Ngăn chặn khủng hoảng và các cơn bão xung đột nội bộ đòi hỏi quản trị rủi ro nghiêm túc. Ảnh: Quý Hòa

 
Ngọc Thủy Thứ Ba | 07/02/2023 07:30

Vì sao ngành xây dựng hay xảy ra "nội chiến"?

Xung đột bắt đầu khi ông Lê Viết Hải xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch, rời khỏi Hội đồng Quản trị ở Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC).

“Nội chiến” ở các tập đoàn xây dựng như Hòa Bình hay Coteccons cho thấy những phức tạp thường gặp trong ngành đòi hỏi cấp độ cao hơn về tuân thủ các yêu cầu, quy phạm quản trị rủi ro.

Xung đột bắt đầu khi ông Lê Viết Hải xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch, rời khỏi Hội đồng Quản trị ở Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) như cách thức dọn đường và đề cử cho con trai lên ghế Tổng Giám đốc. Tuy nhiên, vì Hội đồng Sáng lập mà ông Hải tính lập ra để duy trì ảnh hưởng không phù hợp với quy định, ông Hải lập tức thay đổi, dẫn đến những tranh chấp với nhóm của ông Nguyễn Công Phú.

 

Xung đột vì khủng hoảng

Sự việc xảy ra với Hòa Bình gợi cho công chúng nhớ tới những tranh chấp từng nổ ra tại Coteccons. Ba năm trước, nội bộ Hội đồng Quản trị Coteccons cũng xung đột dữ dội, dẫn đến ông Nguyễn Bá Dương, nhà sáng lập Tập đoàn, phải ra đi. Có một điểm giống nhau giữa 2 công ty là xung đột xuất hiện vào thời điểm gặp khó khăn. Năm 2019, lợi nhuận ròng ở Coteccons chỉ còn bằng một nửa và tiếp tục giảm mạnh ở năm tiếp theo. Trong năm này (2020), nội chiến đã bùng nổ mạnh mẽ tại Coteccons. Trong khi đó, lãi sau thuế của Hòa Bình giảm mạnh từ đầu năm 2020 khi xảy ra dịch COVID-19. Trong 11 quý gần nhất, có 8 quý lợi nhuận của Hòa Bình dưới 20 tỉ đồng; trong 3 quý còn lại, lợi nhuận cao hơn, đạt khoảng 50 tỉ đồng, nhưng cũng chỉ bằng 1/3, 1/4 so với giai đoạn 2017-2019.

Năm 2022, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu lấy hình ảnh “Roller Coaster”, một trò chơi mạo hiểm trong  công việc giải trí để mô tả thị trường bất động sản. Nửa năm đầu, thị trường bất động sản rất hưng phấn nhưng càng về sau càng tồi tệ, với những vấn đề bắt đầu từ Tân Hoàng Minh và ngân hàng siết lại tín dụng, khiến ngành bất động sản khó tiếp cận vốn và gặp vấn đề về thanh khoản.

Trong bối cảnh đó, ngành xây dựng đã bị ảnh hưởng nặng. Ngoài ra, theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), những biến động về giá đầu vào như nguyên vật liệu, chi phí huy động và thuê nhân công tăng mạnh... đã buộc nhiều đơn vị phải chuyển từ tăng tốc sang “phòng thủ”.

Theo báo cáo tài chính, trong 9 tháng năm 2022, dù doanh thu của Hòa Bình đạt gần 11.000 tỉ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ nhưng do các loại chi phí tăng mạnh nên lãi sau thuế giảm còn 61 tỉ đồng, chỉ hoàn thành 17% kế hoạch năm. Đáng chú ý, hàng tồn kho, các khoản phải thu của Hòa Bình đều tăng và chiếm tới 86% tổng tài sản. Khoản phải thu đã trở thành nguyên nhân đẩy dòng tiền hoạt động của Tập đoàn bị âm hơn 1.300 tỉ đồng. Rõ ràng, trước khi xảy ra nội chiến, tình hình kinh doanh và tài chính ở Hòa Bình đã khá rối ren, dễ dẫn đến bất đồng khi các nhà lãnh đạo buộc phải đưa ra những giải pháp cấp bách chưa từng có.

