Vì sao Ngân hàng Nhà nước thay “biển báo tốc độ”?
Tháng 6/2014, trước phản ánh nhiều biển báo tốc độ tối đa dưới 40 km/h không phù hợp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng chỉ đạo rà soát và thay thế toàn bộ.
Chỉ đạo trên lập tức được ủng hộ. Song, việc điều chỉnh không nên hiểu là vì đáp ứng nhu cầu chạy nhanh hơn của người tham gia giao thông, mà do điều kiện thực tế cho phép để hợp lý hơn.
Hạn chế tốc độ tối đa là cần thiết. Nhưng trong nhiều tình huống, việc khống chế quá thấp so với điều kiện an toàn thực tế có thể khiến giao thông kém thông suốt, gây mất thời gian và cả chi phí cho người tham gia.
Điều kiện đã thay đổi
Hoạt động ngân hàng cũng vậy. Việc nặng vốn ứ đọng trong bối cảnh vừa chạy vừa nhấn chặt phanh cũng gây tốn kém chi phí nhiên liệu, hiệu quả hoạt động cũng kém đi.
Suốt một thời gian dài và cho đến nay, vốn huy động của các ngân hàng thương mại chủ yếu là ngắn hạn, chiếm từ 80-90% cơ cấu. Trong khi nhu cầu vay của nhiều doanh nghiệp là trung và dài hạn. Giới hạn được sử dụng tối đa 30% nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là một chốt chặn, rồi trở thành một nút thắt.
Trong bối cảnh hiện nay, giới hạn đó được xem là những biển báo tốc độ khiến nguồn vốn càng khó thông suốt, ùn tắc và nặng chi phí. Cỗ máy ngân hàng muốn thoáng hơn, nên một sự giải phóng/được tăng ga theo giới hạn mới, dĩ nhiên là họ “sướng”.
Với các nhu cầu vay vốn trung dài hạn, có thêm nguồn cung để đáp ứng, cũng là đáng mừng.
Cho nên, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36 (quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng) nới giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 30% lên tới 60% được giới ngân hàng và một số chuyên gia ủng hộ.
Cơ sở ủng hộ là các ngân hàng có điều kiện để giải phóng vốn tốt hơn, doanh nghiệp có cơ hội để vay vốn trung dài hạn nhiều hơn, thêm cung - giá giảm để bớt chi phí lãi suất cũng là mối liên hệ tích cực.
Hầu hết các phân tích, lý giải và ghi nhận sau khi Thông tư 36 ra đời chủ yếu ủng hộ vì hướng đến những giá trị đó. Tuy nhiên, tương tự như trường hợp chỉ đạo của Bộ trưởng Thăng ở trên, có lẽ đó không phải là lý do để Ngân hàng Nhà nước phải thay biển báo giới hạn tốc độ.
Không vì người tham gia giao thông muốn chạy nhanh hơn mà nới giới hạn tốc độ. Không vì các nhà băng muốn sử dụng vốn thoáng hơn, doanh nghiệp muốn vay vốn trung dài hạn nhiều hơn mà nới chốt chặn. Mấu chốt ở đây, là các điều kiện đảm bảo an toàn đã thay đổi.
Sau khi xử lý xong bất ổn thanh khoản cuối 2011, gần ba năm qua và cho đến nay huy động vốn hệ thống liên tục tăng trưởng cao; quan trọng hơn là kết cấu nguồn vốn có được sự ổn định cần thiết, dù phần lớn vẫn là cấu phần ngắn hạn. Đây là điều kiện tiên quyết để Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh.
Cũng như ở một điều chỉnh khác, không thể giải thích vì muốn hỗ trợ cho vay đầu tư chứng khoán, bất động sản, vì các chủ thể ở hai lĩnh vực này đòi hỏi mà Ngân hàng Nhà nước hạ hệ số rủi ro từ 250% xuống 150%; mà do đánh giá mức độ rủi ro đã khác so với thời kỳ nóng sốt trước đây để có điều chỉnh hợp lý hơn.
