Ảnh: Sơn Phạm

 
Công Sang - Tuấn Minh Thứ Ba | 29/08/2017 07:30

Vì sao Mekong Capital rót hàng triệu USD vào YOLA?

Nhu cầu đang bùng nổ, tỉ suất lợi nhuận lớn, tăng trưởng ổn định là các đòn bẩy thu hút đầu tư lớn vào những trung tâm anh ngữ tại Việt Nam.

Hoàng Hà, 32 tuổi, đang làm việc cho một công ty quảng cáo của Mỹ. Cô đang nộp đơn học truyền thông tại Đại học Lund (Thụy Điển) trong 2 năm. Một trong các điều kiện dự tuyển là cô phải có chứng chỉ IELTS 5.5 - 6.5. Vì thế, Hoàng Hà đang gấp rút tìm các trung tâm Anh ngữ phù hợp để sớm đạt được chứng chỉ. Hoàng Hà nằm trong 20% dân số có nhu cầu học Anh ngữ và sẵn sàng chi tiêu cho lĩnh vực này. Đó là lý do khiến đầu tư kinh doanh trung tâm Anh ngữ ở Việt Nam
chưa bao giờ ngừng hấp dẫn.

Hấp dẫn FDI cho giáo dục

Đại diện của Đại học Lund cũng thường xuyên tới TP.HCM tổ chức các buổi giới thiệu chương trình học nhằm thu hút sinh viên Việt Nam. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu năm 2010-2011, số lượng người Việt du học ở nước ngoài chỉ khoảng 98.000, thì năm 2016, có khoảng 130.000 công dân Việt Nam đang học tập tại nước ngoài, trong đó Mỹ là 28.000 du học sinh, Anh là 11.000 du học sinh... Vì thế, các trung tâm Anh ngữ lớn như Hội đồng Anh, VASS, Apollo, ILA... liên tục mở rộng để đáp ứng nhu cầu học tiếng Anh ngày càng tăng từ mầm non, tiểu học, trung học đến luyện thi TOEFL, IELTS...

Chính nhu cầu quá lớn đã thu hút nhiều đơn vị nhảy vào đầu tư kinh doanh trung tâm Anh ngữ ở Việt Nam. Mới đây, thương vụ Quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III - thuộc Mekong Capital) rót vốn vào YOLA không chỉ hâm nóng thị trường mà còn cho thấy sự cạnh tranh trong lĩnh vực này đang bước sang một giai đoạn mới.

Theo báo cáo của Công ty Kiểm toán KPMG, tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến thứ hai của người Việt, kế đến là tiếng Pháp, Nhật và Trung Quốc. Năm ngoái, cả nước có hơn 22 triệu học sinh sinh viên khai giảng, chiếm khoảng hơn 20% dân số. Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 cũng nhấn mạnh tới đẩy dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Chính vì thế, không khó hiểu vì sao các trung tâm dạy tiếng Anh ở Việt Nam có tốc độ phát triển về số lượng trung tâm chỉ sau các cửa hàng bán lẻ, cửa hàng điện thoại di động hay tiện lợi. Nếu tính tổng các trung tâm dạy tiếng Anh trên toàn quốc, con số có thể tương đương chuỗi cửa hàng của FPT.

Xét về yếu tố giá cả, các trung tâm dạy tiếng Anh được chia làm 3 nhóm chính. Nhóm cao cấp là các trung tâm có giá trên 7 USD/giờ học gồm ILA, Apollo, Hội đồng Anh, YOLA... Từ 4-7 USD/giờ gồm Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS), Anh ngữ Việt Mỹ (VATC). Dưới 4 USD/giờ là các trường như Dương Minh, Đông Phương Mới...

Ngồi ở trụ sở mới, còn thơm mùi gỗ và thi thoảng bầu không gian yên tĩnh lại bị phá vỡ bởi tiếng máy khoan của những người thợ ở cuối văn phòng, ông Phạm Anh Khoa, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành YOLA, mở đầu câu chuyện bằng một thông tin khá bất ngờ: YOLA đã trải qua giai đoạn áp lực nhất.

