Thứ Tư | 03/04/2013 10:54

Vì sao NHNN bán vàng miếng giá cao?

Nếu Ngân hàng Nhà nước bán vàng giá rẻ, nhiều khả năng ngân hàng thương mại sẽ ồ ạt mua vào để tất toán trạng thái vàng.
Ngày 28/3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức phiên đấu giá bán vàng miếng đầu tiên với doanh nghiệp và ngân hàng thương mại. Tổng lượng vàng đưa ra đấu thầu là 26.000 lượng, nhưng chỉ có 2.000 lượng trúng thầu với mức giá 43,81 triệu đồng/lượng - tương đương giá vàng trên thị trường ngay hôm đó và cao hơn khoảng 150 nghìn đồng so với giá tham chiếu.

Ngân hàng Nhà nước không bù giá

Nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trên thị trường vẫn còn một số ngân hàng chưa hoàn thành tất toán trạng thái vàng, với lượng vàng còn khoảng vài chục tấn. Nếu NHNN bán vàng với giá rẻ, các ngân hàng này sẽ tranh thủ mua vào thay vì bán rẻ ra thị trường. Như vậy, vô hình trung, NHNN sẽ tiếp tay cho lợi ích nhóm, trong khi người dân không được lợi.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, việc NHNN áp giá thầu cao là hoàn toàn dễ hiểu. Nguyên tắc cao nhất của NHNN khi tham gia thị trường vàng là phải bảo đảm dự trữ ngoại hối quốc gia, không được lỗ. Chưa kể, nếu NHNN chào thầu và bán ra với mức giá gần sát với giá vàng quốc tế, thì không có gì bảo đảm doanh nghiệp sẽ bán vàng với giá rẻ, hay vẫn duy trì mức giá cao để tối đa hóa lợi nhuận.

"Rất có thể, doanh nghiệp, ngân hàng trúng thầu mua vàng với giá rẻ, nhưng lại duy trì mức giá cao giống như giá thị trường để hưởng mức chênh lệch rất lớn. Nếu NHNN chào thầu vàng miếng với giá thấp, các ngân hàng sẽ mua vào để đóng trạng thái, chứ chưa hẳn bán ra thị trường. Như vậy, người được lợi lớn nhất, nếu NHNN bán vàng giá rẻ, là các ngân hàng này chứ chưa hẳn là người dân", ông Hiếu lý giải.

Trong khi đó, đại diện NHNN nhận định, giá chào thầu là mức giá mà NHNN xây dựng theo một công thức hợp lý nhất, dựa trên tính toán cung cầu thực của thị trường.

"NHNN chỉ bình ổn thị trường bằng cách tăng lượng cung, chứ không dùng cách thức bù giá để ép giá xuống. Giá vàng là do thị trường tự điều chỉnh. Vừa qua, chênh lệch giá vàng trên thị trường lớn là do thiếu nguồn cung, vì lâu nay, NHNN không cho nhập vàng. Do đó, khi NHNN tham gia tăng cung trên thị trường, yếu tố này sẽ bị thui chột", đại diện NHNN cho biết.

Chuyên gia đề xuất kiểm soát giá bán lẻ

Trong khi NHNN khẳng định không kiểm soát giá vàng trên thị trường bán lẻ, thì nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN nên có cơ chế kiểm soát giá bán lẻ với số vàng trúng thầu, nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp trúng thầu bắt tay nhau neo giá cao. Với biện pháp này, NHNN có thể yên tâm bán vàng giá rẻ, trong khi doanh nghiệp cũng không thể trục lợi với số vàng này.

"Để đấu thầu vàng miếng có hiệu quả, ngoài việc đưa ra mức giá mua - bán vàng miếng hợp lý, NHNN phải có các biện pháp ngăn chặn những hiện tuợng liên kết làm giá, giữ giá, đẩy giá trong và sau đấu thầu vàng miếng. NHNN cũng phải ban hành cơ chế giá bán lẻ đối với lượng vàng trúng thầu", TS. Nguyễn Minh Phong đề xuất.

Thực ra, tình trạng đầu cơ hay doanh nghiệp bắt tay làm giá vàng đã được dư luận đặt câu hỏi từ lâu. Tuy nhiên, trước phiên đấu thầu vàng đầu tiên diễn ra một ngày, lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) khẳng định, không có tình trạng doanh nghiệp trúng thầu bắt tay làm giá và đầu cơ trên thị trường vàng.

"Từ trước tới nay, mức biến động của giá vàng trong mỗi phiên nhiều nhất cũng không quá 5%. NHNN có thể mua vàng tay phải, bán ra tay trái. Với mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới 3 triệu đồng/lượng hiện nay, dù thủ tục có lâu đến mấy, thì NHNN cũng không thể lỗ nếu mua bán vàng tài khoản", ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TienPhong Bank khẳng định như vậy.

Ý kiến có thể còn rất khác nhau, song rõ ràng, cùng với việc đấu thầu vàng miếng của NHNN, rất cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế kiểm soát giá vàng trúng thầu.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện