Vì sao tạm ngừng tạm nhập tái xuất đường qua Lào Cai?
“Lấy đường” cho đường nội địa
Thực hiện Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 05/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương, thời gian qua UBND tỉnh Lào Cai đã công bố 2 cửa khẩu Mường Khương và Bản Vược (Lào Cai) được phép tái xuất hàng hóa kinh doanh TNTX và công bố danh sách một số doanh nghiệp được phép tái xuất mặt hàng đường qua các cửa khẩu này. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cho phép một số doanh nghiệp kinh doanh TNTX đường (đã được tỉnh lựa chọn) được tái xuất qua các cửa khẩu do tỉnh công bố theo quy định.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ Công Thương nhận được công văn của Bộ NN&PTNT, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lào Cai, Hiệp hội Mía đường Việt Nam, một số doanh nghiệp sản xuất, XK đường phản ánh việc cho phép tái xuất mặt hàng đường kinh doanh TNTX qua các cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh Lào Cai có thể gây ảnh hưởng đến XK đường sản xuất trong nước. Bởi lẽ, Lào Cai là cửa khẩu duy nhất mặt hàng đường nội địa được phép XK. Hiện nay, tồn kho của các DN đường tương đối lớn, khoảng 414.000 tấn và việc XK đường tiểu ngạch diễn ra khá chậm dù Bộ Công Thương không hạn chế số lượng XK.
Trước kiến nghị này, Bộ Công Thương đã có công văn 7552/BCT-XNK về việc tái xuất mặt hàng đường kinh doanh TNTX qua cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Cụ thể là Bộ Công Thương đang trao đổi với UBND tỉnh Lào Cai để đánh giá tình hình thực hiện XK đường qua địa bàn và có biện pháp xử lý. Trước mắt, Bộ Công Thương tạm ngừng việc cho phép tái xuất đường qua các cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh Lào Cai, kể cả đối với các DN đã được UBND tỉnh Lào Cai lựa chọn tái xuất qua các cửa khẩu này. Đối với những trường hợp đã được cấp phép trước ngày ký ban hành công văn 7552, DN được tiếp tục thực hiện TNTX theo thời hạn của giấy phép. Cùng với đó, Bộ Công Thương đã tạm ngừng cấp phép hoạt động TNTX đường từ nhiều tháng trước.
Như vậy, việc Bộ Công Thương chấp thuận với đề xuất tạm ngừng TNTX đường qua cửa khẩu phụ của Hiệp hội Mía đường Việt Nam sẽ giúp ngành mía đường trong nước phần nào bớt khó khăn do gánh nặng tồn kho. Bởi việc cho TNTX qua cửa khẩu phụ, nghĩa là tranh giành cửa khẩu mà mặt hàng đường Việt Nam đang xuất tiểu ngạch, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước khi XK đường.
Có lợi ích nhóm?
Khi trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam vẫn tỏ ra “lấn cấn” với công văn 7552 của Bộ Công Thương bởi trong công văn này có thêm một câu “Đối với những trường hợp đã được cấp phép trước ngày ký ban hành công văn 7552, doanh nghiệp được tiếp tục thực hiện TNTX theo thời hạn của giấy phép”.
Lo lắng của Hiệp hội Mía đường Việt Nam xuất phát từ việc không rõ Bộ Công Thương cho phép mấy doanh nghiệp được phép thực hiện TNTX với số lượng bao nhiêu, trong thời gian bao lâu. “Nếu thời hạn và số lượng còn nhiều có nghĩa là, công văn này không có giá trị nhiều. Tuy nhiên, đến nay Hiệp hội chưa xin được danh sách doanh nghiệp được cấp phép TNTX với số lượng và thời hạn bao lâu”, ông Hải nói.
Theo Hiệp hội này, việc một số công ty kinh doanh có giấy phép kinh doanh TNTX, được tái xuất mặt hàng đường qua cửa khẩu phụ đã khiến các công ty mía đường trong nước lo lắng, trong đó không loại trừ khả năng đường TNTX quay lại tiêu thụ trong nước như đã xảy ra trước đây. Khi ấy, việc tiêu thụ đường do các nhà máy trong nước sản xuất trên thị trường nội địa chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Trên thực tế, hoạt động TNTX đường thời gian qua diễn ra với số lượng lớn trên địa bàn cả nước, kéo theo đó là các hành vi lợi dụng hình thức này để buôn lậu và gian lận thương mại…
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ năm 2011 cho đến tháng 6-2013, đã có hơn 100 doanh nghiệp tham gia kinh doanh TNTX đường. Qua kiểm tra, các đơn vị Hải quan địa phương đã phát hiện 102 vụ vi phạm trong TNTX đường.
Nói vậy để thấy rằng, việc cho phép TNTX đường qua cửa khẩu phụ ngoài “chèn ép” đường XK qua cửa khẩu phụ thì khả năng thẩm lậu đường vào nội địa gây khó cho ngành mía đường là rất cao bởi trên thực tế tình trạng này đã từng xảy ra. Việc Bộ Công Thương “nấn ná” cấp phép cho các doanh nghiệp kinh doanh TNTX đường qua cửa khẩu phụ và chưa dừng hẳn (dù Hiệp hội Mía đường đã nhiều lần kiến nghị) khiến dư luận đặt câu hỏi về câu chuyện “lợi ích nhóm” khi thực hiện hoạt động kinh doanh này.
Nguồn Báo Hải quan