Vì sao Masan không chia cổ tức?
Sáng nay, (27/4), Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San (mã MSN) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015.
Đại hội đã thông qua tất cả các nội dung tờ trình trong đó có tờ trình về việc phân phối lợi nhuận năm 2014, theo đó, Masan sẽ không chia cổ tức năm 2014 và sẽ không trả thù lao cho HĐQT cũng như BKS.
Trả lời thắc mắc của cô đông tại Đại hội về việc không chia cổ tức trong khi khoản lợi nhuận chưa phân phối lên đến 7.071 tỷ đồng, đại diện HĐQT MSN cho biết, thị trường Việt Nam có nhiều biến động, lúc lên lúc xuống, ai nắm tiền mặt nhiều sẽ là người có cơ hội. Vị này nhấn mạnh, Masan muốn trả lại giá trị cho cổ đông nhưng trước mắt Masan muốn đảm bảo giá trị tương lai tốt hơn cho cổ đông.
Masan cho biết các khoản đầu tư lớn vào tài sản cố định theo kế hoạch trong năm nay dự kiến sẽ vào khoảng 2.000 tỷ đồng đến 2.500 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư này không bao gồm các thương vụ M&A tiềm năng, vốn phụ thuộc vào điều kiện thị trường và tùy theo cơ hội có thể nắm bắt.
Trước thắc mắc của cổ đông về hoạt động M&A chiếm bao nhiêu phần trăm trong doanh thu của Tập đoàn, HĐQT cho biết, M&A chỉ đóng góp một phần nhỏ trong doanh thu của Tập đoàn. M&A không phải là cái Masan phụ thuộc để lớn mạnh hơn. Tuy nhiên, HĐQT không đưa ra con số cụ thể.
Lý giải nguyên nhân chưa đạt được mức doanh thu 1 tỷ USD như kế hoạch năm 2014, đại diện HĐQT MSN cho biết, nguyên nhân chính là do hoạt động xúc tiến kinh doanh ở dự án Núi Pháo bị chậm tiến độ, thị trường cũng có nhiều biến động... dẫn đến ảnh hưởng đến doanh thu.
Masan cho biết, việc cạnh tranh về giá nhu yếu phẩm trên thị trường hiện nay không làm ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh, bởi hiện Masan đã có những hợp đồng cung cấp sản phẩm dài hạn.
Cổ đông thắc mắc về kế hoạch để đối phó trước tình hình doanh thu mì gói và gia vị giảm, HĐQT cho biết, doanh thu nhóm ngành này không giảm mà tăng nhẹ. Tuy nhiên, đại diện HĐQT cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng chọn những sản phẩm rẻ hơn. Những sản phẩm mì gói giá rẻ đang chiếm lĩnh thị trường và người tiêu dùng thì đang cuốn vào những sản phẩm này. Nhiều người ở vùng nông thôn xem mì gói là bữa ăn chính, do đó họ chọn loại mì có giá rẻ. Sản phẩm mì Kokomi của Masan có giá 1.200 đồng/gói. Trong năm 2014, Masan đã bán được đến 1,4 tỷ gói nhưng biên lợi nhuận mang lại không cao.
Masan đang có kế hoạch phát triển những dòng sản phẩm mì và nước mắm ở phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, đây lại là một thách thức lớn của Masan bởi để người tiêu dùng chọn một sản phẩm nước mắm giá cao hơn là một chiến lược kinh doanh lâu dài.
Masan cũng cho biết, thị trường miền Tây Nam bộ sẽ là thị trường lớn cần tập trung và là khu vực thị trường chiến lược của Masan bởi các tập đoàn lớn thường tập trung chủ yếu ở những thành phố lớn mà bỏ qua khu vực này.
Về kết quả kinh doanh trong quý I/2015, đại diện HĐQT cho biết do những quy định về việc công bố thông tin nên không thể công bố con số cụ thể, tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận ước tăng lần lượt 30% và 15% so với cùng kỳ.
Nguồn NCĐT