Vì sao nhiều người Châu Âu muốn rời Eurozone?
Nhà kinh tế học 34 tuổi Sergi Cutillas từng rất hào hứng khi đất nước Tây Ban Nha của anh gia nhập khu vực đồng euro. Bây giờ thì anh đã suy nghĩ khác hẳn. Cutillas nói: “eurozone đã thất bại. Đây là một thí nghiệm tồi tệ, với quá nhiều ảo tưởng ”.
Cutillas không phải là người duy nhất nghĩ như vậy. 25% người đang sử dụng đồng euro đều muốn bãi bỏ nó, theo một thăm dò mới nhất của Liên minh Châu Âu (EU).
Rủi ro cho đồng euro tại nước Pháp là rất lớn, khi người dân nước này sắp sửa tham gia bầu cử tổng thống vòng 1 vào ngày Chủ nhật tuần này. Chính trị gia cực hữu Marine Le Pen, người muốn đưa nước Pháp rời khu vực đồng euro, được cho là sẽ lọt vào vòng thứ 2 mang tính quyết định vào ngày 7/5.
Được sử dụng chung bởi 19 nước EU, đồng euro là biểu tượng sinh động nhất cho sự hội nhập kinh tế của khu vực này kể từ sau Thế chiến thứ 2.
Nhưng hiện nay, đồng euro đang đối mặt với thách thức từ các chính trị gia cánh hữu lẫn cánh tả, những người muốn hồi sinh các đồng tiền trước đây như lira, drachma, peseta, hay franc.
Đây là một vài lý do tại sao nhiều người Châu Âu muốn chấm dứt sử dụng đồng euro.
“Châu Âu không phải là một quốc gia”
Alberto Bagnai: Eurozone sẽ không thoát khỏi khủng hoảng. Ảnh: CNN |
Nhà kinh tế người Ý Alberto Bagnai phản đối đồng euro với lý lẽ: Các nước Châu Âu không phải là đồng nhất, và vì thế họ không nên dùng chung một đồng tiền.
Bagnai nói: “Điều cơ bản là chúng ta không thể thành lập một nhà nước liên bang cho nhiều nước có nền văn hóa quá khác nhau, mà đã không có nhà nước chung Châu Âu thì cũng không nên có đồng tiền chung châu Âu”.
Các nước châu Âu cũng có sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt như các bang của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Nhưng không giống như Hoa Kỳ, châu Âu không có một chính quyền trung ương chung để quyết định các chính sách về chi tiêu, thuế và ngân sách.
Bagnai nói: “Hoa Kỳ là một quốc gia, và vì thế nó có sự đồng nhất”. Điều này không xảy ra ở Châu Âu, nơi có rất ít triển vọng được thống nhất về mặt chính trị, bởi vì những nước giàu có như Đức sẽ không muốn việc cứ phải mãi chuyển tiền cho những nước nghèo hơn.
Bagnai bình luận: “Nước Đức không muốn làm việc này. Chúng ta nên chấm dứt việc kể những câu chuyện cổ tích”.
Những ảo tưởng nguy hiểm
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của các nước châu Âu (màu xanh là Đức, lá cây là Pháp, màu tím là Ý, xám là Tây Ban Nha) trong vòng 20 năm qua. Ảnh: FactSet |
Những chia rẽ sâu sắc giữa các nước châu Âu không phải lúc nào cũng được thấy rõ.
Lãi suất mà các nước Tây Ban Nha, Hy Lạp và Italia cần phải thanh toán cho chủ nợ đã bất ngờ giảm sau khi họ gia nhập khu vực đồng euro, và bỗng dưng họ được đặt ngang bằng với Đức.
Ông Bagnai cho rằng: “Nhà đầu tư chỉ nhìn vào lãi suất danh nghĩa và nghĩ Hy lạp sẽ trở thành Đức. Đó là một sự ảo tưởng”.
Sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, những rạn nứt trong eurozone bắt đầu hiển hiện.
Sergi Cutillas: Eurozone đã không tính đến yếu tố chính trị. Ảnh: CNN |
Tại Tây Ban Nha, các nhà hoạch định chính sách nước này không thể làm yếu đồng euro nhằm chống lại đà sụp đổ của bóng bóng bất động sản và khủng hoảng nợ.
Thay vào đó, chính phủ nước này buộc phải cắt giảm chi tiêu, thi hành chính sách khắc khổ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.
Nhà kinh tế học Cutillas cho rằng: “20% người Tây Ban Nha thất nghiệp là do đồng euro”.
Tỷ lệ thất nghiệp tại các nước thuộc Eurozone. Ảnh: CNN Money/EuroStat |
Theo Cutillas thì nhiều người dân Tây Ban Nha, sau khi chịu đựng chế độ độc tài Francisco Franco trong nhiều thập kỉ, đã ủng hộ mạnh mẽ đồng euro vì nó gắn liền với tiến bộ, hiện đại và hòa bình. Tuy nhiên, Cutillas vẫn không thấy thuyết phục về lợi ích của đồng tiền này. Anh nói: “Thật tốt khi có thể đi lại và thanh toán dễ dàng ở mọi nơi trong khối EU, nhưng những lợi ích này không che lấp được những vấn đề của đồng euro”.
Bi kịch của Hy Lạp
Hy Lạp là một ví dụ điển hình cho sự chia rẽ giữa các nền kinh tế hùng mạnh ở phía Bắc châu Âu và những nền kinh tế yếu hơn ở Nam Âu.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ, Hy Lạp đồng ý thực hiện chương trình khắc khổ đổi lại việc được cứu trợ. Tiền lương, tiền hưu trí, và chi tiêu công phải được giảm mạnh.
