TL

 
Thủy Ngọc Thứ Hai | 16/10/2017 12:30

Vì sao Masan mua cổ phiếu quỹ?

Nếu thực hiện đúng như công bố, Masan sẽ gom vào tương đương 10% tổng số lượng cổ phiếu MSN đang lưu hành.

Masan có kế hoạch mua tối đa gần 115 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Thời gian thực hiện là khoảng 1 tháng, từ 16.10.2017 đến 14.11.2017, bằng cả phương thức khớp lệnh lẫn giao dịch thỏa thuận. Căn cứ thị giá cổ phiếu MSN của Masan, ước tính, Masan sẽ chi ra khoảng trên 6.000 tỉ đồng để mua cổ phiếu quỹ đợt này.

Kế hoạch hoành tráng

Từ trước đến nay, Masan chưa từng triển khai đợt mua cổ phiếu quỹ nào lớn đến vậy. Nếu thực hiện đúng như công bố, Masan sẽ gom vào tương đương 10% tổng số lượng cổ phiếu MSN đang lưu hành. Gộp chung với hơn 9,2 triệu cổ phiếu quỹ đã mua, Masan sẽ giảm lượng cổ phiếu MSN lưu hành xuống còn hơn 1 tỉ cổ phiếu.

Theo Masan, đây chính là mục đích cho lần mua cổ phiếu quỹ này. Lý do khác là Masan muốn góp phần tạo thanh khoản cho cổ đông, tối ưu việc sử dụng tiền mặt hiện có, phản ánh niềm tin của Masan vào chiến lược và dự báo tài chính của mình. Ở góc độ doanh nghiệp, giảm cổ phiếu lưu hành sẽ giúp cải thiện tỉ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Masan dự tính sẽ dùng nguồn vốn từ thặng dư cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, dựa vào báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016, để mua cổ phiếu quỹ. Trên căn cứ này, xét thêm tiền và tương đương tiền còn hơn 7.680 tỉ đồng và khoảng 7.014 tỉ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Xét về dòng tiền, tại thời điểm cuối tháng 6 vừa qua, Masan còn khoảng 7.000 tỉ đồng  số dư tiền mặt, đủ cơ sở để triển khai đợt mua cổ phiếu quỹ này.

Tuy nhiên, nhìn từ quá khứ, có khả năng Masan sẽ không mua cổ phiếu quỹ ở mức tối đa công bố. Còn nhớ tháng 8 năm ngoái, Masan từng lên kế hoạch mua vào tối đa 20 triệu cổ phiếu MSN làm cổ phiếu quỹ nhưng con số thực tế Masan mua vào chỉ hơn 9,2 triệu cổ phiếu, tức chiếm chưa tới một nửa so với kế hoạch tối đa đề ra. 

Vi sao Masan mua co phieu quy?
 

Masan từng giải thích, nguyên nhân không mua hết số cổ phiếu quỹ đăng ký là do giao dịch và giá mua bị giới hạn, lượng thanh khoản thị trường không đủ đáp ứng. Nhưng căn cứ khối lượng đặt bán trung bình trên 1 triệu cổ phiếu/phiên của thời gian này (22 phiên, từ 6.9.2017 đến 5.10.2017), Masan thực tế có thể mua ở ngưỡng tối thiểu (3% tổng khối lượng đăng ký) hoặc nhỉnh hơn chút. Masan chần chừ có thể vì lý do giá cả. Suốt thời gian Masan triển khai đợt chào mua cổ phiếu quỹ, giá trung bình của cổ phiếu MSN là 53.000-57.000 đồng/cổ phiếu, tức tăng khoảng 15-17%. 
Hiện tại, giá cổ phiếu MSN cũng tăng lên khoảng 35% so với lúc chưa có tin tức về đợt chào mua cổ phiếu quỹ. Điều này đã tạo thuận lợi cho hoạt động thoái vốn. Công ty Cổ phần Masan hiện là cổ đông lớn nhất, nắm giữ gần 33% tổng số cổ phần đang lưu hàng tại Masan. Cổ đông này đã mua lại trên một nửa lượng thoái vốn (hơn 5,7 triệu cổ phiếu MSN). Riêng Orchid Capital Investments Pte. Ltd không còn nắm giữ cổ phiếu MSN và chuyển nhượng một phần đáng kể cho quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC vào tháng 3 năm ngoái. Đến nay, chỉ còn GIC là cổ đông lớn nước ngoài ở Masan, nắm hơn 5% cổ phần đang lưu hành.

Lựa chọn của nhà đầu tư

Từ đầu năm nay, hoạt động kinh doanh của Masan không khởi sắc. Cụ thể, theo báo cáo tài chính của Masan Consumer Holdings (MCH), công ty con chuyên về hàng tiêu dùng của Masan, doanh thu nửa đầu năm 2017 giảm 6%, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm tới 35%, còn hơn 626 tỉ đồng. Lý do được MCH đưa ra là vì Công ty đang trong giai đoạn thay đổi chính sách kinh doanh, xây dựng, phát triển các thương hiệu mạnh, tái cân bằng mức tồn kho với các nhà phân phối.

