Vì sao thị trường dầu mỏ bị “ám ảnh” bởi con số 50?
Có một điều khá bí hiểm về giới giao dịch là họ thường rất thích các con số tròn. Vài năm về trước, thị trường dầu thế giới hoạt động xoay quanh mức giá 100 USD/thùng, còn bây giờ con số đó là 50 USD/thùng.
Hôm 27/3, hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie cho thấy rằng các công ty sản xuất dầu đã gia tăng việc phòng vệ (hedge) cho sản lượng 3 tháng cuối năm 2016 với tốc độ cao nhất trong vòng 1 năm, theo số liệu từ 33 nhà sản xuất dầu lớn nhất.
Nguyên nhân dẫn tới làn sóng phòng vệ đó chính là việc giá dầu vượt ngưỡng 50 USD/thùng, sau khi OPEC và các nước sản xuất dầu khác đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng vào cuối tháng 11/2016. Thay đổi này có thể được nhận thấy qua biểu đồ về vị thế bán khống (short position) của các nhà sản xuất dầu tại sàn Nymex, vốn được coi là chỉ báo về số hợp đồng tương lai mà các công ty khai thác và sản xuất dầu (còn gọi là nhóm E&P) đưa ra bán.
Việc cắt giảm sản lượng của OPEC từ tháng 11/2016 đã đẩy giá dầu lên trên 50USD/thùng trong vòng 3 tháng, khiến các công ty E&P tăng cường phòng vệ cho sản lượng tương lai của mình. |
Với các công ty E&P, việc phòng vệ giá nhằm mục đích quản trị rủi ro và “chừa ra một con đường sống”. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong một ngành mà khả năng chi tiêu thường bị phụ thuộc vào việc phát hành mới cổ phiếu hoặc trái phiếu. Việc thuyết phục nhà đầu tư và ngân hàng sẽ dễ dàng hơn khi giá dầu bắt đầu bằng một đầu số “5” hoặc hơn.
Minh chứng cho điều này là mức lợi suất trung bình của nhóm trái phiếu lợi suất cao (còn gọi là trái phiếu rác – junk bond) của ngành năng lượng đã ổn định quanh mức 7,5% trong vòng 2 tháng trước khi cuộc họp của OPEC vào cuối tháng 11. Trong vòng 2 tuần sau đó, khi giá dầu vượt ngưỡng 50 USD/thùng, mức lợi suất này đã giảm hơn 1 điểm phần trăm.
50 vẫn chưa phải là đủ
Bất chấp thực tế là hiệu suất của ngành dầu đá phiến Mỹ đã tăng mạnh gần đây, mức giá 50 USD/thùng vẫn không phải là một con số dễ chịu cho các công ty trong ngành này. Hãy xem xét 5 công ty sản xuất dầu lớn của Mỹ là: Concho Resources Inc, Continental Resources Inc., Energen Corp., EOG Resources Inc. và Pioneer Natural Co. 5 công ty này có tổng sản lượng dầu và khí tương đương 1,24 triệu thùng/ngày trong năm 2016, với 55% trong số đó là dầu thô. Theo số liệu báo cáo tài chính của các công ty này, mức giá thực hiện (realized price) mà họ nhận được cho số dầu đó chỉ là gần 40USD/thùng trước khi phòng vệ, khá là khác biệt so với mức giá trên sàn Nymex. Một khi bạn tính thêm rằng khí thiên nhiên và khí hóa lỏng chiếm 45% sản lượng của các công ty này, mức giá thực hiện mà họ nhận được chỉ đạt bình quân 27 USD/thùng, thấp hơn cả mức giá sau đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009.
Nếu đẩy giá dầu thô thực hiện mà các công ty này nhận được lên 50 USD/thùng thì mức giá thực bình quân cũng chỉ khoảng 33 USD/thùng, có cải thiện đôi chút nhưng cũng chỉ bằng một nửa mức giá thực hiện mà các công ty này nhận được vào năm 2014, trước khi giá dầu bắt đầu tuột dốc không phanh. Như vậy, giá dầu trên thị trường phải lên tới khoảng 65USD thì mức giá thực hiện bình quân mới vượt được ngưỡng 40USD.
Trong tuần trước, giá dầu tương lai trong năm 2018 đã giảm xuống dưới 50 USD/thùng, khiến các nhà sản xuất ngần ngại chạy đua phòng vệ giá. Điều này, có thể khiến đà gia tăng khai thác của các công ty dầu đá phiến chững lại, khiến cho đà tăng sản lượng dầu của Mỹ sẽ suy yếu vào cuối năm 2017.
Giá dầu tương lai trong năm 2018 đã giảm xuống dưới 50 USD/thùng, |
Việc theo dõi giá dầu tương lai năm 2018 khá là quan trọng. Ông Andy McConn, nhà phân tích tại Wood Mackenzie, cho rằng “con số ma thuật” cho năm 2018 có thể là 55 hay 65 USD/thùng. Tại mức giá đó, nhiều công ty E&P có thể đạt được đà tăng trưởng 5-10%. Tất cả những điều trên giúp giải thích tại sao trong tuần trước, cuộc họp của OPEC về việc xem xét quá trình cắt giảm sản lượng không có nhiều tác động tới thị trường. Dầu đã bị bán tháo vào hôm 27/3, do không có thông tin rõ ràng về việc OPEC có thể gia tăng thời hạn cắt giảm sản lượng tới hết năm 2017 hay không.
Nhưng sự thực là nước có ảnh hưởng nhất OPEC là Arab Saudi cũng không muốn đưa tín hiệu rõ ràng về chuyện này. Sản lượng của các nước OPEC đã tăng mạnh trong giai đoạn tháng 9 đến tháng 11/2016, trước khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng có hiệu lực. Do đó, nếu OPEC hứa hẹn sớm về việc gia hạn thỏa thuận ngay từ bây giờ, thay vì đợi đến cuộc họp chính thức vào tháng 5, sẽ khiến nhiều nước thành viên chểnh mảng với việc tuân thủ thỏa thuận, và khiến các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ có thêm nhiều cơ hội để phòng ngừa giá cả.
Vì vậy, Arab Saudi thấy rằng tốt nhất là cứ để cho mọi người không dự báo chắc chắn được những gì sẽ xảy ra tiêp theo. Nhưng liệu Arab Saudi có thể kiểm soát được tình hình như ý họ muốn?
Bá Ước
Nguồn Bloomberg