Vi sao Mekong Capital rot hang trieu USD vao YOLA?
Hội đồng Quản trị của YOLA

Từ khi thành lập vào năm 2009, đến năm 2016, YOLA (viết tắt của cụm từ Your Online Learning Assistant, tạm dịch là Trợ thủ học tập trực tuyến) có 4 trung tâm hoạt động. Nhưng giữa năm 2016 đến nay, chỉ trong vòng hơn 1 năm, YOLA đã tăng từ con số 4 lên 10 trung tâm trên toàn quốc nhưng vẫn phải đảm bảo được chất lượng dịch vụ cũng như sự ổn định của Công ty. Đó cũng là lý do cho đến nay YOLA mới công bố việc nhận đầu tư từ MEF III.

“Một khi doanh nghiệp trong ngành mở rộng, họ thường bị cho là chất lượng sẽ đi xuống. Hơn 1 năm qua, chúng tôi đi với tốc độ nhanh hơn so với chính mình từ trước đến nay. Rất may mắn, mọi chuyện vẫn trong tầm kiểm soát”, ông Khoa nói.

Nói về việc gọi vốn, ông Khoa cho biết YOLA đã tiếp xúc với một số quỹ đầu tư, trong đó có Mekong Capital từ đầu năm 2016. Tháng 3.2016, YOLA chính thức bước vào vòng đàm phán với Mekong Capital, cùng sự hỗ trợ và tư vấn của Công ty Chứng khoán Thiên Việt. Chỉ trong vòng 3 tháng, thương vụ đã hoàn thành và MEF III đã đầu tư 4,9 triệu USD vào YOLA.

Theo ông Khoa, có 3 lý do MEF III chọn YOLA. Thứ nhất là đội ngũ trẻ và nhiệt huyết; thứ 2 là sự khác biệt nhờ chiến lược tập trung vào chất lượng đầu ra; và thứ 3 là hệ thống  quản lý học viên, giáo viên. Dĩ nhiên, sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến các chỉ số tăng trưởng hấp dẫn: YOLA luôn duy trì tốc độ tăng trưởng trung tâm và số lượng học sinh ở tỉ lệ 50% trong 8 năm qua dù giá dịch vụ luôn tăng từ 5-7% mỗi năm. Đây là con số tăng trưởng khá ấn tượng khi so sánh trong đấu trường dạy tiếng Anh hiện nay. “Với 10 trung tâm, YOLA đang chiếm khoảng 10% thị phần xét về doanh thu trong nhóm cao cấp”, ông Khoa cho biết.

Vi sao Mekong Capital rot hang trieu USD vao YOLA?
 

Đánh giá chung cho thấy, kinh doanh trung tâm Anh ngữ có hiệu suất lợi nhuận khá cao. Con số này thấp nhất là 20% và nếu hoạt động tốt, hiệu suất lợi nhuận có thể chạm đến ngưỡng 50%. Theo số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến hết ngày 20.3.2017, cả nước có 320 dự án FDI trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tương ứng với số vốn 684,3 triệu USD, chiếm 1,3% tổng số dự án và chiếm 0,2% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Theo thống kê của NCĐT, có hơn 50 doanh nghiệp và hơn 450 trung tâm dạy tiếng Anh trên toàn quốc, 55% trong số đó nằm ở TP.HCM. Không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập, làm việc trong nước, xu hướng du học đang tăng rất cao, kéo theo nhu cầu tiếng Anh trình độ cao. Có thể nói dù thị trường dạy tiếng Anh tại Việt Nam cạnh tranh quyết liệt nhưng vẫn luôn thu hút các khoản đầu tư và luôn có ngách để các doanh nghiệp phát triển.

