Vì sao Trung Quốc không còn là nước nhập khẩu bông lớn nhất thế giới?
Vào tuần trước, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa mới đưa ra số liệu rằng trong 1 năm qua, Bangladesh đã nhập khẩu một lượng bông là 5,75 triệu kiện hàng, tăng 6,5% so với năm trước. Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu 5,5 triệu kiện hàng, mức thấp nhất kể từ năm 2003.
Như vậy, Bangladesh đã thay thế Trung Quốc để trở thành nhà nhập khẩu bông lớn nhất trên thế giới.
Xu hướng trái chiều của nhập khẩu bông tại Trung Quốc và Bangladesh |
Kể từ năm 1995 đến 2012, lượng bông nhập khẩu của Bangladesh đã tăng gấp đôi. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết nguyên nhân của hiện tượng này là do ngành may mặc của Bangladesh tăng trưởng mạnh. Kể từ năm 2009, Bangladesh đã trở thành nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ nhì trên thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Ngoài ra, nhập khẩu nguyên liệu bông tại Trung Quốc đang giảm xuống vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong số đó là tình trạng chi phí nhân công tại Trung Quốc đang ngày một tăng lên, khiến nhiều công ty dệt may dời nhà máy ra khỏi nước này. Một lý do khác là tại Trung Quốc cũng đang tồn kho một lượng bông rất nhiều, chiếm phần lớn trong tổng số bông tồn kho toàn cầu là 104,4 triệu kiện, theo số liệu của USDA. Thêm vào đó, Trung Quốc đã hạn chế nhập khẩu bông bằng hình thức đặt ra các mức quota hay lập hàng rào thuế quan.
Trong năm 2015- 2016, số lượng bông mà các nhà máy sản xuất vải tại Bangladesh sử dụng dự kiến sẽ tăng 10%, còn tại Việt Nam thì mức tăng trưởng sẽ lên tới tận 20%, theo số liệu của Ủy ban cố vấn bông quốc tế (ICAC).
Đại diện của ICAC cho biết: "Chính sách phát triển ngành dệt may tại Bangladesh và Việt Nam sẽ dẫn tới sự tăng trưởng về tiêu thụ bông".
Trong năm nay, giá cả hợp đồng tương lai bông tại New York đã tăng 4,5% sau khi sụt giảm 29% vào năm 2014. Việc Bangladesh và Việt Nam đang tăng cường nhập khẩu bông vẫn chưa đủ để bù lại mức sụt giảm của Trung Quốc, chuyên gia thống kê Rebecca Randolph của ICAC nhận định.
Bà Rebecca bình luận thêm: "Mức giá sợi polyester đang ở mức thấp là nguyên nhân khiến cho bông mất dần thị phần và vấn đề này chưa có dấu hiệu gì là sẽ được giải quyết trong thời gian tới".
Đinh Hạnh
Nguồn Bloomberg