Nguyễn Sơn Thứ Tư | 12/10/2016 08:00

Vì sao nhiều doanh nghiệp chưa muốn niêm yết trong nước?

Thị trường chứng khoán trong nước vẫn khan hiếm những tài sản có giá trị như Vinamilk.

Những ai theo dõi thị trường chứng khoán trong nhiều năm qua cũng không khỏi bất ngờ khi thấy chỉ số VN-Index duy trì sự hưng phấn trong những tháng qua, đạt mức kỷ lục gần 690 - mức cao nhất trong hơn 8 năm qua. Thậm chí theo nhận định của một số chuyên gia, với đà tăng trưởng hiện nay, thị trường sẽ tiếp tục bứt phá, vượt qua cột mốc 700 điểm và vươn đến 750 điểm chỉ trong vài tháng tới.

Điều đáng ngạc nhiên là giá cổ phiếu tăng mạnh và mức độ trưởng thành hơn của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam vẫn chưa đủ sức “mời gọi” một số doanh nghiệp chọn lựa niêm yết.

Tiếp nối câu chuyện của Vinamilk hay Hoàng Anh Gia Lai của những năm trước, mới đây Tập đoàn Thành Thành Công cho biết đang tiến hành kế hoạch niêm yết công ty con là Thành Thành Công Tây Ninh (TTC Sugar) lên sàn chứng khoán Singapore để huy động số vốn lên tới 600 triệu USD. Đây là số tiền cần có để phục vụ mục tiêu bành trướng ra khu vực và thế giới của Tập đoàn. Ngoài TTC Sugar, một số doanh nghiệp nội khác như hãng hàng không Vietjet Air, chuỗi nhà hàng Huy Vietnam, chuỗi cà phê The KAfe, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) cũng bày tỏ ý định sẽ niêm yết trên thị trường Singapore hay Hồng Kông.

Rõ ràng, nguy cơ chảy máu các tài sản tốt ra nước ngoài là một thực tế đang diễn ra và điều này sẽ tác động đến thương hiệu và vị trí xếp hạng của VN-Index với các quốc gia trong khu vực trong bối cảnh thị trường niêm yết Việt Nam vẫn khan hiếm các tài sản có giá trị như Vinamilk.

Chắc chắn, niêm yết ở nước ngoài sẽ mang lại những lợi ích lớn cho doanh nghiệp. Trong trường hợp của TTC Sugar, số tiền huy động tương đương hơn 13.400 tỉ đồng là một con số khủng. Với mức độ phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay mà đa phần là nhà đầu tư nhỏ lẻ, quả thật sẽ khó cho TTC Sugar nếu huy động vốn trong nước.

Điều này từng được ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, than phiền: “Thị trường chứng khoán vẫn chưa có nhiều chuyển biến, chưa đạt đến mức độ phát triển bền vững. Các nghiệp vụ giao dịch trên thị trường phần lớn là ngắn hạn, lướt sóng, nên việc phát hành cổ phiếu mới để huy động vốn dài hạn không dễ thành công”. Việc huy động vốn mới từ thị trường chứng khoán quá nhọc nhằn cũng là một lý do khiến Hoàng Anh Gia Lai phải tìm đến thị trường nợ và hiện tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của Tập đoàn đã tăng mạnh trong các năm qua.

Thậm chí, đối với các quỹ đầu tư lớn, thu hút một lượng vốn lớn để đầu tư vào các doanh nghiệp nội cũng là một thách thức lớn. VinaCaptial, chẳng hạn, đang có kế hoạch thành lập một quỹ mới 200 triệu USD để đầu tư vào Việt Nam nhưng vẫn chưa thể triển khai được, bởi việc gây quỹ hiện nay khá gian nan. “Lý do là thương hiệu quốc gia của Việt Nam còn yếu và VinaCapital phải tập trung tìm kiếm những nhà đầu tư thực sự quan tâm đến thị trường này”, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VinaCapital, nói trên tờ DealStreetAsia.

Khó, nhưng không phải là không thể thực hiện. Bởi vào năm 2011, thị trường chứng khoán trong nước từng chứng kiến thương vụ Vietcombank bán 15% cổ phần cho Mizuho của Nhật với giá trị 11.800 tỉ đồng. Sau đó 1 năm, một ngân hàng khác là VietinBank cũng huy động được tới 15.465 tỉ đồng từ việc bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư Nhật Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ. Nhưng các thương vụ trị giá hàng chục ngàn tỉ đồng kể trên cũng khá hiếm gặp trên sàn HSX hay HNX.

