Chủ Nhật | 24/11/2013 10:52

Vì sao ngành mía đường ‘dậy sóng’ trước HAGL?

Tranh cãi xung quanh chuyện cây mía đang diễn ra căng thẳng giữa HAGL và VSSA.

Nhà máy đường HAGL - Attapeu tại Lào - Ảnh: Q.Thuần
Nhà máy đường HAGL - Attapeu tại Lào - Ảnh: Q.Thuần

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đang có ý định bán khoảng 30.000 - 40.000 tấn đường được sản xuất tại nhà máy ở Attapeu (Lào) cho Công ty CP đường Biên Hòa để tinh luyện và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ngay lập tức, Hiệp hội Mía đường VN (VSSA) đã phát công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho phép.

VSSA: “Đường của Lào”

Tại cuộc họp với báo chí hôm qua 22.11, VSSA cho rằng: “Nếu hỗ trợ cho HAGL theo đề nghị của Bộ Công thương thì chỉ mang lại lợi ích cho HAGL và đường Biên Hòa, nhưng gây thiệt hại cho 40 nhà máy đường trong nước cùng hàng triệu nông dân trồng mía và hàng vạn công nhân lao động tại các nhà máy”.

VSSA cho rằng VN đang thừa đường rất lớn, niên vụ 2012/2013 thừa 400.000 tấn đường, năm 2013/2014 dự kiến lượng dư thừa sẽ lên đến 600.000 tấn, bên cạnh đó còn bị mất 30% thị phần vào nguồn đường nhập lậu. Từ đầu năm đến nay các nhà máy đường trong nước chật vật xuất khẩu, bán tháo đường qua cửa khẩu phụ Bản Vược và đây là lối thoát duy nhất cho lượng đường thừa của VN. Nếu chấp nhận kế hoạch của HAGL thì đã “vô tình để đường nước ngoài có cơ hội lấn chiếm xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc”.

Bản chất của vấn đề này là tốt, tạo công ăn việc làm và thậm chí tạo cạnh tranh cho doanh nghiệp nhưng để kiểm soát được lượng đường sau tinh chế có xuất khẩu hết hay không thì là ở cơ quan quản lý, không phải việc của doanh nghiệp. Hội nhập thì không thể dùng biện pháp hành chính để cưỡng cấm một cách riêng lẻ được

ÔngVăn Đức Mười, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM

Ông Đỗ Thanh Liêm, Phó chủ tịch VSSA (Tổng giám đốc Công ty mía đường Khánh Hòa) nói: “Nếu Chính phủ đồng ý cho Đường Biên Hòa nhập đường nguyên liệu của HAGL để tinh chế rồi xuất khẩu thì cũng phải cho các nhà máy khác làm điều này. Lúc đó chúng tôi chỉ cần mua đường thô từ Thái Lan về chế biến, không cần quan tâm đến nông dân trồng mía nữa. Chúng tôi không phải cố bảo vệ cho lợi ích mỗi nhà máy mà là bảo vệ quyền lợi của hàng triệu nông dân. Hơn nữa theo thỏa thuận của VN và Trung Quốc, chính sách biên mậu khu kinh tế cửa khẩu chỉ cho phép mua bán trao đổi hàng hóa do nhân dân hai nước sản xuất ra. Nếu cho nhập khẩu đường của Lào rồi tinh chế xuất khẩu qua cửa khẩu mậu biên là vi phạm nguồn gốc hàng hóa, phía Trung Quốc có đủ cơ sở để phạt hoặc đóng biên đối với mặt hàng đường”.

Trong khi đó, ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, nhận định: “Bản chất của vấn đề này là tốt, tạo công ăn việc làm và thậm chí tạo cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN), nhưng để kiểm soát được lượng đường sau tinh chế có xuất khẩu hết hay không thì là ở cơ quan quản lý, không phải việc của DN. Hội nhập thì không thể dùng biện pháp hành chính để cưỡng cấm một cách riêng lẻ được”.

Bộ Tài chính: “Chúng tôi quản được tận gốc”

Trên thực tế, theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, tính trong năm 2011 - 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng Hải quan đã phát hiện, xử lý 102 vụ vi phạm trong tạm nhập tái xuất mặt hàng đường, với khoảng 13.805 tấn hàng vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 2,432 tỉ đồng.

Xuất phát từ thực trạng này nên vừa qua Bộ Tài chính kiên quyết bảo vệ quan điểm không bổ sung đường vào mặt hàng được tạm nhập tái xuất. Tuy nhiên, những hàng rào này theo một lãnh đạo Bộ Tài chính là chưa thực sự phù hợp khi căn cứ vào tình hình thực tiễn tạm nhập tái xuất đường. Trao đổi thêm với Thanh Niên chiều 22.11, lãnh đạo Bộ Tài chính phụ trách lĩnh vực hải quan này cho biết, quan điểm của Bộ Tài chính là phải siết chặt việc tạm nhập, tái xuất đường. Nhưng không nên đánh đồng tất cả mà chỉ cấm các DN có rủi ro cao.

Đối với HAGL, quan điểm của Bộ Tài chính xác định đây là một DN lớn, có uy tín, có diện tích trồng mía quy mô lớn tại Lào. Vì vậy, mức độ rủi ro của đường nhập bị thẩm lậu tại thị trường nội địa là rất thấp. “Đối với HAGL chúng tôi quản được tận gốc, vì họ có diện tích sản xuất mía tại Lào, nhập khẩu qua cung đường bộ nên có thể giám sát được. Còn các trường hợp mà tạm nhập tái xuất qua đường biển như xăng dầu thời gian qua, hay nhập để xuất qua những cửa khẩu có cung đường đi ngược, không thuận lợi thì theo tôi là không nên cho nhập”, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.

Lãnh đạo này khẳng định, không sợ thất thoát tiền thuế từ chính sách tạm nhập tái xuất đường, vì kể từ ngày 1.7.2013, bất kể DN nào nhập đường kể cả là tinh hay thô đều phải nộp thuế ngay khi nhập hàng, đến khi nào xuất đi mới được hoàn lại.

Nguồn Thanhnien


Sự kiện