môi trường lạm phát, lợi nhuận danh nghĩa từ cổ phiếu luôn cao hơn.

Cổ phiếu không nhạy cảm đối với lạm phát như trái phiếu. Khi lạm phát trên 18%, giá cổ phiếu mất 12% nhưng trái phiếu mất tới 23%. Trong khi lạm phát trên 10% luôn đi kèm với lãi suất thực của cổ phiếu là 5,2%.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cảnh báo rằng mặc dù cổ phiếu được coi là tài sản tốt chống lạm phát nhưng hiệu quả này cũng có giới hạn. Nếu lạm phát làm giảm quá lớn giá trị thực của trái phiếu và tiền mặt, cổ phiếu cũng không phải một ngoại lệ.

Nguồn BullionStreet, ZeroHedge/Dân Việt


Sự kiện