Vì sao tổng tài sản của Vietcombank giảm mạnh?
Tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác giảm hơn 45.700 tỷ đồng
Trong 3 ngân hàng lọt Top Global 2000, ngoại trừ BIDV có tổng tài sản tăng ở cả ngân hàng mẹ và hợp nhất các thành viên, Vietinbank và Vietcombank đều có tổng tài sản tại ngày 31/3/2015 giảm so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, tổng tài sản của Vietcombank giảm mạnh hơn Vietinbank cả về quy mô và tốc độ.
Tài sản của ngân hàng mẹ Vietcombank đã giảm hơn 37.711 tỷ đồng, tương đương giảm 6,5% so với thời điểm đầu năm 2015. Với mức giảm gần 38.000 tỷ đồng cổ đông có quyền đặt nghi vấn về việc “tiền”/tài sản đã đi đâu? Hay vì đâu tổng tài sản của Vietcombank “xì hơi” nhanh quá vậy?
Chi tiết bảng cân đối kế toán cho thấy, hoạt động cho vay trên thị trường liên ngân hàng của Vietcombank đã giảm khá mạnh. Cụ thể, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác đã giảm từ mức hơn 88.667 tỷ đồng về mức gần 43.000 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 45.700 tỷ đồng. Trong khi đó cho vay khách hàng tăng hơn 7.000 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, mặc dù tiền gửi của khách hàng tăng hơn 15.000 tỷ đồng, 2 khoản tiền gửi của các tổ chức đã giảm mạnh. Cụ thể, tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác giảm gần 12.000 tỷ đồng, tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước giảm gần 24.000 tỷ đồng.
Những nguyên nhân chính làm tổng tài sản Vietcombank giảm mạnh
Về khách quan, tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước giảm gần 24.000 tỷ đồng qua đó ảnh hưởng đến các khoản cho vay của Vietcombank trên thị trường liên ngân hàng.
Đồng thời, thị trường tiền tệ 3 tháng đầu năm 2015 được đánh giá thanh khoản nội tệ của các ngân hàng khá ổn định, các tổ chức tín dụng (TCTD) không còn khó khăn về thanh khoản để phải huy động vốn với lãi suất cao. Số liệu về cho vay và vay tiền từ các TCTD khác của 3 ngân hàng này cho thấy lượng vốn giao dịch trên thị trường liên ngân hàng giảm. Đây cũng là lý do giải thích vì sao tiền gửi của Vietcombank tại các TCTD giảm hơn 45.700 tỷ đồng.
Về chủ quan, thanh khoản của các ngân hàng ổn định nên đây là cơ hội để các ngân hàng cơ cấu lại tiền gửi. Vietcombank giảm vay và huy động của các TCTD khác đến 12.000 tỷ đồng và tăng huy động tiền gửi từ khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế hơn 15.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm 2015. Thêm vào đó, kỳ hạn tiền gửi của khách hàng cũng được cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng tiền gửi kỳ hạn dài hơn.
Ngoài ra, tiền gửi USD và ngoại tệ khác của Vietcombank đã giảm khoảng 2.000 tỷ đồng. Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2015 cho thấy lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của Vietcombank trong quý I/2015 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng hơn 75% so với quý liền kề trước đó. Giới ngân hàng dự đoán nhiều khả năng Vietcombank đang “dư” ngoại tệ.
Nguồn Bizlive