Điển hình như YOLA ra đời vào năm 2009, ban đầu tập trung giảng dạy bằng internet để cắt giảm chi phí nhưng đã thất bại chỉ sau 6 tháng vì dù internet có tốc độ phát triển rất nhanh ở Việt Nam nhưng niềm tin của phụ huynh vào việc học tập dựa trên nền tảng này là con số không tròn trĩnh. Những người đứng đầu công ty phải đổi hướng, tìm ra ngách chưa nhiều doanh nghiệp quan tâm: luyện thi tiếng Anh cho mục đích du học.

Vi sao Mekong Capital rot hang trieu USD vao YOLA?
Một buổi học tại YOLA. Ảnh: Sơn Phạm

Tháng 11.2009, YOLA ra mắt 2 lớp luyện thi SAT (Scholastic Aptitude Test, kỳ thi đánh giá kiến thức toán và ngôn ngữ để xét tuyển cho chương trình cử nhân của các trường đại học Mỹ) đầu tiên tại TP.HCM. Từ 2 lớp, YOLA tăng lên gấp 5 lần chỉ sau 1 năm, duy trì học viên ở con số 1.000. Sau thành công của SAT, YOLA tiếp tục mở rộng thêm các khóa như SSAT (kỳ thi dành suất trung học tư thục nội trú ở Mỹ), TOEFL, IELTS và gần đây là Yola English - Junior.

Việc mở rộng xuất phát từ chính nhu cầu của học viên YOLA. Nói đơn giản luyện thi là hình thức cao nhất trong quá trình học, bắt buộc các học viên phải có kiến thức nền tảng vững chắc nhưng số này không nhiều. Chính vì thế, các lớp học mở ra đáp ứng nhu cầu học tiếp nối của học viên nên rủi ro trống phòng rất thấp. “Chúng tôi giống như đang xây nhà từ nóc vậy”, ông Khoa cười và nói.

Nhìn chung, mô hình trung tâm dạy tiếng Anh có dòng tiền khá tốt vì học viên phải đóng tiền rồi mới vào học. Nhưng để phát triển nhanh nhiều mục tiêu cùng một lúc trong thời gian ngắn, YOLA buộc phải kêu gọi đầu tư. Theo đó, dòng vốn từ MEF III được Công ty sử dụng cho việc mở rộng hệ thống và đầu tư vào nền tảng công nghệ phía sau. Không chia sẻ số trung tâm sẽ mở trong năm sau, ông Khoa cho biết trong thời gian tới, YOLA sẽ tập trung ở các quận vùng ven và các tỉnh lân cận.

Cuộc đua của các quỹ đầu tư

Không khó để hiểu tại sao YOLA phải đi nhanh vì thực ra sự tham gia của các quỹ tư nhân vào ngành giáo dục Việt Nam như trường hợp YOLA và MEF III không mới, thậm chí đã được khởi xướng từ cách đây hơn 10 năm. Thương vụ đầu tiên vào năm 2004, khi đó Công ty IFC (thuộc Ngân hàng Thế giới) đã rót 7,25 triệu USD vào Đại học Quốc tế RMIT. Sáu năm sau, Mekong Capital rót 6 triệu USD vào hệ thống Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS). Tháng 10.2016, IFC và Quỹ Aureos đầu tư 10 triệu USD vào hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS).

Vi sao Mekong Capital rot hang trieu USD vao YOLA?
Đầu tháng 8, ILA đã nhận được vốn đầu tư từ quỹ con EQT Mid Market thuộc Tập đoàn EQT (Thụy Điển). Ảnh: Sơn Phạm

Đình đám nhất có lẽ là thương vụ Quỹ đầu tư HPEF Capital Partners (trụ sở Hồng Kông) rao bán 60% cổ phần chuỗi Trung tâm ILA, tương đương mức định giá 150 triệu USD, cao gấp 15 lần so với lợi nhuận sau thuế của ILA. Gần đây nhất vào đầu tháng 8, ILA vừa nhận được vốn đầu tư từ quỹ con EQT Mid Market thuộc Tập đoàn EQT (Thụy Điển). Dù giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng lịch sử đầu tư của EQT cho thấy thông thường một thương vụ của EQT Mid Market ở Đông Nam Á sẽ có giá trị trong khoảng 40-100 triệu euro.

