Thứ Hai | 09/06/2014 16:28

Vì sao ngân hàng săn công ty tài chính?

Cho vay với lãi suất cao mà không bị quản lý bởi trần lãi suất, có điều kiện để mở rộng thị phần có thể coi là ưu điểm.
Cuối tuần qua, VPBank cho biết đang hoàn tất thủ tục để mua lại 100% cổ phần của công ty tài chính than khoáng sản Việt Nam (CMF). Trước đó, thị trường đón nhận thông tin của nhiều ngân hàng về việc tìm kiếm công ty tài chính để mua lại nhằm phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ như SHB, MaritimeBank… Có lẽ thành công của HDBank sau thương vụ mua lại công ty tài chính Việt Société Générale (SGVF) đã là động lực cho nhiều ngân hàng muốn đẩy nhanh tiến độ mua bán.

Dễ cho vay, lãi suất cao

Trong khi nhiều ngân hàng chật vật cho vay và tìm kiếm lợi nhuận ở mức chấp nhận được thì HDBank lại dễ dàng có được mức lợi nhuận 396 tỷ đồng trước thuế năm 2013 sau khi đã trích lập dự phòng, trong đó công ty tài chính HDFinance (chính là SGVF sau khi được HDBank mua lại đổi tên) đóng góp đến 79 tỷ đồng lợi nhuận.

Hay như Công ty Tài chính PPF Việt Nam (Home Crédit), vốn góp chỉ 550 tỷ đồng nhưng đạt mức lợi nhuận đáng kể. Cụ thể, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2013 của Home Credit, đến hết năm 2013, đạt hơn 1.800 tỷ đồng thu nhập lãi thuần từ cho vay, còn lợi nhuận thuần đạt 711 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 530 tỷ đồng, cao gấp 5 lần kết quả năm 2012.

Như vậy, so với không ít NHTM trong nước, lợi nhuận thu về của Home Credit trong 2 năm qua đã vượt đáng kể. Để đạt được những kết quả này là nhờ nguồn thu từ hoạt động tín dụng phân tán tăng đồng hành với lãi suất tăng cao của các công ty tài chính.

s

Có được mức lợi nhuận này là nhờ công ty tài chính có thể dễ dàng cho vay những khoản cho vay nhỏ, từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, mà không cần phải có tài sản thế chấp, đây là điều mà ngân hàng gần như không thể làm được. Cách làm này phù hợp với người có thu nhập thấp, trung bình.

Rất đơn giản, khách hàng không cần chứng minh thu nhập và giải ngân trong vòng 15 phút nên bù lại, mức lãi suất cũng sẽ cao hơn, do rủi ro cao.

Chính cách làm này mà lãi suất cho vay của các công ty tài chính thường rất cao, trung bình khoảng 35%/năm, có trường hợp đặc biệt lãi suất có thể lên tới 60%/năm, do không tính lãi suất giảm dần trong thời gian vay.

Do vậy, mặc dù thị trường thẻ phát triển mạnh nhưng các công ty tài chính vẫn chiếm lĩnh thị phần bán lẻ với khoản vay nhỏ cho khách hàng thu nhập thấp. Tính đến thời điểm cuối tháng 2/2014, Home Credit đã có 1,2 triệu khách hàng đang vay vốn tiêu dùng và mục tiêu năm nay tăng 50% số lượng khách hàng.

Thật ra, ngân hàng cũng có cửa để cho vay vượt trần lãi suất, đó là cho vay qua thẻ tín dụng. Các ngân hàng đua nhau phát hành thẻ với hạn mức phụ thuộc vào lương của chủ thẻ và lãi suất được tính sau 45 ngày cũng lên đến 35 – 40%/năm.

Tuy nhiên, sự tiện lợi này vẫn chưa tiếp cận được với những khách hàng có thu nhập thấp. Quan trọng hơn, do lo ngại nợ xấu tăng, nhiều ngân hàng siết chặt lại những khoản vay có rủi ro cao và đây lại là cơ hội của các công ty tài chính.
Cuộc chạy đua thị phần

Các ngân hàng càng thận trọng thì các công ty tài chính càng dễ dàng lấn chiếm thị phần. Chính vì vậy mà nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch thâu tóm các công ty tài chính để dễ dàng chiếm lĩnh thị phần bán lẻ.

Đặc biệt, sau khi Thủ tướng ban hành Nghị định 39 về việc công ty tài chính, cho thuê tài chính sẽ được phép thực hiện một số nghiệp vụ như: bảo lãnh, bao thanh toán và phát hành thẻ tín dụng như một NHTM, nhiều NHTM cho rằng đây cũng là cơ hội mở rộng thị phần bán lẻ thông qua việc cho vay tiêu dùng.

Ngoài chức năng cho vay những món tiền nhỏ, công ty tài chính còn có thể thực hiện các hoạt động như: huy động vốn ở thị trường chứng khoán, góp vốn, mua cổ phần DN và các TCTD khác; đầu tư cho các dự án theo hợp đồng và cả làm đại lý phát hành trái phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá cho các DN… Như vậy, việc thâu tóm công ty tài chính sẽ giúp ngân hàng có thể mở rộng hoạt động của mình, đẩy một vài thương vụ đầu tư sang các công ty tài chính.

Giới chuyên gia nhìn nhận những thương vụ sáp nhập giữa ngân hàng và công ty tài chính là việc làm có lợi cho cả đôi bên. Ngân hàng thì sử dụng công ty tài chính như một công ty con của mình để gia tăng các dịch vụ phái sinh, cho vay, thuê mua tài chính… Ngược lại, công ty tài chính lại được hưởng lợi từ nguồn vốn dồi dào của ngân hàng mẹ.

Theo Ts. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, khi ngân hàng và công ty tài chính về một nhà thì cả hai bên sẽ cùng có lợi. Ngân hàng sẽ phát triển mạnh hơn, còn công ty tài chính yếu sẽ nhờ vào sự hỗ trợ của ngân hàng để phát triển. Nói cách khác, mua công ty tài chính là cách để một ngân hàng có thêm tiềm lực kinh tế và nâng cao thương hiệu. Còn công ty tài chính nhờ vào ngân hàng cũng sẽ mạnh lên nhờ tiềm lực của ngân hàng.

Tuy nhiên, cái bẫy nợ xấu của các công ty tài chính cũng không phải dễ dàng cho những ngân hàng lựa chọn lối đi tắt này. Vẫn chưa có con số nợ xấu chính thức của các công ty tài chính, nhưng theo NHNN Tp HCM, đến cuối năm 2013, nợ xấu của khối công ty tài chính, cho thuê tài chính cao nhất hệ thống, lần lượt là 21,96% và 37,53%.

Tại Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu cho phép đối với các công ty tài chính được giới hạn ở mức 8%, để đảm bảo tính ổn định và tăng trưởng bền vững của ngành tài chính.

Nguồn Thời Báo Kinh Doanh


Sự kiện