Vì sao REE thích ngành điện?
Mặc dù nguyên nhân chính là do thay đổi cách ghi nhận lợi nhuận từ công ty liên kết (theo quý thay vì mỗi 6 tháng như trước đây), nhưng kết quả trên cũng khiến thị trường hoài nghi về tính hiệu quả các khoản đầu tư của REE hiện nay.
Danh mục các công ty liên doanh liên kết đang chiếm gần phân nửa tài sản của REE tại thời điểm cuối năm 2013. Nổi bật trong số đó là 5 công ty điện, 2 công ty than và 4 công ty nước. Tổng giá trị sụt giảm lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết của REE trong quý I năm nay so với năm ngoái là khoảng 200 tỉ đồng.
Chính sự thay đổi trong chính sách của ngành điện và than đang tạo ra những gam màu tương phản trong bức tranh lợi nhuận của các công ty liên kết trong ngành này của REE.
Thực vậy, trong khi Nhiệt điện Ninh Bình (NBP) ghi nhận mức giảm 35% lợi nhuận sau thuế trong 3 tháng đầu năm, các công ty thủy điện như Thủy Điện Thác Bà (TBC) hay Thủy Điện Thác Mơ (TMP) và các công ty than lại có lợi nhuận tăng ấn tượng.
Đáng chú ý, Nhiệt điện Phả Lại (PPC), khoản đầu tư lớn nhất của REE cho đến nay, chính là trái đắng của mùa này khi thu nhập thuần sau thuế quý I giảm 76%, tương đương khoảng 740 tỉ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái. Với việc nắm 20% cổ phần tại PPC, lợi nhuận của REE bị giảm tương ứng khoảng 145 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đáng nói là kết quả lợi nhuận của PPC trong năm ngoái chủ yếu đến từ việc đồng yen yếu đi. Năm nay, do giá trị đồng yen được giữ ổn định nên doanh thu hoạt động tài chính đã giảm đáng kể (vì không còn được hưởng lợi từ chênh lệch tỉ giá như năm trước).
Như vậy, có thể nói tình hình hoạt động của các công ty trong danh mục của REE nhìn chung vẫn ổn định.
Chiến lược khôn ngoan
REE là doanh nghiệp quốc doanh đầu tiên cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán với mảng kinh doanh cốt lõi là cơ điện lạnh, nhưng hiện tại, hơn 2/3 tài sản của REE đang được đầu tư vào bất động sản và các công ty liên doanh liên kết ngành điện, nước và than.
Thắng lớn trong khoản đầu tư vào cổ phiếu Sacombank năm 2011, cùng lượng tiền mặt dồi dào từ việc bán cổ phiếu quỹ cho một đối tác nước ngoài, REE đã bắt đầu dồn tiền vào các công ty ngành cơ bản, vốn là sân chơi của các “ông lớn” nhà nước.
Vậy đâu là nguyên nhân đằng sau chiến lược này? Phải chăng REE đã có sẵn kế hoạch định vị mình trong một thị trường điện cạnh tranh trong tương lai?
Cũng cần nói thêm Hội đồng Quản trị của REE hiện được dẫn dắt bởi những gương mặt gạo cội. Đó là bà Nguyễn Thị Mai Thanh, vị nữ Chủ tịch được thị trường đánh giá cao bởi sự cởi mở và tinh thần cấp tiến, cùng Dominic Scriven, nhà sáng lập Dragon Capital, công ty quản lý quỹ với quy mô tài sản thuộc hàng lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp này đang hướng REE trở thành một tập đoàn sở hữu đa ngành dưới mô hình “holdings”, trong đó lấy nhóm ngành cơ bản điện - than - nước làm trọng tâm.
Chiến lược đầu tư vào nhóm ngành cơ bản của REE cho thấy tầm nhìn xa của ban lãnh đạo công ty này. Ngành năng lượng sớm muộn cũng sẽ cần một thị trường cạnh tranh với sự tham gia của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh khi mà nguồn lực của Chính phủ sẽ không còn đủ để trợ cấp cho ngành.
Nhu cầu về điện của Việt Nam là rất lớn để có thể đáp ứng tốc độ tăng trưởng nhanh của nền kinh tế. Năm 2013, thiếu điện là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam rớt từ hạng 90 xuống hạng 99 trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh về môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới công bố.
Theo ước tính, từ nay đến năm 2030, sản lượng điện mà Việt Nam cần sẽ tăng từ 22.000 MW lên 146.000 MW, tức khoảng 12%/năm để đáp ứng nhu cầu phát triển. Nguồn lực cần huy động để đầu tư tương ứng là 123 tỉ USD, một con số quá lớn so với ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, giá điện ở Việt Nam thuộc vào hàng thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á nhờ sự trợ cấp của Chính phủ. Thủy điện với giá thành rẻ đóng góp khoảng 44% tổng lượng điện sản xuất so với mức 35% của điện chạy khí gas và 18% của điện chạy than. Do đó, Nhà nước vẫn phải trợ cấp giá điện gián tiếp qua việc kiểm soát giá than và giá khí đầu vào. Các công ty than đã phải bán than cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với giá thấp so với giá thành sản xuất.
