Vì sao Phân bón Bình Điền tụt dốc?
Quý III/2018, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền thu về 1,661 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng gần 6,8%.
Tuy nhiên, lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ chỉ là 47 tỉ đồng, sụt giảm 17% so với kết quả cùng kỳ năm 2017. Điều gì đang khiến cho Bình Điền sụt giảm kinh doanh quá nhiều so với những năm trước?
Ảnh hưởng chung từ thị trường
Đầu tiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ngay từ đầu năm, dự đoán sẽ là một năm tiếp tục đối diện với những khó khăn hiện hữu từ biến đổi khí hậu, sự cạnh tranh không lành mạnh và tình trạng hàng giả hàng nhái chưa được xử lí dứt điểm trên thị trường.
Bên cạnh đó, việc áp thuế phòng vệ đối với mặt hàng DAP nhập khẩu có thể tạo áp lực lên khả năng duy trì biên lãi của Công ty. Tuy vậy, với thế mạnh thương hiệu cùng kinh nghiệm lâu năm của một nhà sản xuất phân bón trên thị trường, BFC kỳ vọng hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sẽ tiếp tục được duy trì ổn định trong năm 2018.
Cụ thể, Đại hội cổ đông đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh hoạt động năm 2018 với doanh thu hợp nhất đạt 6,345 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 425 tỉ đồng. Các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận chỉ có sự sụt giảm nhẹ so với thực hiện năm 2017.
Trong khi đó, các chỉ tiêu sản lượng có sự tăng trưởng nhẹ so với năm 2017. Sản lượng sản xuất kế hoạch năm 2018 đạt 690.000 tấn, tăng trưởng 0.6% và sản lượng tiêu thụ kỳ vọng đạt 690.000 tấn, tăng trưởng 1% so với thực hiện năm 2017.
Lý giải cho sự sụt giảm mức cổ tức mục tiêu của năm 2018, Hội đồng cổ đông của BFC cho biết năm 2018 BFC sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các dự án đầu tư sản xuất. Do đó nguồn lợi nhuận sau thuế lũy kế sẽ được giữ lại một phần để đầu tư cho các dự án xây dựng trọng điểm.
Cụ thể, hoạt động đầu tư sẽ được đẩy mạnh với trọng tâm là dự án “Đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm NPK tại Nhà máy phân bón Bình Điền – Long An công suất 200.000 tấn/năm”.
Dự án này dự kiến được triển khai từ quý 3.2018. Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp Công ty đáp ứng kịp thời và nhanh chóng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường, thúc đẩy chiến lược duy trì vị thế hàng đầu trong ngành phân bón giai đoạn 5 năm sắp tới và gia tăng tính cạnh tranh theo chiều sâu cho BFC trong dài hạn.
Tài chính giảm sút
Về mặt chỉ tiêu tài chính, năm 2018, Công ty đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất và lãi ròng lần lượt là 6,345 tỉ đồng và 295 tỉ đồng, gần như đi ngang so với năm trước đó. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2018, Công ty báo lãi ròng lũy kế gần 154 tỉ đồng.
Với kết quả kể trên, Công ty chỉ mới thực hiện được gần 53% kế hoạch năm 2018. Việc BFC tạm ứng cổ tức với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt sau 9 tháng, Công ty chỉ mới đi được phân nửa chặng đường kế hoạch lợi nhuận của năm.
Số tiền chi trả dự kiến là hơn 114,3 tỉ đồng. Cổ tức sẽ được chi trả trong quý IV/2018. Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng là ngày 11.12.2018 và ngày thực hiện chi trả là ngày 20.12.2018.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2018, cổ đông của BFC đã nhất trí thông qua phương án kinh doanh của Công ty với tỷ lệ chia cổ tức là 25%. Như vậy, chiếu theo kế hoạch thì sau đợt tạm ứng sắp tới, Công ty sẽ còn thực hiện 1 lần chi trả cổ tức nữa với tỷ lệ tối thiểu là 5%.
Năm 2018, hoạt động mở rộng thị phần tại các thị trường nước ngoài tiếp tục được BFC đẩy mạnh. Hiện tại BFC đang chiếm lĩnh nhiều thị phần tại thị trường Campuchia với sản lượng phân bón xuất khẩu hơn 80 nghìn tấn.
Với nhu cầu tiêu thụ khả quan trong khu vực, BFC sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội, gia tăng thị phần tại các thị trường tiềm năng khác như Myanmar và Thái Lan.
Đây đều là các thị trường có nhu cầu tiêu thụ phân bón ở mức cao xuất phát từ sự tăng trưởng cao của ngành nông nghiệp nội địa của các quốc gia này.