Nửa năm đầu, thị trường bất động sản rất hưng phấn nhưng càng về sau càng tồi tệ, với những vấn đề bắt đầu từ Tân Hoàng Minh và ngân hàng siết lại tín dụng, khiến ngành bất động sản khó tiếp cận vốn và gặp vấn đề về thanh khoản. Trong bối cảnh đó, ngành xây dựng đã bị ảnh hưởng nặng. Ảnh: Quý Hòa
Nửa năm đầu, thị trường bất động sản rất hưng phấn nhưng càng về sau càng tồi tệ, với những vấn đề bắt đầu từ Tân Hoàng Minh và ngân hàng siết lại tín dụng, khiến ngành bất động sản khó tiếp cận vốn và gặp vấn đề về thanh khoản. Trong bối cảnh đó, ngành xây dựng đã bị ảnh hưởng nặng. Ảnh: Quý Hòa

Những bất đồng này được thổi bùng khi giới đầu tư thường nghi ngại về tính minh bạch và mâu thuẫn lợi ích nhóm trong mô hình công ty mẹ - con, công ty liên kết trong hệ sinh thái rất phổ biến ở ngành xây dựng. Chẳng hạn, Kusto từng cho rằng, ngoài việc là nhà thầu phụ của Coteccons, Ricons cũng là đối thủ cạnh tranh của Coteccons. Đó là lý do Kusto và nhóm của mình kịch liệt phản đối sáp nhập Ricons vào Coteccons. Kusto và các cổ đông cùng nhóm nắm giữ hơn một nửa tổng cổ phần ở Coteccons nên phương án sáp nhập Ricons vào Coteccons đã không được thông qua. Sau đó, một số thành viên Hội đồng Quản trị ở Coteccons, gồm cả ông Nguyễn Bá Dương đã từ nhiệm, rút khỏi doanh nghiệp này.

Thực tế, sau quá trình hoạt động, các công ty xây dựng đều đã tăng vốn, mở rộng quy mô lên gấp hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần để gia tăng năng lực và khả năng phát triển. Vì thế, các nhà sáng lập ở những công ty xây dựng thường không đủ sức nắm giữ cổ phần chi phối tại công ty. Như ông Lê Viết Hải và nhóm của ông chỉ còn nắm khoảng 21% vốn điều lệ ở Hòa Bình. 

Tuy nhiên, do đặc thù ngành xây dựng phát triển từ các mô hình công ty gia đình hoặc nhóm cộng sự chí cốt gắn bó từ những ngày đầu nên dù chuyển lên mô hình cổ phần, các công ty xây dựng vẫn tổ chức theo cách thức “gia đình trị”. Ông Nguyễn Bá Dương, ông Lê Viết Hải luôn được xem như những công thần, là những thủ lĩnh tài ba và ít nhiều được trao quyền “điều binh khiển tướng”.

Đây có lẽ là lý do để ông Lê Viết Hải có những sắp đặt cho ghế Tổng Giám đốc ở Hòa Bình. Ông Hải cũng định lập một Hội đồng Sáng lập có khả năng tác động đến Hội đồng Quản trị. “Đây là một sắp xếp không phù hợp với các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán dành cho một công ty cổ phần. Những gì hệ trọng ở công ty phải do cổ đông quyết định. Nếu ai muốn sắp xếp tính toán theo ý riêng thì hãy là cổ đông nắm quyền chi phối”, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, nhận xét.

 

Xung đột vì… hấp dẫn

Dù khó khăn nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn chú ý đến lĩnh vực xây dựng và bất động sản tại Việt Nam. Ba năm trước, Tokyu Construction (Nhật) từng công bố thương vụ mua lại Indochine Engineering ở Việt Nam. Hay Haseko Corp đã mua lại 36% cổ phần của Ecoba Vietnam, một nhà thầu chuyên nghiệp trong lĩnh vực thiết kế - xây dựng - hoàn thiện và quản lý các dự án.

