Vì sao năm nay lũ không về?
Đến với sông nước miền Tây, ai cũng đều biết đến con cá linh dân dã bình dị và cũng là một trong những đặc sản mà nơi đây được thiên nhiên và dòng sông mẹ Mê Kông ban tặng. Từ chén cá của người dân nghèo làm bữa ăn đến khi cá linh chỉ dành cho người có tiền, là lúc người ta nhận ra rằng, mẹ thiên nhiên không còn ưu đãi cho mảnh đất này nữa. Những mẻ lưới chỉ còn lại lèo tèo vài con cá dấy lên nỗi lo “lũ không về”…
Đứng nhìn ra con sông đoạn tiếp giáp biên giới Campuchia, ông Bảy Hân thở dài: “Chỗ tôi đứng, vài năm trước, nước cao hơn một mét, có nơi qua cả đầu người chứ đâu xâm xấp cổ chân như một hai năm nay. Nước cạn lấy đâu ra cá!”. Ông Bảy Hân là người đã gắn bó hơn 40 năm tại vùng đất Tân Châu, An Giang này, chứng kiến bao nhiêu mùa nước nổi. Khi nước chuyển sang màu đỏ cũng là thời điểm bà con bắt đầu chuẩn bị ngư cụ “đón lũ”. Bao đời nay, lũ mang đến không chỉ tôm cá mà còn là sự hình thành và duy trì của cả một vùng đồng bằng được xem là nơi sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước. Lũ về bồi đắp phù sa, làm sạch ruộng đồng, diệt trừ sâu rầy, chuột bọ, làm đất đai màu mỡ, mùa màng bội thu. Vì thế, cứ cuối tháng 7, đầu tháng 8 hằng năm là người dân miền Tây lại ngóng lũ về.
Vài năm gần đây, khi con cá tra bần, con cá linh thưa thớt dần, thì ông cũng biết rằng người dân không còn được “sống chung với lũ” nữa. Không chỉ ông Bảy mà những ngư dân sống bằng nghề đáy cá linh trên sông dọc theo vùng biên giới này đều đợi mùa lũ về. Bởi năm nào họ cũng phải bỏ hàng trăm triệu đồng để đấu thầu mặt nước khai thác, rồi nào là tiền lưới, tiền nhân công... Thế mà lũ không về, cá, tôm không có, hàng trăm triệu đồng mất chắc.
Lũ không về làm thất thu nguồn lợi thủy sản, thu nhập của nông dân, làm sụt giảm sản lượng lúa, cây ăn trái và hậu quả là sự xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn và sâu hơn trong nội địa. Trong mùa khô, kết hợp cùng với việc biến đổi khí hậu, khai thác cát không có quy hoạch, hiện tượng “mất lũ” đã trở thành một thiên tai…
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối, cho biết, miền Tây đang bị thiệt hại kép: vừa gánh hậu quả đợt hạn mặn lịch sử nay lại đối mặt với tình trạng lũ không về. Nước về ít và trễ khiến cho cơ cấu mùa vụ sẽ đảo lộn, chuột bọ, côn trùng gây hại sinh đẻ nhiều và phá hoại mùa màng nặng nề hơn, chi phí sản xuất tăng cao, năng suất, chất lượng sụt giảm.
Tiến sĩ Dương Văn Ni, Đại học Cần Thơ, cảnh báo, nếu trong tương lai đồng bằng sông Cửu Long không có lũ thì nguy cơ sụt lún là rất lớn. “Lũ là phần quan trọng của hệ sinh thái ở vùng đất này. Trước đây, nhờ lũ mà mỗi năm mũi Cà Mau lấn thêm ra biển do lượng phù sa bùn, cát, sỏi từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về bồi đắp. Nhưng mấy năm gần đây, vì lũ ít, lượng nước từ sông đổ về không đủ nên biển xâm thực càng dữ dội hơn. Bình quân mỗi năm, biển lấn sâu vào Cà Mau khoảng 15 m, có nơi đến 50 m, hàng trăm ha rừng phòng hộ bị cuốn ra biển...”.
Một cánh đồng ở Châu Đốc, An Giang vào mùa lũ năm 2014. Ảnh: Son Pham |
Trong đợt hạn mặn vừa qua, tại Cần Thơ có doanh nghiệp đầu tư hơn 100 tỉ đồng nuôi cá da trơn ở khu vực cồn số 2, cồn số 3. Thiếu lũ, nước mặn đã làm doanh nghiệp này thiệt hại hơn 14 tỉ đồng. Nhà nước đang có nhiều chính sách kêu gọi vốn đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, điều kiện canh tác đang bị tác động bởi 2 yếu tố vừa “nhân tai” vừa thiên tai sẽ ảnh hưởng lớn tới chủ trương này.