Thống kê gần đây nhất cho biết ILA hiện có hơn 30 trung tâm tại 6 thành phố lớn ở Việt Nam, với 400 giáo viên nước ngoài. Tính đến nay, có khoảng hơn 125.000 người theo học ở ILA, học viên là trẻ em từ 3-4 tuổi cho đến những người đã đi làm. Dấu hiệu này cho thấy sau một thời gian bùng nổ về số lượng trung tâm dạy Anh ngữ, khách hàng có xu hướng tập trung về chất lượng nhiều hơn và số này ngày càng tăng vì tâm lý chung của các bậc cha mẹ Việt Nam là không tiếc tiền đầu tư vào giáo dục cho con cái. Doanh nghiệp nào nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn sẽ có được miếng bánh lớn hơn.

Bên cạnh đó, kinh doanh trung tâm tiếng Anh có tốc độ phát triển giống như bán lẻ, nhưng khác là sản phẩm đầu ra phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người. Đội ngũ giáo viên cũng thay đổi, không còn các nhóm “Tây ba lô” vào tham gia giảng dạy mà đòi hỏi những người có trình độ, đã qua chính các kỳ thi mà trung tâm tổ chức giảng dạy. Mới đây, cộng đồng mạng đã xôn xao khi clip “Khi người Mỹ nghe tiếng Anh của người Việt Nam” được đăng tải trên kênh YouTube của một thầy giáo ngoại quốc. Clip dài 15 phút này đã thu hút hơn 1,5 triệu  lượt xem và tạo nên một làn sóng trái chiều về thực trạng chất lượng dạy Anh ngữ tại Việt Nam.

Chính vì thế, mở rộng chuỗi trung tâm rất khác với việc mở rộng các cửa hàng bán lẻ. Một mặt vừa phải chọn các vị trí đẹp vừa phải quản lý đội ngũ giảng viên. Cả hai đều là vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp.

Vi sao Mekong Capital rot hang trieu USD vao YOLA?
 

Cạnh tranh cũng kéo theo tình trạng khan hiếm giáo viên, nhất là giáo viên có chất lượng. Với mục tiêu chú trọng vào đầu ra, YOLA sẽ giải bài toán cạnh tranh như thế nào? “Công nghệ sẽ là điều quyết định”, bà Ngô Thùy Ngọc Tú, đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch phụ trách Chiến lược và sản phẩm của YOLA, cho biết.

Theo bà Tú, cần nhìn nhận rằng trong một lớp sẽ có học viên tiếp thu nhanh chậm khác nhau. Nền tảng công nghệ sẽ trở thành công cụ để cá nhân hóa việc học của những người tham gia. Giáo viên khi đó đóng vai trò là người cố vấn hơn là người đưa ra kiến thức.

Thứ đến, YOLA sẽ đầu tư phát triển hệ thống đánh giá và quản lý giáo viên. Bên cạnh đó là hệ thống chấm bài thi vì hiện nay vẫn đang xử lý công việc này bằng tay. Quan trọng nhất là phần đào tạo tập trung, vì phần lớn giáo viên không có thời gian nên công nghệ được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề này. Hiện mỗi giáo viên YOLA phụ trách khoảng 100 học sinh. Con số này được kỳ vọng sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Cuối cùng là tích hợp hệ thống chăm sóc khách hàng vào hệ thống dữ liệu học sinh để từ đó đưa ra lộ trình tư vấn cụ thể và cập nhật thường xuyên cho cả 3 bên là giáo viên, học viên và bậc phu huynh.

