Thứ Tư | 14/05/2014 20:07

Vì sao tiền đồng Việt Nam bị định giá cao?

Với kỳ gốc tính từ năm 2000, tiền đồng Việt Nam hiện bị định giá thực cao khoảng 20%.
Vài năm gần đây, chủ đề phá giá tiền đồng luôn được các nhà kinh tế và hoạch định chính sách bàn thảo nhiều trên các phương tiện truyền thông.

Dựa trên một số các nghiên cứu công bố trên các tạp chí có uy tín trên thế giới, có thể nhận thấy hầu hết các tác giả đều lựa chọn năm biến số kinh tế vĩ mô khi nghiên cứu về tỷ giá thực:(1) năng suất của nền kinh tế (thu nhập bình quân đầu người); (2) tỷ lệ mậu dịch (giá tương đối của xuất khẩu so với nhập khẩu) (3) độ mở cửa kinh tế (4) nợ nước ngoài ròng và (5) chi tiêu chính phủ. Ngoài các nhân tố trên, khi nghiên cứu đặc thù kinh tế Việt Nam trong thời gian qua chúng tôi đưa thêm ba biến số có tác động đến tỷ giá thực là: (1) đầu tư vào khu vực kinh tế nhà nước (2) chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới (3) kiều hối.

Dưới đây là một số kết quả nghiên cứu chính (do sự hạn chế về khuôn khổ của bài báo nên chúng tôi không trích số liệu minh họa trong các phần nhận định bên dưới).

Theo tính toán của người viết (xem thêm báo cáo của tác giả trong ấn phẩm Triển vọng kinh tế Việt Nam 2014 của trường Đại học Kinh tế TPHCM), với kỳ gốc tính từ năm 2000, tiền đồng Việt Nam hiện bị định giá thực cao khoảng 20% và có mối quan hệ phi tuyến tính với các yếu tố cơ bản của nền kinh tế thay vì tuyến tính như phần lớn các nghiên cứu trước đây ở Việt Nam. Vì sao tiền đồng bị định giá thực cao?
a. Bất hợp lý trong phân bổ thu nhập giữa các giai tầng và giá cả độc quyền

Trong khi thu nhập đầu người của người dân bắt đầu tăng nhẹ trong thời gian qua thì thu nhập bình quân của nhóm 20% người giàu nhất so với nhóm 20% người nghèo nhất đã tăng từ 7 lần lên 8,5 lần. Dễ thấy rằng thu nhập của nhóm 20% người giàu nhất Việt Nam phần lớn chuyển sang đầu tư và chi tiêu trong lĩnh vực tài chính và bất động sản là nguyên nhân làm cho tiền đồng bị định giá thực cao. Hầu như toàn bộ nguồn lực của nền kinh tế tập trung phần lớn vào khu vực bất động sản và chứng khoán chẳng những dẫn đến bong bóng tài sản mà còn kéo theo giá cả hàng hóa của các lĩnh vực khác tăng lên đáng kể.

Lý thuyết kinh tế chỉ có khái niệm hàng hóa phi mậu dịch với ý nghĩa chúng không thể trao đổi xuyên biên giới như bất động sản chẳng hạn. Ví dụ do tình trạng bong bóng bất động sản nên người Việt buộc phải mua nhà với giá thuộc loại đắt nhất thế giới mà không thể sang Thái Lan “nhập khẩu” nhà để tạo sức ép giảm giá nhà trong nước. Trong trường hợp này nếu có phá giá sẽ không giải quyết được vấn đề tiền đồng bị định giá cao do chênh lệch giá trong nước luôn cao hơn nước ngoài.

Lý thuyết kinh tế không có khái niệm hàng hóa gần như phi mậu dịch. Đây là thuật ngữ được chúng tôi sử dụng để ám chỉ tình trạng không giống ai của Việt Nam và hàm ý đến hiện tượng tiền đồng bị định giá cao một cách méo mó. Chúng tôi xếp nhóm hàng hóa độc quyền của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như điện, nước, xăng dầu… thuộc vào loại hàng hóa gần như phi mậu dịch. Lý do là người dân Việt Nam bắt buộc phải tiêu thụ nhóm hàng hóa độc quyền này mà không còn lựa chọn nào khác. Nếu như giá cả nhóm hàng hóa này không bị lũng đoạn bởi các DNNN độc quyền thì các doanh nghiệp thuộc khu vực tư có thể nhập về với giá rẻ để làm giảm giá trong nước xuống.

Tóm lại do giá cả nhóm hàng hóa phi mậu dịch và gần như phi mậu dịch liên tục tăng lên đã làm cho tiền đồng bị định giá cao quá mức, vì vậy, giải pháp phá giá sẽ không thể cải thiện đáng kể sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa nếu như giá cả nhóm hàng hóa phi mậu dịch và gần như phi mậu dịch tăng cùng chiều với thu nhập bình quân đầu người.
b. Chỉ số giá xuất khẩu so với nhập khẩu có xu hướng tăng

Giá tương đối của xuất khẩu so với nhập khẩu tăng lên có nghĩa thu nhập từ xuất khẩu ngày càng được cải thiện và trong một chừng mực nào đó làm cho mặt bằng giá cả hàng hóa của hai khu vực mậu dịch và phi mậu dịch tăng lên.Trong khi giá cả của hàng hóa mậu dịch như quần áo, hàng tiêu dùng và nông sản dễ dàng điều chỉnh giảm theo mặt bằng giá chung của thế giới thì giá cả hàng hóa phi mậu dịch như bất động sản và hàng hóa gần như phi mậu dịch hầu như không thể điều chỉnh. Kết quả này một lần nữa lại làm cho tiền đồng bị định giá cao.

c. Đầu tư khu vực kinh tế nhà nước và chi tiêu chính phủ cao nhưng không hiệu quả

Đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước và chi tiêu chính phủ thời gian qua tập trung vào các DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế. Các doanh nghiệp này chủ yếu là đầu tư đa ngành, vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán làm cho mặt bằng giá chung của nền kinh tế tăng mạnh trong khi thời gian qua tỷ giá được neo giữ tương đối cứng so với đô la Mỹ khiến cho tiền đồng ngày càng bị định giá cao.

d. Kiều hối ngày càng nhiều
Nghiên cứu của chúng tôi khi đưa biến kiều hối vào mô hình nghiên cứu đã khẳng định thêm chứng cứ tiền đồng bị định giá cao là do lượng kiều hối chảy vào nền kinh tế ngày càng nhiều. Thực tế, kiều hối chuyển về nước tính theo số tuyệt đối có xu hướng tăng liên tục từ năm 2000 đến nay, đỉnh cao nhất là vào năm 2011. Mặc dù kỳ vọng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có tác động đến tỷ giá thực nhưng với dữ liệu hiện có chúng tôi vẫn chưa tìm thấy ảnh hưởng của chênh lệch giá vàng đối với tỷ giá thực.

Việc điều chỉnh tăng tỷ giá hay phá giá là giải pháp kinh điển mà bất kỳ ai cũng có thể nghĩ đến đầu tiên để gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, mặt bằng giá cả chung tăng cao trong khi tỷ giá chậm thay đổi làm hàng hóa nội địa mất sức cạnh tranh so với hàng hóa nước ngoài chỉ là triệu chứng. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những yếu tố tác động đến tỷ giá không mang tính chất tuyến tính mà là phi tuyến tính nên tác động của các biện pháp phá giá tiền tệ có hậu quả phức tạp và khó lường.
>>>>> Đọc toàn bài tại đây

Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online


Sự kiện