Vi sao nhieu doanh nghiep chua muon niem yet trong nuoc?
Một lý do quan trọng khiến một số doanh nghiệp phải từ bỏ ý định niêm yết trên sàn ngoại chính là vấn đề sổ sách kế toán. Ảnh: baomoi.com

Trong khi đó, Singapore và Hồng Kông lại là những thị trường hàng đầu khu vực. Quy mô giao dịch hằng ngày của sàn chứng khoán Singapore lớn gấp 4 lần so với quy mô của Việt Nam. Tính minh bạch thông tin cao theo các chuẩn mực quốc tế là điều mà nhà đầu tư thế giới an tâm khi rót vốn vào hai thị trường này. Ngoài ra, nhờ thanh khoản tốt, các quỹ, các nhà đầu tư sẽ thực hiện chiến lược thoái vốn hiệu quả hơn. Đây cũng là một trong những điều tối quan trọng mà các nhà đầu tư lớn xem xét trước khi lựa chọn doanh nghiệp để rót vốn.

Việc niêm yết trên thị trường chứng khoán hàng đầu khu vực như Singapore, Hồng Kông cũng sẽ giúp doanh nghiệp triển khai nhanh chóng các chiến dịch M&A trên toàn khu vực, nhờ tính kết nối sâu rộng giữa các nhà đầu tư, ngân hàng toàn cầu và các doanh nghiệp tại châu Á.

Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt, không thể phủ nhận hai sàn giao dịch HSX và HNX đã trưởng thành vượt bậc so với cách đây 16 năm, thậm chí thuộc vào nhóm các thị trường đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong khu vực. Tuy vậy, những vụ lình xình gần đây liên quan đến các sai phạm thông tin không được kiểm tra của các doanh nghiệp như trường hợp của Công ty Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung, Gỗ Trường Thành... cho thấy con đường tiến tới một thị trường vốn hoàn toàn minh bạch, đạt chuẩn mực cao của Việt Nam vẫn còn khá xa vời.

“Thị trường Việt Nam vẫn chưa áp dụng các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp quốc tế. Hiện Việt Nam đang phối hợp với World Bank để xây dựng các tiêu chuẩn quản trị công ty vì lợi ích của nhà đầu tư, dự kiến từ giữa năm 2017 trở đi sẽ thực thi. Hy vọng tình hình sẽ được cải thiện hơn”, ông Oliver Massmann, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Duane Morris Vietnam LLC, cho biết.

Hãy quay trở lại câu chuyện niêm yết trên sàn ngoại của doanh nghiệp Việt. Để niêm yết thành công trên sàn Singapore hay Hồng Kông, các doanh nghiệp như TTC Sugar, Vietjet Air sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Thậm chí, có thông tin Vietjet Air sẽ hủy kế hoạch IPO và niêm yết tại thị trường Hồng Kông mà quay lại với thị trường chứng khoán trong nước.

“Đây là việc chưa bao giờ thực hiện ở bất kỳ công ty nào của Việt Nam. Tất cả các cộng sự của chúng tôi cùng các cố vấn đều không thể tưởng tượng nổi khối lượng giấy tờ thủ tục khổng lồ mà họ cần phải xử lý và hoàn thành cho kế hoạch IPO này”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet Air, cho biết.

Trên thực tế, khá nhiều doanh nghiệp trong nước từng muốn niêm yết trên thị trường nước ngoài nhưng bỏ cuộc vì gặp phải các vướng mắc pháp lý, trong đó có quy định khắt khe về tỉ lệ sở hữu trần của nhà đầu tư nước ngoài đối với một doanh nghiệp trong nước.

Một lý do quan trọng khác khiến một số doanh nghiệp phải từ bỏ ý định niêm yết trên sàn ngoại chính là vấn đề sổ sách kế toán. Các công ty trong nước hiện đang áp dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), trong khi việc niêm yết trên các thị trường ngoại đòi hỏi phải áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS). Việc chuyển đổi sổ sách kế toán từ VAS sang IFRS rất tốn kém và không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện được.

Thêm vào đó, việc chuyển đổi theo IFRS, vốn quy định chặt chẽ hơn về kiểm soát rủi ro, có thể sẽ khiến doanh nghiệp phải hạch toán thêm các khoản chi phí mà trước đây không được tính đến, trong khi phải giảm trừ doanh thu từ một số khoản mục như đánh giá lại tài sản. Điều này có thể làm thay đổi bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp.

Đó còn là chi phí tuân thủ các quy định sau niêm yết, chi phí nguồn nhân lực để cải thiện bộ máy quản trị, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư thế giới. Điều này cũng có thể làm nản lòng doanh nghiệp. Trước đây, cũng với tham vọng đem cổ phiếu tới sàn Singapore, Vinamilk đã mất gần 3 năm hoàn thành các thủ tục để nhận được cái gật đầu về mặt nguyên tắc, nhưng sau đó lại từ bỏ kế hoạch.

Nguyễn Sơn