Gần đây hơn, không ít nhà đầu tư ngoại đã “nhòm ngó” Vicem, HUD. Vicem chiếm hơn 30% năng lực sản xuất ngành xi măng nên các quỹ đầu tư, tập đoàn xi măng đến từ Thái Lan, Indonesia... rất để mắt tới đơn vị này. Riêng HUD sở hữu hàng loạt lô đất vàng tại nhiều địa phương. Về phần Coteccons, Hòa Bình từ lâu đã duy trì vị thế dẫn đầu ngành xây dựng nên càng được giới đầu tư quan tâm đặc biệt. Hiện tại, nhóm cổ đông ngoại Kusto đã nắm quyền lãnh đạo ở Coteccons. Còn tại Hòa Bình, trong đợt xung đột nội bộ vừa qua, cổ phiếu HBC tuy giảm mạnh nhưng ngày 3/1/2023, đã có gần 7,2 triệu cổ phiếu được giao dịch, cao gấp nhiều lần mức trung bình gần đây.

 

Mua bán - sáp nhập (M&A) trong ngành xây dựng, bất động sản không chỉ là xu hướng của Việt Nam mà còn của quốc tế. Trong năm 2022, theo GlobalData, châu Á - Thái Bình Dương đã ghi nhận một số thương vụ giao dịch đình đám như NWS Holdings mua lại 40% cổ phần của Guangxi Logan Guiwu Expressway, Shenzhen Suyuan Technology Development mua 19,8% cổ phần Daqian Ecology & Environment Group, Jinan Junheng Properties Developments mua 50% cổ phần của Jinan Junsheng Properties Developments, Sky Plaza đạt thỏa thuận thâu tóm Star Moral...

Bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam, cho biết: “Khách hàng của KPMG vẫn hay hỏi về ngành xây dựng, bất động sản dù những ngành này đang gặp nhiều khó khăn”. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp huy động vốn nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bị thâu tóm. 

Giới đầu tư rất hy vọng sau những sóng gió xảy ra, các công ty xây dựng như Coteccons,  Hòa Bình sẽ chú ý đến cách thức quản trị sao cho chuyên nghiệp, xứng đáng với tầm vóc một công ty đại chúng đã niêm yết chứng khoán. Nói như luật sư Hồ Hữu Hoành, Giám đốc Điều hành Hãng luật Saigonmind: “Phải hiểu rằng công ty cổ phần đại chúng không còn là sở hữu của một cá nhân, tổ chức, pháp luật quy định chặt chẽ về tính minh bạch, công khai thông tin và các cơ chế nhân sự nhằm hạn chế, loại bỏ các yếu tố “gia đình trị”, đảm bảo tính dân chủ, quyền lợi hợp pháp của đa số cổ đông được thực thi theo đúng quy định pháp luật, điều lệ công ty”.

Có như vậy, theo bà Lâm Thị Ngọc Hảo, với sự chuẩn bị liên quan đến minh bạch thông tin, kiểm soát dòng tiền cũng như quản trị doanh nghiệp sao cho tạo được tin tưởng nơi nhà đầu tư, doanh nghiệp mới có thể đón nhận được các nguồn lực đầu tư.
Biến động giá cả vật liệu quá lớn, thủ tục pháp lý phức tạp, bị nợ đọng, công tác thanh kiểm tra chồng chéo... đang khiến các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đối mặt với nguy cơ tàn lụi dần. Những xung đột sẽ tiếp tục là cú giáng mạnh, khiến rủi ro nhiều thương hiệu xây dựng lớn của Việt Nam sẽ biến mất là có thật. Ngăn chặn khủng hoảng và các cơn bão xung đột nội bộ đòi hỏi quản trị rủi ro nghiêm túc. 

Những khuyến cáo cho khủng hoảng như của Hòa Bình hay Coteccons được đưa ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp tuân thủ các yêu cầu, quy phạm quản trị rủi ro hơn là tự nguyện vì chính lợi ích của công ty. Chẳng hạn, Báo cáo đánh giá quản trị công ty các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam năm 2020 đã cho thấy trung bình các doanh nghiệp chỉ đạt 59% điểm cho phần tuân thủ. Vì vậy, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) khuyến nghị quản trị công ty tốt là một cách để ứng phó hiệu quả với khủng hoảng và đi lên bởi vì bản chất của quản trị công ty đã bao gồm hệ thống quản lý rủi ro và ứng phó với rủi ro.