Không phủ nhận việc sử dụng các công cụ trực tuyến là khả quan nhất, nhưng sự thật là thói quen học trực tuyến của người sử dụng vẫn chưa cao. Bà Tú cho biết Công ty đang nghiên cứu và thử nghiệm nội bộ sẽ đưa các công cụ trực tuyến vào những khâu nào cần thiết và hiệu quả nhất cho học viên và cả giáo viên. Song song đó, công nghệ cũng được ứng dụng trong việc mở rộng trung tâm. Mở màn hình máy tính, ông Khoa cho thấy một điều khá thú vị: một bản đồ với đầy đủ vị trí của các trung tâm tiếng Anh cũng như các trường học ở TP.HCM và Hà Nội.

Ông Khoa cho biết, YOLA đã lập ra bản đồ này nhằm xác định xem những khu vực nào đang có nhu cầu học tiếng Anh nhiều nhất nhưng chưa được đáp ứng đầy đủ, cũng như tính toán lựa chọn vị trí mới sao cho tối ưu hóa thời gian phụ huynh chở con cái từ trường học và nhà ở đến trung tâm YOLA.

Vi sao Mekong Capital rot hang trieu USD vao YOLA?
 

Trao đổi với NCĐT, cả hai nhà đồng sáng lập YOLA đều cho biết rằng họ được truyền cảm hứng sâu sắc từ sự thành công của 2 tập đoàn giáo dục ở Trung Quốc là New Oriental và TAL. Tuy chỉ hoạt động ở Trung Quốc nhưng cả 2 công ty này đều được niêm yết ở sàn chứng khoán New York với giá trị vốn hóa thị trường đáng ngưỡng mộ: New Oriental hiện được định giá 12,45 tỉ USD, còn TAL được định giá 13,44 tỉ USD.

Cùng xuất phát từ chỗ dạy luyện thi cho các kỳ thi tiếng Anh, nay 2 tập đoàn giáo dục này đều dạy nhiều môn khác nhau như toán, tiếng Anh, tiếng Hoa và các môn khoa học. Ngoài ra, cả 2 đều có rất nhiều khóa học và chương trình đào tạo trực tuyến. Về lâu dài, YOLA cũng cho biết sẽ không chỉ dừng lại ở việc dạy tiếng Anh và Công ty đang chủ động phát triển các sản phẩm giáo dục mới.

Đây cũng là bước chuẩn bị cho việc xuất ngoại của YOLA trong định hướng 3-5 năm tới. Theo bà Tú, thị trường các nước Đông Nam Á tiềm năng nhưng tùy vào tốc độ phát triển của nền kinh tế mà nhu cầu học rất khác nhau. Như Myanmar đang mở cửa nên nhu cầu về Anh văn giao tiếp rất cao, còn các nước như Indonesia hay Thái Lan thì nhu cầu học chuyên sâu để đỗ vào các trường đại học tốt nhất lại là ưu tiên hàng đầu của học viên.

Theo đó, YOLA sẽ hợp tác với các doanh nghiệp địa phương bằng cách chuyển giao các nền tảng công nghệ ứng dụng trong công ty để quản lý việc dạy và học. “Chúng tôi chưa tính đến việc mở trường dạy học ở các quốc gia này vì rất khó cạnh tranh với những doanh nghiệp địa phương ở đây. Hợp tác về mặt công nghệ sẽ khả thi hơn”, bà Tú chia sẻ.

Từ một dự án dạy tiếng Anh nghiệp dư được thành lập giữa những người bạn là du học sinh về nước, chỉ trong vòng 8 năm, YOLA đã phát triển với tốc độ tăng trưởng học viên ấn tượng mỗi năm, hình thành chuỗi trung tâm chuyên nghiệp trên toàn quốc và vẫn đang trên đà phát triển. Ở giai đoạn tiếp theo, YOLA đang cho thấy tham vọng không chỉ dừng ở việc dạy tiếng Anh.

Công Sang - Tuấn Minh