Thứ Bảy | 07/06/2014 10:42

Vì sao nợ xấu của VPBank tăng mạnh?

Trong 3 năm gần đây, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) bất ngờ tăng nhanh từ 1,82% lên 2,81%.
Số nợ xấu trên các báo cáo tài chính, nhất là nợ có nguy cơ mất vốn, đã tăng gấp đôi, khiến ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Vừa hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 6.347 tỷ đồng, VPBank hiện đang nằm trong nhóm các ngân hàng TMCP quy mô vừa, nhưng có tốc độ tăng trưởng nhanh, lợi nhuận vượt trên nghìn tỷ. Tuy nhiên, vấn đề nợ xấu gia tăng nhanh thời gian qua đang phần nào hạn chế khả năng cấp tín dụng, hiệu quả kinh doanh, phát sinh rủi ro…

Bán bao nhiêu nợ xấu cho VAMC?

Còn nhớ, tại Đại hội cổ đông năm 2012, cổ đông chiến lược là Ngân hàng Oversea Chinese Banking Corporation Ltd (OCBC) đã rất lo ngại khi Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng VPBank nâng chỉ tiêu nợ xấu lên mức "kiềm chế dưới 3%". Chỉ tiêu này được đánh giá là quá cao so với tỷ lệ 1,82% của năm 2011.

Khi ấy, lãnh đạo VPBank giải thích ngắn gọn rằng hoạt động ngân hàng gặp nhiều khó khăn cũng là xu hướng chung của hệ thống ngân hàng và nợ xấu bình quân của ngành tăng cao nên cần điều chỉnh tăng tỷ lệ nợ xấu của năm 2012. Thế nhưng, giải thích này cùng diễn biến nợ xấu sau đó đã chẳng thể "xoa dịu" cổ đông.

Đến cuối năm 2012, tỷ lệ nợ xấu từ nhóm 3 - 5 của VPbank bất ngờ tăng vọt lên mức 2,71% tổng dư nợ, tương ứng 1.003 tỷ đồng. Riêng nợ nhóm 5, có nguy cơ mất vốn, vẫn còn khá khiêm tốn là 191 tỷ đồng.

Năm 2013, nợ xấu của VPBank đáng ngại hơn khi tiếp tục tăng lên, đạt hơn 1.474 tỷ đồng, chiếm gần 2,81% tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi so với cuối năm 2012, lên mức 405 tỷ đồng. Điều này đã khiến ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng thêm 129,7 tỷ đồng, lên mức 386,2 tỷ đồng (cuối năm 2013).

Theo báo cáo tài chính quý I/2014, nợ xấu đã nhích lên mức 1.573 tỷ đồng, chiếm 2,9% tổng dư nợ. Đáng chú ý, so với cuối năm 2013, nợ nhóm 5 đã tăng thêm 366 tỷ đồng, lên 771 tỷ đồng (chiếm 1,42% tổng dư nợ). Nhưng biến động dự phòng chung cho vay khách hàng lại chỉ tăng nhẹ 3,4 tỷ đồng, lên 389,6 tỷ đồng (!?)

Để "dọn dẹp" nhanh nợ xấu khỏi sổ sách, nhiều ngân hàng chọn giải pháp bán nợ cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), nhận về trái phiếu đặc biệt (tỷ lệ chiết khấu tối đa 80% giá trị trái phiếu).

Năm 2013, VPBank cũng nằm trong diện các ngân hàng phải "xếp hàng" chờ VAMC mua giúp nợ xấu. Dù không tiết lộ số nợ xấu đã bán đi, song các báo cáo tài chính cho thấy, đến cuối năm 2013, VPBank đã nắm giữ gần 636,7 tỷ đồng trái phiếu do VAMC phát hành.

Theo thuyết minh, đây là khoản trái phiếu được VAMC thanh toán cho các khoản nợ xấu đã mua của VPBank. Giả sử, tỷ lệ chiết khấu bình quân trên trái phiếu là 70%, thì số nợ xấu mà ngân hàng bán được là khoảng hơn 900 tỷ đồng.

Trong quý I/2014, VPBank tiếp tục bán nợ xấu cho VAMC, thu về số trái phiếu có giá trị hơn 46,6 tỷ đồng. Và đến giờ, ngân hàng mới thực hiện trích dự phòng khoảng 10% tổng giá trị trái phiếu VAMC, thấp hơn mức quy định là 20%/năm.

Tăng cường "dọn" nợ xấu

Nợ xấu và cách xử lý nợ xấu, nợ khó đòi ra sao hiện vẫn là vấn đề "nhạy cảm" với các ngân hàng. Ngoài cách truyền thống là tăng trưởng dư nợ và tích cực thu hồi nợ đang rất khó khăn, thì từ tháng 9/2013, các ngân hàng có thêm công cụ hỗ trợ, "dọn" nợ xấu là công ty VAMC. Tuy vậy, không phải khoản nợ xấu nào đưa sang cũng được VAMC mua, mà sẽ có sự sàng lọc, lựa chọn mua các khoản nợ đủ điều kiện.

Còn các khoản nợ xấu khó thu hồi như không có tài sản bảo đảm, tài sản không hợp pháp, con nợ ngừng hoạt động kinh doanh, không còn khả năng phục hồi… thì ngân hàng phải tự xử lý trong "âm thầm". Nếu không đòi được nợ, ngân hàng phải lấy nguồn dự phòng rủi ro để bù đắp phần thiệt hại mất vốn.

Từ năm 2011 đến nay, VPbank không cho biết đã xử lý, thu hồi được bao nhiêu nợ xấu, sử dụng nguồn dự phòng bao nhiêu… Điều dễ nhận thấy, biến động dự phòng rủi ro cho vay của ngân hàng liên tục tăng sẽ có ảnh hưởng đến lợi nhuận hàng năm.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2011 - 2012 lần lượt là 1.064 tỷ đồng và 1.300 tỷ đồng, nhưng năm 2013, chỉ tăng nhẹ lên 1.354 tỷ đồng. Năm 2014, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng gần 40%, đạt 1.890 tỷ đồng.

Việc tăng trưởng lợi nhuận sẽ giúp ngân hàng có thêm nguồn để xử lý các vấn đề tài chính, trong đó, có thể phải tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu. Vì VPBank cũng phải dự tính số nợ xấu có thể phát sinh (nợ xấu mới, nợ chuyển nhóm xấu hơn…) khi kế hoạch năm 2014 sẽ đẩy tăng trưởng dư nợ cho vay lên trên 84.000 tỷ đồng và yêu cầu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới ngưỡng 3%.

Do đó, nếu không tích cực "dọn dẹp" nợ xấu, thu hồi nợ ở mức tối đa thì lợi nhuận sau thuế của nhà băng này sẽ bị "ngót" đáng kể.

Nguồn Thời Báo Kinh Doanh


Sự kiện