Chia sẻ cùng NCĐT, Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, cho rằng cùng với thiệt hại do lũ về chậm cũng có một bộ phận được hưởng lợi. “Trong khi người khai thác thủy sản thất thu, thì người trồng mía sẽ giữ được ruộng lâu hơn thay vì phải thu hoạch sớm chạy lũ. Ngoài ra, lũ về chậm cũng tạo điều kiện giúp cho đất canh tác lúa nghỉ được vụ 3, giữ lại cho đất độ màu mỡ, người dân trồng cây ăn trái cũng sẽ tháo nước ít hơn, tránh được tình trạng ngập úng… Tuy nhiên, điều này cũng còn phải lệ thuộc nhiều vào quy hoạch, hướng dẫn rõ ràng của cả ngành nông nghiệp”.
Lợi ích trước mắt chưa có nhưng cái hại thì đã rõ ràng. Không có đất phù sa bồi đắp nghĩa là chi phí dành cho sản xuất nông nghiệp cũng cao hơn, người nông dân phải sử dụng phân hóa học nhiều hơn, nên về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới định hướng nông nghiệp công nghệ cao. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mai Văn Trịnh cũng nhận định: “Hiện nay, đất trồng lúa đang diễn biến phức tạp, diện tích trồng ngày càng tăng nhưng chất lượng đất bị suy thoái trầm trọng, đang ở mức báo động và đồng bằng sông Cửu Long là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lúa và xuất khẩu gạo của cả nước”.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng bằng sông Cửu Long là vùng có diện tích nuôi trồng lớn nhất nước, hằng năm cả vùng sản xuất 25 triệu tấn lúa (chiếm 56% cả nước), xuất khẩu trên 6,5 triệu tấn gạo thành phẩm, sản lượng nuôi trồng chế biến thủy hải sản 3,62 triệu tấn (chiếm 57% cả nước), trong đó xuất khẩu tôm gần 3 tỉ USD, cá tra 1,8 tỉ USD; diện tích sản xuất rau màu, trái cây chiếm hơn 300.000 ha đất, hằng năm cho sản lượng lớn cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây là những giá trị đầy tiềm năng để làm tiền đề phát triển nông nghiệp của vùng. Tuy nhiên, khi đất và nước không đủ để nuôi cá, nuôi tôm, trồng lúa thì vùng đất này có còn trù phú như đúng với tiềm năng?
Các chuyên gia cho rằng khi lũ không về, một mặt cần có những định hướng giúp người dân “sống chung với tình trạng không có lũ”. Mặt khác, cũng cần sự quy hoạch hợp lý của Nhà nước trong phát triển nông nghiệp. Đối với doanh nghiệp cũng cần có sự quan sát và đầu tư hợp lý trong việc khai thác nguồn nước để đầu tư nông nghiệp.
“Lượng nước từ thượng nguồn Tây Tạng đang dần giảm đi do điều kiện tự nhiên. Theo một số tài liệu tôi thu thập được, ngay đến vùng Vân Nam, Trung Quốc, nơi nhiều con đập lớn đang giữ nước, thì vẫn còn tình trạng đồng ruộng khô. Khu vực Đông Bắc Thái Lan cũng đang khai thác nước một cách tối đa với hàng ngàn con kênh để tưới tiêu. Nam Lào cũng vừa mới xây xong một đập mới để lấy nước về phục vụ nông nghiệp… Như vậy, việc thuyết phục mở đập ở các nước thượng nguồn cũng là cả một vấn đề lớn vì quốc gia nào cũng cần nước để sử dụng. Chúng ta ở khu vực hạ lưu nên đang chịu hậu quả của cả “nhân tai” lẫn thiên tai…”, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết.
Theo Giáo sư, tại Mỹ và Úc, nông dân sẽ phải đóng phí cho lượng nước tiêu thụ để canh tác cây trồng. Nhà nước cũng cần có hướng dẫn người nông dân canh tác tiết kiệm nước nhất, cũng như giúp người dân quen dần với việc sử dụng hạn chế nguồn nước. Bởi vì, tài nguyên nào cũng có giới hạn và nước cũng không là một ngoại lệ. Giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới là phải thay đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sử dụng tiết kiệm nước tưới, chuyển đổi ngành nghề phù hợp để thích nghi với tình hình không có lũ.
Tại Cù Lao Dung, nơi cuối nguồn sông Hậu, người dân lo lắng khi mùa nước lũ không về, nước biển sẽ theo sông Hậu, sông Cổ Chiên lấn dần lên làm xáo trộn tình hình sản xuất của địa phương. Địa phương đang điều tra lại sản xuất để quy hoạch lại phù hợp với điều kiện đồng bằng sông Cửu Long không còn lũ.
Hoàng Quân