Theo đó, MCH cắt giảm và dự kiến chỉ duy trì tồn kho xuống 1.000-1.200 tỉ đồng, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa, hướng tập trung vào khách hàng cuối. Nửa cuối năm 2017, MCH ước chi 532 tỉ đồng, tăng 61% so với ngân sách ban đầu vào marketing và quảng cáo, thực hiện 8 chiến dịch nhằm khẳng định lại sức mạnh của các thương hiệu đã có, chỉnh lại một vài thành tố liên quan đến cấu trúc của một số ngành hàng hiện tại, mở rộng thị trường và giới thiệu các sản phẩm mới đến người tiêu dùng. Công ty hướng mục tiêu xây dựng thành công ít nhất 12 thương hiệu Việt đến năm 2020. 

Vi sao Masan mua co phieu quy?
 

Theo số liệu công bố, những giải pháp và chuẩn bị này đã làm doanh thu nửa đầu năm 2016 của mảng gia vị, thực phẩm tiện lợi, cà phê hòa tan ở Masan bị sụt giảm, lần lượt giảm 7%, 19% và 6%. Riêng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lại tốn hơn 1.870 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận. 

Trong mảng đồ uống, giới đầu tư chứng kiến mức sụt giảm về doanh thu tại Công ty Masan Brewery (MB), chỉ đạt khoảng 36 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm. Chiết khấu bán hàng tăng hơn gấp 3 lần, cắt giảm tồn kho là lý do khiến doanh thu mảng này của MB sụt giảm mạnh. Ngoài ra, Masan Nutri-Science (MNS), công ty chuyên về kinh doanh mảng đạm động vật lớn nhất ở Việt Nam, đã bị ảnh hưởng nặng nề do giá heo hơi giảm mạnh. Kết quả là sản lượng và doanh thu bán hàng thức ăn chăn nuôi heo của MNS giảm lần lượt 20,8% và 19,5%.

Đầu năm 2017, Công ty chứng kiến “sự trở lại” của ông Trương Công Thắng với vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị MCH. Ông Thắng là người đã dẫn dắt Masan trong những ngày đầu để trở thành một trong những doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống lớn nhất Việt Nam. Mục tiêu của ông Thắng trong thời gian tới là tái lập lại sức mạnh các thương hiệu của Masan bằng việc đầu tư mạnh mẽ hơn vào các chiến lược marketing.

Mảng hàng thịt chế biến cũng là đòn bẩy mới của MCH, doanh thu của thịt chế biến trong 6 tháng đầu năm đã tăng 359% lên 88 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. MCH dự kiến doanh thu dự kiến là 50 triệu USD trong 12 tháng tới. MCH kỳ vọng mức tiêu thụ thịt chế biến tại Việt Nam sẽ tăng lên 15-20% vào năm 2022. 

Masan cũng kỳ vọng vào đợt tái xuất lớn của bia Sư Tử Trắng, vào những thay đổi trong tái lập thương hiệu và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, theo giới phân tích, hiệu quả tích cực liên quan đến mảng thực phẩm, đồ uống của Masan phải đợi từ năm 2018 mới thể hiện đầy đủ. Bên cạnh đó, MNS dự kiến sẽ đưa khu phức hợp sản xuất thịt và trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao Masan Nutri-Farm tại Nghệ An vào hoạt động vào đầu năm 2018, đánh dấu sự hoàn thiện của nền tảng 3F (từ trang trại đến bàn ăn).

Trước mắt, sự lạc quan của cổ đông ở Masan đổ dồn về Masan Resources (MSR) và Techcombank. Với giá hàng hóa của MSR như Vonfram, Bismuth và quặng đồng đều tăng cùng việc tăng hiệu suất sản xuất đã giúp doanh thu của MSR tăng gần 50% so với 6 tháng đầu năm 2016, đạt gần 2.600 tỉ đồng. Trước đó, năm 2016, MSR cũng đạt kỷ lục cả về sản lượng lẫn doanh thu. Hội Vonfram ở Ganzhou (GTA) dự báo, giá vonfram sẽ còn tăng do nguồn cung vonfram tại Trung Quốc giảm mạnh do chính phủ nước này đang mạnh tay xử lý các mỏ vi phạm quy định về môi trường, siết chặt quota sản xuất và xuất khẩu, đồng thời, lượng “mỏ già” tăng lên.

Đồng thời, giá Vonfram đang chịu tác động lớn bởi kinh tế thế giới phục hồi, sự phát triển của các ngành công nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, nhà đầu tư quan tâm đến khả năng NMDC, nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất Ấn Độ, có thể sẽ đầu tư vào mỏ Núi Pháo. Tất cả sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động của MSR. Mới đây, Masan đã thông qua nghị quyết Hội đồng Quản trị về gia tăng đầu tư, ước rót khoảng 6.500 tỉ đồng vào Masan Horizon, công ty đang sở hữu mỏ Núi Pháo.

Đối với mảng đầu tư vào Techcombank, Masan hiện là cổ đông lớn nhất. Lâu nay, Techcombank được biết đến như ngân hàng thương mại kinh doanh hiệu quả, với mức tăng lợi nhuận nửa đầu năm nay khoảng 72% so với cùng kỳ. Nhưng giới đầu tư có thể cân nhắc đến yếu tố cổ đông ngoại của Techcombank như HBSC đã rút lui toàn bộ. Techcombank cũng quyết định khóa cửa đối với vốn ngoại bằng cách hạ tỉ lệ sở hữu nước ngoài về 0%. Ngoài ra, Ngân hàng vừa có phương án phát hành 500 triệu cổ phần tăng vốn điều lệ.

Thủy Ngọc