Vì sao Thủ tướng Anh muốn tổ chức tổng tuyển cử sớm?
Nhiều người thắc mắc vì sao thủ tướng Anh, bà Theresa May, lại kêu gọi tổng tuyển cử dù trước đó bà đã liên tục nói rằng bà sẽ không làm thế. Kể từ khi bà May nắm quyền lãnh đạo Đảng Bảo thủ kể từ tháng 6/2016, bà đã bác bỏ khả nâng này. Và trong thông điệp tại Lễ Phục sinh vào ngày 16/4, bà cho rằng cả nước Anh đang đoàn kết sau sự kiện Brexit. Và bây giờ rốt cuộc bà lại muốn có một cuộc tổng tuyển cử.
Trong bài phát biểu ở phố Downing công bố quyết định kêu gọi tổng tuyển cử, bà May nói rằng: “Dù đã có nhiều cảnh báo trước Brexit về những mối nguy kinh tế và tài chính, kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý năm ngoái, chúng ta vẫn chứng kiến niềm tin tiêu dùng tiếp tục được duy trì ở mức cao, số việc làm lên cao kỉ luc, và tăng trưởng kinh tế vẫn vượt tất cả dự báo.”
Tuy nhiên, điều này đã che lấp đi một số sự thật đáng chú ý về nền kinh tế. Thực tế là nền kinh tế Anh đang có nhiều vấn đề.
Trong quý 1 vừa qua, ngành bán lẻ của Anh, trừ thực phẩm, được cho là có sự sụt giảm mạnh nhất trong gần 6 năm. Lạm phát đang tăng lên, đã vượt mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Anh là 2%, và dự kiến sẽ ở mức cao này trong một thời gian nữa, chủ yếu do sự giảm giá của đồng bảng Anh và giá dầu tăng lên. Xem ra người tiêu dùng đang nhận ra rằng tuần trăng mật hậu Brexit đã qua.
Và họ có lý do để làm thế. Số liệu thị trường lao động mới nhất cho thấy dù số lượng việc làm đang ở mức cao, nhưng lương vẫn không tăng. Lương bình quân tại Anh trong tháng 2 tăng 1,9% so với cùng kì năm ngoái, nhưng không theo kịp đà tăng của giá cả là 2,3%. Điều này có nghĩa là mức sống đang giảm xuống, và xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Cách thông thường để giải quyết khó khăn này là đi vay. Nhưng, nợ tiêu dùng hiện đã ở mức cao đến nỗi Ủy ban Hoạt động Tài chính (FCA) thông báo rằng cơ quan này chuẩn bị rà soát lại toàn ngành bởi vì tỷ lệ nợ tiêu dùng cao có thể là mối hiểm họa cho sự bình ổn tài chính. Dù vậy, FCA có thể không cần phải lo lắng, khi Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) gần đây đã thông báo rằng các ngân hàng Anh đã phản ứng với việc thu nhập của hộ gia đình tại Anh giảm xuống, và trong quý 1/2017 thì tín dụng tiêu dùng đã thắt chặt lần đầu tiên trong 6 năm qua. BOE cũng lưu ý rằng tín dụng tiêu dùng sẽ được thắt chặt hơn nữa trong năm nay. Việc đi vay để bù đắp sự suy giảm về lương sẽ không còn là lựa chọn đối với nhiều người Anh nữa.
Ngoài ra, giá nhà tại Anh đã giảm trong quý 1/2017. Có thể lý luận rằng điều này không có gì đáng lo, và còn có thể là tin tốt cho những ai chưa có nhà ở. Tuy nhiên, việc giá nhà tăng lên từ lâu đã được xem như một chỉ báo đáng tin cậy nhất cho niềm tin tiêu dùng tăng lên. Việc nó đang đi xuống cho thấy điều ngược lại.
Thêm vào đó, dù chính phủ có thể không muốn thừa nhận việc này, nhưng thực tế nước Anh hiện vẫn chịu thâm hụt ngân sách lớn. Thâm hụt ngân sách đã vượt 50 tỷ bảng Anh trong năm tài khóa 2016-217, sẽ tiếp tục gia tăng trong năm tới và không có dấu hiệu gì cho thấy nó sẽ dừng lại.
Như vậy, lý do thật sự đằng sau việc bà May đột ngột thay đổi quan điểm không phải chuyện gì quá lạ lùng. Bà đã thấy được sự thật về nền kinh tế Anh và cho rằng chúng không mang lại một viễn cảnh tốt cho tương lai của bà. Tới năm 2020, nếu bà để cho quốc hội khóa này tiếp tục hoạt động, bà sẽ phải đối mặt với một cuộc bầu cử khó khăn vì khi đó Brexit sẽ khó mà đem lại được những gì nó đã hứa hẹn.
Việc kêu gọi một cuộc bầu cử ngay từ bây giờ, khi mà mọi thứ vẫn có vẻ như vẫn đang ổn thỏa, là lựa chọn tốt nhất của bà May nhằm trở thành một thủ tướng chính thức do dân cử. Xem ra, bà cũng đã mắc bệnh như nhiều chính trị gia khác là thích theo đuổi sự phù phiếm, và nước Anh sẽ phải trả giá.
Bá Ước
Nguồn Yahoo