Bloomberg
Vì sao tỷ lệ thất nghiệp tỷ lệ thuận với giá cả hàng hóa?
Thoạt nhìn, có vẻ như hợp lý khi giả định rằng khi tỷ lệ người có việc làm tại Mỹ tăng lên, thì giá của các loại hàng hóa cũng sẽ tăng theo, vì những người có việc làm sẽ có thu nhập cao hơn để chi tiêu cho các mặt hàng như thực phẩm, năng lượng.
Hơn nữa, dù người Mỹ chiếm chưa tới 5% dân số thế giới, họ tiêu thụ một lượng nguyên liệu thô trên đầu người cao hơn nhiều những nước khác. Theo Dave Tilford của tổ chức môi trường Sierra Club, người Mỹ sử dụng 1/3 sản lượng giấy thế giới, 1/4 lượng dầu, 23% lượng than, 27% nhôm và 19% đồng. Nói cách khác, nước Mỹ có ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu và giá cả hàng hoá toàn cầu.
Theo các số liệu lịch sử 10 năm qua, giữa tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ và giá cả hàng hóa toàn cầu có tồn tại mối quan hệ tỷ lệ thuận. Tuy chỉ số giá hàng hóa S&P Goldman Sachs Commodity Index (GSCI - rổ bao gồm 24 loại hàng hóa) có nhiều biến động hơn tỷ lệ thất nghiệp, nhưng có thể thấy rõ là 2 chỉ số này có xu hướng giống nhau.
Chỉ số hàng hóa GSCI (màu xanh) so với tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ (màu đen). Nguồn: Bloomberg/Trading Economics |
Chỉ số nào dẫn trước, chỉ số nào theo sau? Chắc chắn phải mất một vài năm để đào một mỏ hoặc xây dựng một nhà máy luyện kim, rồi mới tới khâu tuyển dụng công nhân. Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy rằng việc gia tăng giá xăng bình quân tại Mỹ có xu hướng dẫn đến tăng đột biến tỷ lệ thất nghiệp tại nước này trong vòng khoảng 2 năm sau đó. Mặc dù không phải hoàn hảo, mối tương quan này đã cho thấy người Mỹ có thể sử dụng nhận thức của mình về chi phí xăng dầu như một thước đo về tình hình kinh tế 2 năm nữa. Việc giá xăng thấp hôm nay có thể dẫn đến sự lạc quan cho tương lai.
Vậy tại sao lại có quan hệ thuận chiều? Một trong các lý do đó là tăng trưởng kinh tế và tiến bộ công nghệ dẫn đến sự gia tăng tính hiệu quả. Khi nền kinh tế đang phát triển, các nhà sản xuất và các ngành công nghiệp tiêu thụ hàng hóa khác sẽ trải qua một vòng lặp phản hồi hiệu quả (efficiency feedback loop). Khi họ trở nên hiệu quả hơn, họ cần ít nguyên liệu thô đầu vào hơn trong suốt chuỗi cung ứng, cho phép họ huy động vốn để mở rộng lực lượng lao động. Ngày nay, các nhà sản xuất tiêu tốn ít thép và các kim loại nặng khác hơn để sản xuất ô tô và xe tải, và cũng sử dụng ít năng lượng hơn để vận hành những chiếc xe nhờ hiệu quả nhiên liệu. Trong khi đó, lượng năng lượng tái tạo được sản xuất ở Mỹ đang tăng lên cùng với số lượng người sử dụng, tạo áp lực giảm lên giá các nhiên liệu hóa thạch truyền thống.
Nhân tố thứ hai là kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, Mỹ đã có thể đạt được tăng trưởng việc làm thông qua chính sách tiền tệ nới lỏng, đó là những gì Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã thực hiện cho đến quý IV/2016. Theo chính sách này, Fed đã hạ lãi suất xuống mức gần 0, giúp các doanh nghiệp dễ dàng đi vay, mở rộng sản xuất và tuyển thêm lao động. Các nhà sản xuất hàng hoá có thể khoan nhiều giếng dầu, khai thác các mỏ sâu hơn, xây dựng thêm nhiều nhà máy luyện kim và tăng diện tích trồng trọt, tất cả đều kéo theo việc thuê thêm nhân công. Và cùng với việc mở rộng này, lượng cung hàng hóa sẽ lớn hơn, gây áp lực giảm giá như chúng ta đã thấy với dầu thô và ngũ cốc.
Thứ ba, cần phải tính đến tỷ lệ người tham gia lực lượng lao động đang giảm xuống ở Mỹ, cũng như tình trạng nhóm dân số già hóa tiêu thụ ít hơn các nhóm trẻ tuổi hơn. Và cả hai xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp tục.
Sắp tới, mối tương quan theo chiều thuận này có thể sẽ kéo dài, có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp thấp và giá cả hàng hóa yếu trong những năm tới. Chính quyền của tổng thống Donald Trump đang nhấn mạnh đến việc tăng sản xuất nhiên liệu hoá thạch và năng lượng hạt nhân của Mỹ, cũng như tăng sản lượng kim loại và sản lượng nông nghiệp, điều này sẽ giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Ngoài ra, trong khi lãi suất và lạm phát của Mỹ vẫn còn ở mức thấp, những kỳ vọng rằng Fed tiếp tục tăng lãi suất sẽ làm giảm giá thực của hàng hóa. Điều này khuyến khích các nhà máy tăng khai thác ngay từ hôm nay hơn là trong tương lai. Đó là lý do tại sao khi lãi suất tăng, sản lượng quặng sắt và dầu tăng lên. Lãi suất cao hơn khiến các doanh nghiệp không muốn dự trữ hàng hóa, cũng như khuyến khích các nhà đầu cơ chuyển từ nhóm hàng hóa sang các công cụ thu nhập cố định mang lại mức sinh lời cao hơn. Cuối cùng, lãi suất lên cao và kỳ vọng kéo dài đà tăng sẽ làm cho USD mạnh lên, do đó giảm giá các loại hàng hóa, vốn được giao dịch toàn cầu bằng USD.
Tất cả các cơ chế này đã được áp dụng khi lãi suất thực lên cao vào đầu những năm 1980. Việc giảm lãi suất thực có tác động ngược lại - giảm chi phí vận chuyển hàng tồn kho và tăng giá hàng hóa - như trường hợp các giai đoạn 2007-08 và 2010-11.
Ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức rất thấp, cả tiền lương và tốc độ tăng lương đều đang có xu hướng giảm, làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng. Thêm vào đó, tỷ lệ ngân sách chi tiêu cho các chương trình phúc lợi phi y tế của chính phủ Mỹ đang trên đà suy giảm, và sự bất bình đẳng về thu nhập đang tăng lên. Điều này bác bỏ lập luận rằng những người có việc làm sẽ tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn.
Điểm mấu chốt là hàng hóa đã giảm 9% kể từ giữa tháng 2/2017. Các ngân hàng lớn như Goldman Sachs và nhiều công ty khác đã thừa nhận rằng có một số yếu tố không thể tiên đoán. Có lẽ trong tương lai, họ nên tập trung vào tỷ lệ thất nghiệp và các số liệu khác của thị trường lao động ở Mỹ như những chỉ báo về việc giá cả hàng hóa sẽ biến động theo hướng nào.
Mạnh Đức
Nguồn Bloomberg