Thế nhưng, điều này đang dần thay đổi. Từ đầu năm đến nay, giá than tiếp tục được điều chỉnh tăng từ 4-10% tùy mặt hàng, sau mức tăng giá mạnh của năm trước. Bức tranh lợi nhuận của các công ty than nhờ đó cũng được cải thiện.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), chẳng hạn, đã thấy màu hồng sau một thời gian dài chịu lỗ. Sau khi hợp nhất kết quả kinh doanh từ 8 công ty con, Vinacomin đã ghi nhận mức lãi 3.000 tỉ đồng trong năm 2013, nhờ mức điều chỉnh tăng giá 27% và 14% lần lượt vào tháng 3 và tháng 8 năm ngoái. Triển vọng của ngành than được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc.
Những công ty than liên kết của REE cũng được hưởng lợi từ bức tranh khởi sắc chung của ngành, thể hiện qua kết quả kinh doanh khả quan trong quý I vừa qua.
Tương lai ngành điện
Ngành điện đang tăng tốc trên lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh qua 3 giai đoạn. Năm 2012, giai đoạn 1 với thị trường phát điện cạnh tranh đã được hình thành, trong đó EVN là đơn vị mua độc quyền điện từ các công ty sản xuất điện. Giá điện sẽ được tính sao cho đảm bảo mức ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) khoảng 10-20% cho các công ty con của EVN. Đối với các công ty ngoài EVN, mức giá mua điện sẽ đảm bảo một tỉ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu cao hơn mức lãi suất trái phiếu chính phủ là 3%.
Các công ty điện trong danh mục của REE đều là những công ty con của EVN, vốn đang được hưởng mức ROE tương đối hấp dẫn này.
Giai đoạn 2 từ năm 2015-2022, thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ được tạo lập. Khách hàng lớn và các công ty phân phối được quyền mua điện trực tiếp từ các đơn vị phát điện thông qua thị trường hoặc từ các đơn vị bán buôn. Các đơn vị bán buôn mua điện từ các đơn vị phát điện và bán điện cho các nhà phân phối và khách hàng lớn.
Đó là bức tranh tương lai của ngành điện mà REE đang trông chờ. Trong một diễn biến mới nhất, ngày 26.5, REE đã mua 12,5 triệu cổ phiếu TBC của Thủy Điện Thác Bà bằng phương thức giao dịch thỏa thuận, nâng khối lượng cổ phiếu nắm giữ tại công ty thủy điện này lên gần 37 triệu đơn vị, tương đương tỉ lệ sở hữu 58,14%. Động thái trên càng cho thấy quyết tâm đầu tư vào ngành điện của REE. Việc tạo chỗ đứng sâu rộng trong các công ty trong ngành sẽ gia tăng vị thế ngã giá của REE trong một thị trường bán buôn điện cạnh tranh trong tương lai.
Nếu theo đúng lộ trình, một thị trường điện cạnh tranh thực sự sẽ ra đời từ năm 2022 trở đi. Với tên gọi “thị trường bán lẻ điện cạnh tranh”, sự cạnh tranh diễn ra ở cả 3 khâu: phát điện, bán buôn và bán lẻ điện. Khách hàng trên cả nước được lựa chọn đơn vị bán điện cho mình (đơn vị bán lẻ điện) hoặc mua điện trực tiếp từ thị trường. Các đơn vị bán lẻ điện cũng cạnh tranh mua điện từ các đơn vị bán buôn, đơn vị phát điện hoặc từ thị trường để bán lẻ cho khách hàng sử dụng điện.
Với viễn cảnh này, REE sẽ vừa có thể là nhà sản xuất điện, nhà cung cấp nhiên liệu cho ngành điện vừa có thể là nhà bán buôn, đồng thời là khách hàng lớn. Sự chủ động về mặt năng lượng cho ngành kinh doanh cốt lõi sẽ được đảm bảo và vị thế đàm phán của REE trong ngành điện cũng sẽ được củng cố.
Sự quyết tâm của Chính phủ và sức ép của dư luận đang giúp quá trình minh bạch thị trường điện trở nên nhanh chóng hơn. REE đang và tiếp tục củng cố mạng lưới sở hữu sâu rộng trong ngành này. Phải chăng REE đang đánh cược vào tương lai minh bạch của ngành điện? Dù câu trả lời là gì đi nữa, chắc chắn những trái đắng trong ngắn hạn sẽ không thể làm chùn lòng một người phụ nữ có tầm nhìn và quyết tâm như bà Mai Thanh.
Nguồn NCĐT