Vì sao REE bị loại khỏi danh mục các quỹ ETF?
Trong kỳ xem xét giữa năm 2012, cả hai quỹ đầu tư chỉ số đều công bố loại REE khỏi danh mục. Họ sẽ bán ra toàn bộ 12 triệu cổ phiếu REE đang nắm giữ trước khi danh mục mới có hiệu lực vào ngày 18/6.
Trước thời điểm review, Market Vectors Vietnam ETF (VNM) nắm giữ 1,45 triệu cổ phiếu, tương đương 0,36% giá trị tài sản quỹ. Quỹ FTSE Vietnam Index ETF (FTSE) ước tính nắm giữ khoảng 11 triệu cổ phiếu REE, chiếm 2,3% giá trị danh mục tại ngày 25/5
Lý do FTSE loại REE ra khỏi danh mục là do tại thời điểm xem xét lại danh mục các cổ phiếu trong chỉ số, tỷ lệ room còn lại dành cho nhà đầu tư nước ngoài của REE đã xuống dưới 2% (tỷ lệ tối thiểu để duy trì cổ phiếu trong rổ chỉ số). Điều tương tự có thể cũng được áp dụng tại quỹ VNM.
Quỹ FTSE cũng quy định sẽ đưa cổ phiếu trở lại danh mục nếu tỷ lệ room còn lại tăng lên trên 10%. Điều này trên thực tế sẽ khó diễn ra trong ngắn hạn do tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại REE từ trước đến nay luôn ở mức cao, hiện là 47,97% (thời điểm xem xét là 48,2%).
Cổ phiếu giảm mạnh sau khi bị loại khỏi danh mục chỉ số
Hai quỹ ETF đã hoạt động khá lâu trên TTCK Việt Nam, VNM (2009) và FTSE (2008), tuy nhiên chỉ đến khi giá trị tài sản các quỹ này tăng mạnh năm 2011 thì các kỳ review mới được giới đầu tư tại Việt Nam chú ý.
Vào tháng 9/2011, sau khi FTSE Vietnam Index ETF công bố loại bỏ FPT và HSG đồng thời thêm MSN và IJC vào danh mục, cả 4 cổ phiếu này đều biến động rất mạnh. FPT đã giảm 15% từ mức giá 56.000 xuống 47.700 đồng/cổ phiếu còn HSG giảm 16% từ 10.800 về 9.100 đồng/cổ phiếu.
Ngược lại IJC đã tăng rất mạnh (71%) từ 7.900 lên 14.100 đồng/cổ phiếu chỉ sau 19 phiên giao dịch, MSN cũng tăng đến 46% từ 112.000 lên 164.000 đồng/cổ phiếu.
Trong các kỳ review sau đó, các cổ phiếu được thêm vào đều tăng mạnh như PNJ (tháng 12/2011), STB (tháng 3/2012) và giảm mạnh đối với cổ phiếu bị loại bỏ như QCG (giảm 32%, tháng 3/2012) và ITC (giảm 26%, tháng 12/2012).
Lợi nhuận của REE
Từ ngày 1/6 đến nay, khối ngoại đã bán ra 2,9 triệu cổ phiếu REE và cũng mua vào 1,8 triệu đơn vị. Giá cổ phiếu REE ổn định ở mức 15.500 đến 16.200 đồng/cổ phiếu trong hơn 1 tuần qua với thanh khoản trung bình khoảng 1 triệu đơn vị/phiên.
Nếu toàn bộ số cố phiếu bán ra do các quỹ ETF thực hiện thì số cổ phiếu còn lại khoảng 9 triệu. Thông thường các quỹ ETF sẽ bán mạnh hơn khi càng đến gần ngày danh mục mới chính thức được áp dụng, do đó REE có thể biến động mạnh hơn.
Mặc dù vậy, không phải các quỹ ETF mà triển vọng lợi nhuận của REE mới chính là yếu tố sẽ quyết định xu hướng giá cổ phiếu này trong nửa cuối năm nay sau khi đã tăng 70% trong 6 tháng đầu năm.
Năm 2011, mảng kinh doanh lõi M&E và Reetech chiếm phần lớn doanh thu (80%) nhưng mảng bất động sản và đầu tư ngoài ngành mới mang lại lợi nhuận lớn cho REE (78%). Trong khi mảng kinh doanh lõi và cho thuê bất động sản tạo ra lợi nhuận ổn định trong 3 năm qua thì lợi nhuận từ đầu tư ngoài ngành của REE phụ thuộc vào diễn biến thị trường và chiến lược đầu tư (thoái vốn).
Đầu năm 2012, REE đã thoái vốn khỏi STB và ghi nhận một khoản lợi nhuận khoảng hơn 224 tỷ đồng trước thuế. Kết quả này có thể giúp REE hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm (EPS 2012 khoảng 2.400 đồng). Tuy nhiên REE sẽ phải đối mặt với thách thức duy trì tăng trưởng EPS trong các năm tiếp theo nếu các khoản đầu tư ngoài ngành không tạo ra lợi nhuận tương tự.
Ngoài ra REE đầu tư hơn 1.100 tỷ vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, chủ yếu là các nhà máy điện, nước. Các khoản đầu tư này chỉ mang lại mức lợi tức trên vốn (ROE) dưới 10% trong hai năm qua do các dự án này đang trong giai đoạn đầu chưa tạo ra lợi nhuận.
Nguồn CafeF