Vì sao Samsung nhảy vào logistics?
Lĩnh vực logistics Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Sau thương vụ đầu tư 1,2 tỉ USD xây dựng Cảng Container Quốc tế Hải Phòng của tập đoàn Nhật Mitsui O.S.K. Lines thì mới đây, tập đoàn Hàn Quốc Samsung cho biết sẽ tham gia vào lĩnh vực hàng không Việt Nam. Theo đó, thành viên chuyên về dịch vụ kho vận của Tập đoàn là Samsung SDS sẽ liên doanh với đối tác trong nước là Công ty Cổ phần Logistics Hàng Không (ALS) để quản lý nhà ga hàng hóa tại sân bay Nội Bài, một trong hai sân bay đón nhận lượng lưu chuyển hàng hóa lớn nhất Việt Nam (cùng với sân bay Tân Sơn Nhất).
Cơ cấu vốn trong liên doanh không được tiết lộ cụ thể. Nhưng Samsung cho biết sẽ phụ trách phần dịch vụ logistics, bao gồm vận chuyển trong nước và quốc tế, kho bãi và khâu thủ tục hải quan. ALS sẽ đóng góp từ mạng lưới khách hàng nội địa.
Có vẻ như Samsung đang nhìn thấy cơ hội từ thị trường Việt Nam nhờ hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc đã có hiệu lực, cũng như nền kinh tế đang tăng trưởng khá ấn tượng trong tương quan so sánh với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Được biết, liên doanh với ALS là thương vụ hợp tác thứ hai của Tập đoàn Samsung tại Đông Nam Á sau vụ hợp tác với công ty giao nhận lớn nhất của Thái Lan là Acutech mới đây.
Ngoài lĩnh vực hàng không, Samsung còn ngắm nghía các dự án về vận tải và năng lượng khác tại Việt Nam như dự án nhiệt điện Vũng Áng 3, nhà máy đóng tàu tại Khánh Hòa cũng như chuẩn bị đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội… Tổng vốn đầu tư của các dự án dự kiến lên đến 20 tỉ USD. Nếu cộng với các dự án đã triển khai trước đó thì Samsung đã vượt qua Formosa (Đài Loan) để trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam là 1 trong 7 thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới giai đoạn 2014-2017. Trong khi lưu lượng hành khách tăng với tốc độ hai con số thì nhu cầu vận chuyển hàng hóa thông qua các cảng hàng không dự kiến cũng sẽ tăng đến 15-20% mỗi năm.
Bên cạnh thị trường trong nước, nhu cầu vận chuyển hàng hóa còn đến từ các quốc gia Đông Nam Á khác khi Cộng đồng kinh tế chung ASEAN đang triển khai có tiềm năng biến Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và phân phối hàng hóa cho cả khu vực.
Trong 7 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã lên đến 12,94 tỉ USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó Hải Phòng và Hà Nội thu hút nhiều vốn nhất.
Chỉ tính riêng trong năm 2014, khoảng 25% lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã được vận chuyển qua đường hàng không và tỉ trọng này sẽ ngày càng tăng lên trong các năm tới. Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, đến năm 2020 các cảng sẽ phục vụ cho 113 triệu lượt hành khách cùng 2,8 triệu tấn hàng hóa.
Samsung SDS sẽ liên doanh với ALS để quản lý nhà ga hàng hóa tại sân bay Nội Bài. Ảnh: phimcachnhiet.com.vn |
Với triển vọng xán lạn này, việc đầu tư vào nhà ga hàng hóa sân bay Nội Bài của Samsung khá hợp lý. Bên cạnh đó, việc “có phần” tại một trong những trung tâm vận chuyển hàng hóa lớn nhất của Việt Nam còn giúp chuỗi cung ứng linh kiện điện tử và xuất khẩu các lô điện thoại của Tập đoàn Samsung từ Bắc Ninh, Thái Nguyên được đảm bảo đúng thời gian, chất lượng và giúp tiết giảm được chi phí. Chỉ tính riêng năm 2015, một mình Samsung đã chiếm đến 20% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam với 32 tỉ USD.
Dĩ nhiên, sự xuất hiện của Samsung ở thị trường kinh doanh hàng không, hay Mitsui O.S.K. Lines trên lĩnh vực kinh doanh cảng biển sẽ khiến một số doanh nghiệp trong nước lo âu, trong đó có Gemadept, một trong những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics lớn nhất Việt Nam. Mối quan ngại này là có thực, khi năng lực tiếp nhận hàng hóa cùng mạng lưới giao nhận kết nối toàn cầu của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn kém khá xa so với các tập đoàn nước ngoài.
Điều này phần nào được thể hiện trên thực tế, khi 6 tháng đầu năm nay, Gemadept ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan với mức giảm 7% lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước. Một điểm sáng của Gemadept là lợi nhuận từ mảng kinh doanh hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất tăng đến 112% nhờ lượng vận chuyển tăng mạnh và có thêm các khách hàng mới như hãng hàng không Malindo Air, Cathay Pacific, Air Hong Kong, Air New Zealand.
Nhưng đó cũng chính là điều mà các cổ đông của Gemadept lo ngại, bởi trong khi thị trường hàng không có sự tham gia của các ông lớn thì Gemadept vẫn chưa thấy các động thái đầu tư tương xứng, thậm chí còn bị vướng vào một số khoản đầu tư thiếu hiệu quả như trồng cao su.
Tính đến cuối năm 2015, Gemadept đã đầu tư đến 1.351 tỉ đồng vào dự án trồng rừng cao su tại Campuchia. Dự án bao gồm 30.000 ha đất trồng rừng cao su, trong đó 10.000 ha đã được gieo trồng, tức Công ty sẽ phải tiếp tục tốn thêm hàng ngàn tỉ đồng nữa để trồng hết diện tích đất được giao.
Cũng giống như trường hợp của Hoàng Anh Gia Lai, một số người đang tự hỏi liệu dự án cao su này có mang lại suất sinh lợi tốt, trong bối cảnh giá cao su thế giới vẫn đang ở mức đáy và chưa biết bao giờ sẽ phục hồi? Và Gemadept sẽ làm gì trước mối đe dọa từ sự gia nhập ngành của Samsung?
Trong một diễn biến khác, mới đây, cổ đông lớn của Gemadept là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh tư vốn nhà nước (SCIC) đã quyết định thoái toàn bộ vốn (8,42%) khỏi Công ty.
Sơn Nguyễn