“Nghệ thuật” dụng vốn
Trong lần trao đổi với VnEconomy mới đây, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng Tp HCM, khái quát rằng: “Việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là cả một nghệ thuật!”.
Ông nhìn nhận, thực tế hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian qua cho thấy chưa có nhiều thành viên giỏi với “nghệ thuật” này. Một phần do còn những hạn chế nhất định trong quản trị, điều hành và đặc thù thị trường.
Sắp tới, khi Thông tư 36 có hiệu lực, giới hạn được tăng gấp đôi, từ 30% lên 60%, sẽ là điều kiện để những ngân hàng có nền tảng vốn tốt, có năng lực quản trị rủi ro tốt khai thác lợi thế “nghệ thuật” của mình.
Nhưng thận trọng cũng không thừa. Cũng như so sánh ở ngạch giao thông, chuyện mát ga và “lãng mạn thi ca” trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai mà Bộ trưởng Thăng từng ví von là có thực, nhưng cũng đã có những rủi ro, ngoài thiết kế và quy định, khi xử lý xe ở tốc độ cao trước vật cản đột ngột qua đường.
Vật cản đột ngột trong sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dường như mờ nhạt trong quãng êm đềm thanh khoản các ngân hàng hiện nay. Thế nhưng, chỉ cần thị trường chứng khoán bùng nổ, giá vàng nổi sóng hay cú sốc bất ngờ của tỷ giá… đều có thể khiến ngân hàng liệng tay lái nếu chạy tốc độ cao (60% là một tỷ lệ cao).
Trong khi đó kết cấu vốn huy động không hẳn luôn bền vững. Phần lớn hiện nay là vốn ngắn hạn, độ lỏng của nó lại gắn với sự năng động và linh hoạt hơn trong sử dụng vốn của dân cư. Ngược lại, sự gắn kết của lãi suất đối với dòng tiền gửi không còn mặn mà như trước.
Cũng lưu ý rằng, những năm trước, nếu vốn chảy sang vàng, ngân hàng không quá lo lắng vì nó vẫn là một cấu phần được dùng để kê thanh khoản (cao điểm từng lên tới khoảng 100 tấn), thì nay vàng đã bị loại khỏi bảng cân đối và nằm trong két người dân.
Nếu tình huống liệng tay lái xẩy ra, có chuyên gia trấn an rằng đã có Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện tốt vai trò của ngân hàng mẹ, thực hiện tốt chức năng người cho vay cuối cùng.
Trấn an trên có phần chưa đủ trách nhiệm. Bởi để hệ thống rơi vào tình huống phải can thiệp thanh khoản, thì trước đó chắc chắn đã có những cái giá phải trả, cụ thể nhất là biến động lãi suất (và những hệ lụy liên quan). Mặt khác, điều tối kỵ trong điều hành là Ngân hàng Nhà nước để lọt tình huống thả gà ra đuổi, nới điều kiện để rồi vì nó mà phải can thiệp.
Vậy nên, khi hạ tầng giao thông đã cải thiện, tốc độ tối đa từ 30 km/h được mát ga hơn với 60 km/h, nhưng cũng cần chú ý các điều kiện khác: chất lượng xe của anh có tải được tốc độ đó không, hệ thống phanh đảm bảo an toàn hay không, có được đăng kiểm chặt chẽ hay không, tầm nhìn và năng lực làm chủ tốc độ của anh như thế nào…
Cho nên, cùng với việc thay “biển báo tốc độ”, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉnh lại những điều kiện liên quan về xác định thế nào là vốn ngắn hạn, nâng yêu cầu về tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày (từ 15% lên 50%), cùng đó là giới hạn cho vay trên huy động khống chế ở mức 80%... để kiểm soát rủi ro.
Và hơn hết vẫn là sự chủ động kiểm soát rủi ro, “nghệ thuật” sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của mỗi ngân hàng thương mại. Bởi chính họ đã từng nếm trải, nhiều trường hợp đã phải trả giá đắt, với khó khăn thanh khoản những năm chưa xa, 2010 - 2011.
Nguồn VnEconomy