Fotis Panagiotopoulos, một công nhân đóng tàu tại Athens, là một trong những người trực tiếp hứng chịu hậu quả. Tiền lương của anh đã giảm một nửa kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp diễn ra vào năm 2010. Vợ anh thì không có việc làm ổn định.
Fotis Panagiotopoulos: Chúng tôi muốn có một tương lai tốt hơn cho con cái mình. Ảnh: CNN Money |
Anh nói rằng: “Hy Lạp đang chết từ từ. Chúng tôi không còn cách nào khác trừ khi chúng tôi thoát được khỏi vòng xoáy nợ nần”.
Fotis muốn Hy Lạp ngưng sử dụng đồng euro, và bắt đầu lại từ đầu. Anh nói rằng: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi và con cái chúng tôi có một tương lai tốt hơn. Với đồng euro, chúng tôi sẽ không có được điều đó”.
Nợ công của các nước. Nguồn CNN/IMF |
Bong bóng euro ở Ireland
Bạn còn nhớ những lời ca ngợi về "con hổ Celtic"? Ireland đã phát triển bùng nổ trong những năm đầu sau khi eurozone được thành lập, với mức tăng trưởng hàng năm trung bình 6,5% trong giai đoạn 1990-2007.
Keith Redmond: Trường hợp Ireland cho thấy tại sao euro là một ý tưởng tồi. Ảnh: CNN Money |
Keith Redmond, một nha sĩ kiêm chính trị gia tại Dublin, vẫn thấy sợ hãi khi nhớ lại thời kì đó. Ông nói: “Đó không phải là sự phát triển bùng nổ. Đó là một bong bóng…bong bóng euro”.
Redmond cho rằng, nếu Ireland không kiểm soát được lãi suất, nước này sẽ không có cách nào làm xì hơi bong bóng. Khi bong bóng phát nổ, nó đẩy hệ thống ngân hàng Ireland vào bờ vực sụp đổ, và chính phủ Ireland cũng bị buộc phải cắt giảm chi tiêu.
Ireland đã vượt qua giai đoạn khó khăn đó và nền kinh tế nước này đang tăng trưởng trở lại. Nhưng với Redmond, euro vẫn là một vấn đề. Ông nói rằng: “Những khiếm khuyết cơ bản vẫn còn đó…và nó sẽ khiến những điều tồi tệ xảy ra lần nữa. Chúng tôi không có sự linh hoạt về mặt tiền tệ để đối phó với một cú sốc”.
Chủ nghĩa dân tộc ở Pháp
Vincent Brousseau là một nhà kinh tế học người Pháp. Nhưng với ông, vấn đề của eurozone không chỉ là về kinh tế.
Vincent Brousseau: Nước Pháp cần phải tự ra quyết định của mình. Ảnh: CNN |
Thay vào đó, ông cho rằng đồng tiền chung là một mối nguy cho chủ quyền nước Pháp.
Ông nói: “euro không phải của người Pháp. Không phải vì nó quá cao hay quá thấp, mà đây là về việc nước Pháp có thể tự đưa ra quyết định hay không”.
Trước đây vài năm, Brousseau vẫn còn làm việc cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nhưng giờ thì ông đã thay đổi quan điểm rất nhiều.
Ông nói: “Khi tôi bắt đầu làm việc cho ECB, tôi tin rằng chúng ta có thể thống nhất được Châu Âu, tôi cho rằng mình là người Châu Âu”. Nhưng dần dần, Brousseau đã thay đổi quan điểm của mình sau 15 năm làm việc tại ECB.
Ông nói thêm: “Tôi nhận ra rằng việc chuyển giao chủ quyền của nước Pháp sang một siêu chính phủ chung cho toàn châu Âu thì không tốt cho nước Pháp”. Hiện giờ, Brousseau đang là người phụ trách chính sách tài chính và tiền tệ tại đảng UPR của Pháp, vốn theo chủ nghĩa dân tộc và muốn nước Pháp rời khỏi EU lẫn NATO.
Điều gì sẽ đến?
Có một vấn đề thú vị là những người phản đối đồng euro cũng không thống nhất được với nhau về chuyện họ muốn gì.
Redmond thì phân chia khu vực đồng euro thành 2 phần: một khu vực tiếp tục sử dụng đồng euro như hiện tại dành cho Đức, Hà Lan và các nước có nền kinh tế mạnh; một khu vực khác sử dụng một đồng euro yếu hơn, dành cho Bồ Đào Nha, Italia, Ireland, Hy Lạp và Tây Ban Nha.
Ông Brousseau thì muốn Pháp chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng đồng euro, và hồi sinh đồng franc. Ông không ủng hộ giải pháp mang tính trung dung của ứng viên cực hữu Marine Le Pen, người cũng muốn sử dụng lại đồng franc song song với một đồng tiền chung khác cho châu Âu.
Bagnai cho rằng việc đồng loại bỏ đồng euro là không thể tránh khỏi. Ông nói thêm: "Tôi cho rằng đồng euro sẽ còn tồn tại được thêm 1 thập kỷ nữa, nhưng rồi nó cũng sẽ chấm dứt. Và chuyện này nên xảy ra càng sớm càng tốt".
Bá Ước
Nguồn CNN Money